Thịt heo bị tiêm thuốc an thần: Nguy hại cho người dùng

Lê Hiền 08/10/2017 08:00

Sự việc gần 4.000 con heo tại cơ sở Xuyên Á – Trung tâm giết mổ lớn nhất ở TP.Hồ Chí Minh, chiếm hơn 50% tổng lượng heo giết mổ tại thành phố, vừa bị Cục Cảnh sát môi trường phát hiện bị tiêm thuốc an thần Combistress trước khi giết mổ đã khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ. Người tiêu dùng khó phân biệt thịt bơm nước hay tiêm thuốc...


Người tiêu dùng khó phân biệt thịt bơm nước hay tiêm thuốc...

Tiêm thuốc để làm... đẹp thịt
Theo đó, lực lượng liên ngành của Cục cảnh sát Môi trường - Bộ Công an đêm ngày 28-9 đã ập vào cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) bắt quả tang hai nhân viên bơm thuốc cho heo. Tại hiện trường, nhiều lọ thuốc có nhãn Combistress (an thần), hàng chục chai nhựa giống bình truyền nước chứa dung dịch màu vàng... bị thu giữ.
Ngoài 600 con heo còn tỉnh táo, gần 4.000 con nằm la liệt tại các dãy chuồng - nghi đã bị tiêm thuốc an thần.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc này. Trước đó, tháng 2-2017, Chi cục Thú y TPHCM đã phát hiện 21/100 con lợn bị tiêm thuốc an thần ở cơ sở giết mổ Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) đã bị “thịt” và đưa ra thị trường tiêu thụ. Năm 2015 và 2016, hàng loạt vụ việc tương tự đã được phát hiện.

Theo PGS, TS Lê Văn Thọ, Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm TP.HCM, Combistress chứa hoạt chất chính là Acepromazine. Chất này có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần, chống căng thẳng, giúp thú vật trấn tĩnh và giảm lo lắng, chống ói mửa. Thuốc được dùng trước khi gây mê phẫu thuật để tránh con vật bài tiết quá nhiều nước bọt và dịch tiết ở đường hô hấp do tác dụng phụ của thuốc mê.

TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: Trong chăn nuôi thú y, các loại thuốc an thần thường được dùng làm thuốc tiền mê khi phẫu thuật hoặc giúp con vật an thần để thực hiện tiểu phẫu. Thuốc cũng có thể dùng để trấn an heo mẹ hung dữ cắn con không cho con bú. Ngoài ra loại thuốc còn được sử dụng khi vận chuyển vật nuôi đi xa để phòng chống say tàu xe, ói mửa, giảm tử vong.

Ngoài ra, thuốc cũng được tiêm nhằm mục đích để lợn không vùng vẫy, không ói mửa, từ đó việc bơm nước để lợn tăng và giữ trọng lượng sẽ dễ dàng hơn. Đây chính là hành vi gian lận thương mại. Đặc biệt, thuốc còn làm các mạch máu heo co lại khiến thịt trông hồng hào, bắt mắt hơn. Dù vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo dùng thuốc cho heo với liều lượng phù hợp, không nên lạm dụng.

Trong các bệnh viện, nếu muốn dùng các loại thuốc này để gây mê cho người bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ. Còn trong lĩnh vực thú y, thuốc chứa hoạt chất Acepromazine chưa có quy định cụ thể và được bán bình thường ở các cửa hàng thuốc thú y. Song theo quy định về thời gian thì phải ngưng dùng thuốc trong vòng 5 đến 7 ngày trước khi thịt con vật thì mới đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

TS Từ Ngữ - Tổng thư ký hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, người ăn phải thịt có chứa chất an thần ảnh hưởng tới 3 cơ quan: Thứ nhất: Gây ức chế hệ thần kinh người ăn dễ bị trầm cảm, mất ngủ. Thứ hai: Tác dụng trên hệ tim mạch làm giãn mạch, co mạch làm thay đổi huyết áp của con người. Thứ ba: Thuốc an thần tồn dư ảnh hưởng tới hệ vận động dễ gây run rẩy, liệt chân.

Tác hại nghiêm trọng
Trường hợp heo được tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ, lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người ăn là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất trong những ngày này.

Theo Thạc sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương, nếu ăn hằng ngày sẽ bị tích tụ thuốc trong người và sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng, phản ứng sẽ tùy vào thể trạng của từng người. Không phải tất cả những người ăn thịt lợn bị tiêm thuốc đều có các biểu hiện, triệu chứng, nhưng ở một số người sẽ có có những phản ứng bất lợi. Hầu hết người ăn loại thịt này sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố tiết dịch, làm rối loạn yếu tố căng cơ của cơ thể. Về lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ. Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với người già, bệnh nhân và trẻ em.

TS Lê Văn Thọ cho biết, hiện nay trên thị trường thuốc thú y, ngoài Combistress còn có Prozil là một loại thuốc thú y có chứa hai thành phần chính là Acepromazine và Atropin, cũng có tác dụng tương tự. Nếu ăn phải thịt lợn bị tiêm thuốc an thần này, người tiêu dùng sẽ bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch huyết áp, nhức đầu chóng mặt, tăng cân, trầm cảm, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt. Nếu ăn phải liều lượng cao người dùng có nguy cơ bị mục xương, ung thư tủy, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ đang mang thai hay nuôi con bằng sữa mẹ.

Con Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (nguyên giảng viên Khoa Dược, ĐH Y Dược TP. HCM) nếu ăn phải lợn tiêm thuốc an thần còn tồn dư chất Acepromazine sẽ rất nguy hiểm, bởi hoạt chất này tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm ức chế hệ thần kinh trung ương của con người.

Khó nhận biết

Vậy người tiêu dùng làm sao có thể biết là thịt heo bị tiêm thuốc an thần và loại thuốc này gây hại cho sức khỏe người dùng như thế nào?

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng bằng mắt thường không thể xác định thịt lợn có bị tiêm thuốc an thần hay không. Tuy nhiên, khi chọn mua thịt lợn, người tiêu dùng cần quan sát màu sắc thịt, nếu thịt đỏ tươi bất thường cần cẩn trọng. Khi bắt gặp các loại thịt mềm, ướt, các thớ thịt căng mọng nước hay thịt bị rỉ nước là có khả năng lợn bị bơm nước trước khi giết mổ.

Nếu thịt tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ có độ săn chắc, sờ vào thớ thịt cho cảm giác đàn hồi, thịt khô và dính vào tay. Miếng thịt không bị nhão, chế biến xong ăn rất thơm ngon chứ không ra nhiều nước khi chế biến.

Các chuyên gia về dinh dưỡng cũng khuyến cáo: Người tiêu dùng khi sử dụng thịt lợn nên chọn mua ở những nơi uy tín, tránh những nơi bán thịt không rõ nguồn gốc vì rất dễ bị mua phải lợn đã tiêm thuốc. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên đa dạng các nguồn thực phẩm khác nhau ngoài thịt lợn, để tránh sự tích tụ các chất tồn dư vào cơ thể.

Trong một nỗ lực khác, để ngăn chặn tình trạng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đang tăng cường, rà soát lại các quy định và các chế tài; đồng thời, tăng cường năng lực cho đội ngũ thú y và lực lượng chuyên ngành trên địa bàn toàn quốc nhằm kiểm soát tốt vấn đề VSATTP. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương, củng cố và tinh gọn lại bộ máy nhà nước; xử lý nghiêm các cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ, cũng như có các hành vi tiêu cực để xảy ra tình trạng tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thịt heo bị tiêm thuốc an thần: Nguy hại cho người dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO