Phương pháp mới chữa khỏi bệnh đột quỵ liệt nửa người

Thùy Linh 06/01/2017 11:05

Lãnh đạo Bệnh viện An Bình (quận 5, TP HCM) cho biết, bệnh viện vừa áp dụng thành công phương pháp điều trị tiêu sợi huyết khối tĩnh mạch chữa khỏi cho bệnh nhân đột quỵ liệt nửa người, giúp người bệnh đi lại được.

Phương pháp mới chữa khỏi bệnh đột quỵ liệt nửa người

Ảnh minh họa.

Theo đó, bệnh nhân L.V.L. (68 tuổi, huyện Bình Chánh, TP HCM) nhập viện lúc 8h30 ngày 26/12, trong tình trạng liệt nửa người bên trái. Vào lúc 6 giờ cùng ngày, bệnh nhân bị đột quỵ do tai biến mạch máu não, nửa người bên trái không cử động được. Sau khi chẩn đoán và làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não cấp trên nền tiền sử huyết áp cao; bệnh nhân cũng đã từng bị đột quỵ nhẹ một lần.

Sau khi xác định tình trạng bệnh, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch. Sau 5 ngày được điều trị, bệnh nhân đã cử động được tay, chân bên trái, đi lại gần như bình thường.

Bác sĩ Hồ Hữu Thật- Chủ nhiệm bộ môn Nội thần kinh của Bệnh viện An Bình cho biết, tiêu sợi huyết khối tĩnh mạch là một trong những kỹ thuật điều trị triệt để đối với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng trong tối đa 4-5 giờ đầu tiên sau khi bệnh nhân bị đột quỵ. Trước đây, khi chưa áp dụng phương pháp này, bệnh nhân đột quỵ dù được cấp cứu kịp thời nhưng vẫn có thể có những di chứng như liệt nửa người, liệt tứ chi, không nói được. Phương pháp điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch làm tăng hiệu quả điều trị, giảm tỉ lệ tử vong, tàn phế đối với các trường hợp đột quỵ nhồi máu não cấp.

Các bác sĩ khuyến cáo, những bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não cấp cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện, tốt nhất là trong 4-5 giờ sau khi bị đột quỵ. Người nhà bệnh nhân nên giữ nguyên hiện trạng của người bệnh, không nên áp dụng các biện pháp truyền miệng như chích máu đầu ngón tay.

Theo Hội phòng chống tai biến mạch máu não, tại Việt Nam, đột quỵ đứng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong sau bệnh lý tim mạch, ung thư và dẫn đầu trong các nguyên nhân gây nên tàn tật.

Thường khi trời trở lạnh, số bệnh nhân nhập viện do biến chứng cao huyết áp tăng rõ rệt. Một nghiên cứu cho thấy, có gần 70% người bệnh không biết mình bị cao huyết áp cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê.

Các dấu hiệu nghi ngờ do biến cố tim mạch gồm: Đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực; khó thở có thể xảy ra kèm hoặc không kèm với tức ngực; vã mồ hôi, buồn nôn, hay nhức đầu.

Trong khi đó, dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch não là: Đột ngột tê (hay yếu) một bên mặt, tay hoặc chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân…

Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi. Và vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là thời gian, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng (3 giờ đầu) của não.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phương pháp mới chữa khỏi bệnh đột quỵ liệt nửa người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO