Việt Nam trong cuộc chiến chống virus corona: Đủ khả năng phòng chống và điều trị

Đức Trân 06/02/2020 05:50

Chiều 5/2, Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngành y tế nước ta có đủ khả năng để phòng chống và điều trị dịch bệnh này.

Việt Nam trong cuộc chiến chống virus corona: Đủ khả năng phòng chống và điều trị

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Những đường lây truyền của nCoV

GS.TS Nguyễn Thanh Long-Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là loại virus có cấu trúc khá đơn giản, tuy nhiên khả năng lây lan rất nhanh và khó phòng ngừa. Virus corona có 3 đường lây nhiễm chủ yếu là qua không khí, qua tiếp xúc với người bệnh và lây qua bề mặt.

Cụ thể, virus corona lây truyền chủ yếu qua không khí, qua việc tiếp xúc với những giọt nước bọt từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi từ người mắc qua người không mắc. Lây truyền trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh khi bắt tay, chạm vào người nhưng không rửa tay và đảm bảo yêu cầu bảo vệ cơ thể mà Bộ Y tế đã hướng dẫn.

Đặc biệt, virus này có thể lây qua những vật cầm nắm (đường lây truyền này nguy hiểm nhất). Virus corona truyền ra ngoài, bám vào những vật như đá, sắt, thép, gỗ, vải và thời gian tồn tại rất lâu. Khi người khỏe mạnh cầm nắm, sờ vào sẽ lây khá nhanh. Ông Long nhấn mạnh, đây là đường lây truyền rất đáng quan ngại.

Ngoài ba đường lây truyền trên, ông Nguyễn Thanh Long cũng nêu ra một số đường lây truyền khác như qua đường phân nhưng hiện nay vẫn chưa có những kiểm chứng rõ nét.

Đối với dịch này, Thứ trường Nguyễn Thanh Long thông tin, nguồn gốc lây chưa rõ, có thể là qua một vật chủ trung gian nào đó như các loài có vú. Các nhà khoa học chưa tìm được ra đường lây, tuy nhiên các vật nuôi ở nhà như chó mèo, sẽ không bị lây lan virus corona.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, với bệnh viêm đường hô hấp do virus corona, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 1-14 ngày, 14 ngày cách ly là thời gian dài nhất để yên tâm hoàn toàn, còn tính trung bình chỉ 11 ngày đổ lại.

“Corona virus không có thuốc điều trị dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó hiện nay các bệnh viện chủ yếu điều trị triệu chứng”- ông Long cho biết.

Thực tế, đối với 10 bệnh nhân điều trị tại Việt Nam, nếu bệnh nhân phát hiện tình trạng suy hô hấp thì có các biện pháp can thiệp. Việc can thiệp ở đây có mức độ: Nhẹ là cho thở oxy sau điều triệu chứng; Mức 2 là can thiệp thở có hỗ trợ; Mức 3 mới thở máy. Do đó, không phải bệnh nhân nào mắc cũng thở máy.

“Khi tổng kết 10 trường hợp nói trên, đa phần bệnh nhân điều trị triệu chứng, chỉ duy nhất có bệnh nhân Trung Quốc có nhiều bệnh lý nền là phải thở oxy, không cần thở máy. Đến nay tại Việt Nam có 3 bệnh nhân xuất viện. Bộ Y tế đã rất thận trọng đưa ra phác đồ hướng dẫn điều trị và dự phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế chặt chẽ. Chúng ta yên tâm là phác đồ điều trị của Việt Nam cũng tiệm cận với thế giới”- Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Virus corona “sợ cả gió”

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với những người không bị bệnh. Tức là, WHO chưa chứng minh được đeo khẩu trang y tế có tác dụng phòng bệnh corona. Thế nên, việc đeo khẩu trang y tế chỉ là một trong các giải pháp để phòng chống bệnh”- ông Long nói.

Ông Long thông tin thêm: “Rất may là con virus corona rất nhạy cảm với nhiệt độ, ánh sáng, tia cực tím và nó còn “sợ cả gió”- tức là sợ môi trường thông thoáng khí. Thế nên, để phòng bệnh, các chuyên gia khuyên phải mở cửa sổ nơi ở, nơi làm việc để tạo thông thoáng khí”.

Việt Nam trong cuộc chiến chống virus corona: Đủ khả năng phòng chống và điều trị - 1

Ngoài việc đeo khẩu trang, các em học sinh còn được hướng dẫn vệ sinh cơ thể bằng dung dịch rửa tay khô. Ảnh: Doãn Hòa.

Dẫn chứng thêm về nhận định này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ở những điều kiện tự nhiên, các khu vực nhiều nắng, gió, chẳng hạn khu vực Tây Nguyên thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang…

“Điều này để nói rằng, chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không quá hoảng sợ, hoang mang. Không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế ở những nơi không được khuyến cáo”- ông Long nói thêm.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chuyên gia cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - người dân cần nhận thức đúng về việc đeo khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang y tế. Hiện, có 2 loại khẩu trang gồm khẩu trang y tế và khẩu trang thông thường. Khẩu trang có tác dụng chính để phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, khẩu trang y tế không phải là biện pháp duy nhất để phòng bệnh. Người có thể đeo khẩu trang vải hàng ngày để bảo vệ sức khỏe.

Ông Phu nhấn mạnh: “Những người khỏe mạnh không nhất thiết phải đeo khẩu trang. Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang đúng cách, không sờ vào bề mặt chống nước (mặt ngoài) của khẩu trang. Bởi khi sờ tay vào khẩu trang, tay có thể nhiễm virus, vi khuẩn. Người dân chỉ nên cầm quai của khẩu trang để tháo khẩu trang sau khi đeo. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo tất cả những người thăm khám, người bệnh ở bệnh viện đều nên đeo khẩu trang y tế để chủ động phòng bệnh”.
Việt Nam đang cố gắng phát triển sinh phẩm chẩn đoán nhanh

GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, với phương pháp xét nghiệm hiện nay mà Việt Nam cũng như toàn thế giới đang áp dụng, toàn bộ quy trình cần ít nhất là 5,5 giờ đến 8 hoặc 9 giờ mới cho ra kết quả. Việt Nam đang cố gắng phát triển sinh phẩm chẩn đoán nhanh, nhưng cách này hiện cũng chưa quốc gia nào có được

Về điều trị, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả bệnh viện Trung ương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Ngay đối với các bệnh viện này, cũng đã dự trữ 3.000 giường bệnh, các bệnh viện tại Hà Nội dự trữ 2.000 giường bệnh. Vì vậy chúng ta chưa cần xây bệnh viện dã chiến, mà sử dụng bệnh viện sẵn có.

Ví dụ, tỉnh Khánh Hòa đưa ra các phương án nếu Bệnh viện bệnh Nhiệt đới đầy bệnh nhân chuyển sang Bệnh viện Phổi, không đủ lại chuyển tiếp sang Bệnh viện Da liễu. Các địa phương hiện nay đã chuẩn bị phương án điều trị phù hợp nhất, nên chúng ta không quá hoang mang. Chúng ta phải có phương án tiếp đón bệnh nhân trong tình huống xấu nhất.

Bộ Y tế đã thận trọng đưa ra phác đồ điều trị đồng thời mở cửa học tập các phương thức ở nước ngoài. Vì vậy, phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận với phương thức của thế giới, tương tự việc điều trị dịch SARS trước đây.

Ông Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế đã chỉ đạo chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Các bệnh viện Trung ương tuyến cuối cũng chuẩn bị hàng nghìn giường bệnh. Chúng ta không xây bệnh viện dã chiến mà sử dụng luôn các bệnh viện đã có. Sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân trong tình trạng xấu nhất.

“Chúng ta không giấu dịch, không che giấu bất kỳ thông tin nào. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng không thể giấu được. Mạng xã hội có những thông tin không đúng, chúng ta phải bình tĩnh. Chẳng hạn những thông tin như cần tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng là không đúng”- Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo.

Với tình hình điều trị tại bệnh viện đối với các bệnh nhân dương tính với virus corona trong thời gian qua, ông Long cho biết: “Hy vọng những ngày tới có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện”.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế thông báo, qua các nghiên cứu của nhà khoa học cho thấy người đã bị nhiễm virus corona và được chữa khỏi bệnh thì sẽ khó có khả năng tái nhiễm, có thể miễn dịch được trong 2 năm. Ngoài ra, việc chữa trị cho bệnh nhân mắc virus corona, theo quy định của Luật Truyền nhiễm sẽ miễn phí việc điều trị đến khi khỏi bệnh.

Ông Long cũng cho biết, ý kiến cho rằng đỉnh điểm dịch sẽ đến trong 7-10 ngày tới đang bị hiểu sai. Theo ông Long: “Tôi muốn nói về nhận định của chuyên gia đánh giá tình hình dịch Trung Quốc, cho rằng đỉnh dịch Trung Quốc có thể 7-10 ngày tới không phải đỉnh dịch tại Việt Nam. Việt Nam quá sớm có thể nhận định. Tuy nhiên, nếu triển khai quyết liệt và đồng bộ có thể kiểm soát tốt hơn”.

Để phòng bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo người dân cần hết sức bình tĩnh, tuân thủ 4 việc sau:

Thứ nhất, tránh tiếp xúc trực tiếp qua không khí với người nghi nhiễm bệnh. Có nghiên cứu cho rằng nếu hắt hơi sổ mũi, ho có thể bắn virus cách xa 1,8m nhưng WHO chỉ khuyến cáo cách xa những người có biểu hiện lâm sàng 1m.

Thứ hai, tránh những việc đào thải mầm bệnh ra ngoài môi trường, khi ho, hắt hơi cần che bằng vải, giấy, khẩu trang, sau đó phải bỏ ngay và rửa tay xà phòng.

Thứ ba, tránh tiếp xúc với bệnh nhân ở khu vực kín. Các nghiên cứu cho rằng việc lây do tiếp xúc có thể diễn ra trong vòng 15 phút. Ngoài ra, tránh xa đám đông, tránh tiếp xúc người bị bệnh.

Thứ tư, vệ sinh bề mặt đồ vật, nhà cửa thường xuyên bằng các thuốc sát khuẩn, chất tẩy rửa thông thường.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, ngày 5/2, tình hình dịch bệnh 2019-nCoV trên thế giới có tổng số 24.553 trường hợp mắc, trong đó tại Trung Quốc đại lục là 24.324 người. Tổng số trường hợp tử vong là 492, trong đó Trung Quốc đại lục là 490 người, Philippines 1 trường hợp, Hong Kong (Trung Quốc) 1 trường hợp. Tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc đại lục là 229. Đã có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam trong cuộc chiến chống virus corona: Đủ khả năng phòng chống và điều trị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO