Sức mạnh mới của công nghiệp văn hóa

B.QUYÊN - H.DƯƠNG 18/09/2022 07:34

Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam đã đóng góp khoảng 8 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam (tính từ 2016-2018). Đặc biệt, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng bứt phá ngoạn mục… Đó là những minh chứng cho tầm quan trọng cũng như tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa trong xu hướng phát triển hiện nay. Dù vậy, những thành quả vẫn ở mức trung bình, bởi dư địa khai thác của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở nước ta còn rất nhiều. Việc nhìn lại và hoạch định những chặng đường tiếp theo là điều hết sức cần thiết.

Ảnh: Đức Quang.

Đổi thay và hội nhập

Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hóa đất nước; là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế. 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong Chiến lược Phát triển Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau khi Chiến lược được phê duyệt, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang được coi là một động lực - vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), sau 3 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước… Những con số cho thấy Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo nên sự đổi thay và hội nhập. Công nghiệp văn hóa đang tạo ra một sức mạnh văn hóa mới cho mỗi quốc gia.

Dẫn liệu báo cáo tại Hội thảo “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021” của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: Sau 5 năm thực hiện chiến lược công nghiệp văn hóa của Chính phủ, số lượng các không gian văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật ngày càng nhiều, cùng với sự tăng lên về cả chất lượng và số lượng của các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật do các đơn vị nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tổ chức đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân nhiều thành phố như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt... Các không gian đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bối cảnh văn hóa sáng tạo đương đại của thành phố nói chung và giới trẻ yêu nghệ thuật, văn hóa nói riêng.

Đối với thị trường nghệ thuật, chưa bao giờ hoạt động trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật lại diễn ra sôi nổi, quy mô và thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia như trong giai đoạn hiện nay. Đã có sự tăng trưởng sức tiêu dùng và đa dạng hóa các hình thức tiêu dùng đối với sản phẩm nghệ thuật trong bối cảnh số hóa. Bắt đầu hình thành một số sản phẩm nghệ thuật có thương hiệu, trong đó có nhiều sản phẩm, dịch vụ nghệ thuật do tư nhân đầu tư hoặc phối hợp công - tư liên doanh. Một số thị trường như âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh đã đạt được những thành tựu nhất định. Mặt khác, chính sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua ở nước ta cũng đã và đang góp phần gìn giữ, bảo vệ, phục hồi và khai thác có hiệu quả các giá trị của di sản văn hóa gắn với các cộng đồng, dân tộc và quốc gia. Đặc biệt, ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia.

Bên cạnh đó, những chuyển động tích cực về chủ trương, chính sách trong thời gian qua cũng đã thúc đẩy hình thành nhiều chương trình, sáng kiến đột phá, trong đó sự thành công của TP Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) với lĩnh vực thiết kế đã tạo động lực cho một số thành phố của Việt Nam như: TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu mở rộng và hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

“Tinh hoa Bắc Bộ” - vở diễn thực cảnh kết hợp các yếu tố dân gian truyền thống, nhưng vẫn giàu tính giải trí, trình diễn theo phong cách hiện đại, sáng tạo.

Điểm sáng du lịch

Đáng chú ý, để phát triển mảng công nghiệp du lịch văn hóa, công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, hành lang pháp lý về du lịch liên tục được kiện toàn, bổ sung. Ngành du lịch đã chú trọng đẩy mạnh và ngày một chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến du lịch. Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, logo và slogan cùng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam đã được ban hành, giới thiệu rộng rãi trên thị trường du lịch quốc tế.

TS Trần Thị Tuyết Mai - Viện Văn hóa (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nhìn nhận, để phát triển công nghiệp du lịch văn hóa, công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, hành lang pháp lý về du lịch liên tục được kiện toàn, bổ sung. Nhiều điểm đến của Việt Nam như: Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình, TPHCM, Phú Quốc... đã được nhiều tạp chí du lịch quốc tế, trang thông tin điện tử hướng dẫn du lịch hàng đầu thế giới bình chọn là top điểm đến giàu bản sắc văn hóa nhất, hấp dẫn nhất châu Á, cảnh sắc non nước tuyệt đẹp nhất thế giới, kỳ quan đẹp nhất, bãi biển đẹp nhất, hang động kỳ vĩ nhất thế giới. Nhiều khách sạn ở Việt Nam được bình chọn là khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu, top khách sạn tốt nhất thế giới, top khách sạn có dịch vụ xuất sắc nhất thế giới, có thiết kế và xây dựng đẹp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thời gian gần đây, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng bứt phá ngoạn mục. Năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch Covid-19), tổng thu từ ngành du lịch của Việt Nam ước đạt 700.000 tỷ đồng tạo bước đột phá về năng lực cạnh tranh. Sau khi đại dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413 nghìn lượt; khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt đã hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu của năm 2022 ngay trong 6 tháng đầu năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, dữ liệu từ công cụ tìm kiếm điểm đến của Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch, đạt mức tăng từ 50% đến 75%. Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới… Những thành quả cho thấy, du lịch đã trở thành một ngành công nghiệp văn hóa và ngày càng khai thác, chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Cách nào để phát huy nguồn tài nguyên?

Việc phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn những điểm nghẽn cần khắc phục. Một số ý kiến thẳng thắn nhận định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa còn nhiều hạn chế. Nhiều thị trường văn hóa trong nước đang bị lấn át bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

“Chúng ta đang thiếu “bột” để có thể “gột” nên các món hồ. Các thành phố rất cần những festival nghệ thuật có tầm cỡ trở thành thương hiệu và có sức hút của địa phương chứ không để mỗi một mùa lễ hội qua đi, mỗi một tuần lễ nghệ thuật qua đi, những vấn đề khó khăn vẫn còn đó, không khuyến khích được động lực phát triển thực sự cho những người sáng tạo”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nói.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, công nghiệp văn hóa cần đầu tư đúng mức, phát triển có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, bởi dư địa khai thác của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở nước ta còn rất nhiều. Chúng ta phát triển 3,61% cho năm 2018 là ít so với thực tế. Đó là điều ta phải băn khoăn làm thế nào để phát huy hết được các nguồn tài nguyên đầu vào để tạo ra sản phẩm đầu ra về công nghiệp văn hóa.

Ở lĩnh vực điện ảnh, có thể thấy nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%. Phim đặt hàng của Nhà nước phát huy hiệu quả xã hội không cao, số phim có thể ra rạp đếm trên đầu ngón tay. Vài năm gần đây phim đặt hàng hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả khiêm tốn, được mời xem miễn phí. Hay với mỹ thuật cũng còn không ít hạn chế…

Lý giải vì sao chúng ta thấy dù chúng ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật nhưng lại chưa có các ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa của nó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường vụ Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phân tích: Các ngành công nghiệp văn hóa là những lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Như vậy, việc tồn tại các ngành nghệ thuật không bảo đảm rằng các ngành này đã đương nhiên trở thành các ngành công nghiệp văn hóa.

Để có các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta cần hội tụ và kết nối đầy đủ 4 thành tố là tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Ví dụ, để hình thành một ngành công nghiệp điện ảnh, chúng ta phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp giữa thành phần sáng tạo điện ảnh là đạo diễn, biên kịch, diễn viên..., khai thác giá trị văn hóa của dân tộc, kết hợp với sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ năng kinh doanh là xây dựng thương hiệu cho bộ phim, đạo diễn, diễn viên, tổ chức sự kiện, phát triển khán giả... Đó là sự kết hợp cần thiết để một bộ phim được sản xuất và ra thị trường trở thành một sản phẩm của công nghiệp điện ảnh.

Bên cạnh đó ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) chỉ ra nguyên nhân gây ra những điểm nghẽn của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam là chính sách và pháp lý chưa đầy đủ. Cụ thể là chính sách thuế cho các doanh nghiệp sáng tạo. Dù văn hóa - nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, có ý nghĩa lớn cho xã hội nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế như các ngành nghề khác. Đầu tư cao, không được ưu đãi thuế, doanh thu thì bấp bênh. Chưa kể là vấn đề bản quyền của các sản phẩm sáng tạo hiện nay chưa được đảm bảo.

Nêu kinh nghiệm từ nhiều nước trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa kiến nghị, cần đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện đồng bộ thể chế, gắn kết chính sách công nghiệp văn hóa sáng tạo trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương. Tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển văn hóa số, gắn kết với truyền thông mới.

Ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam: Huy động đúng mức các nguồn lực sẽ thành công

Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua việc tạo việc làm và mở cửa thị trường mới. Việt Nam sẽ thành công nếu huy động đúng mức các nguồn lực văn hóa, vốn tri thức, công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, hấp dẫn.

Thực tế, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Kể từ đó, Hà Nội dẫn đầu sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa, tích cực sử dụng mạng lưới này để giao lưu và hợp tác quốc tế. Chúng tôi cũng rất vui khi các thành phố khác ở Việt Nam đang trong quá trình đăng ký trở thành thành viên của mạng lưới. Tôi tin rằng nền tảng quốc tế này sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa tại Việt Nam.

Nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung: Cần nâng cao năng lực sáng tạo

Về phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam, rào cản lớn nhất và dễ nhận thấy nhất là nhận thức về sáng tạo của Việt Nam còn khá hạn chế. Sự hạn chế không chỉ ở công chúng, khán giả mà còn ở ngay chính đội ngũ sáng tạo. Năng lực hạn chế, môi trường ít sự cạnh tranh, thiếu lành mạnh, chưa đòi hỏi sự sáng tạo phải đẩy lên cao nhất. Các rào cản về quản lý, thói quen nhanh nhiều tốt rẻ, niềm vui về sự sáng tạo không nhiều, thành quả còn ít và lệch lạc dẫn tới các sản phẩm sáng tạo chưa có chất lượng cao ở trong nước, chưa nói đến việc có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Muốn xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo thì trước tiên cần nâng cao năng lực sáng tạo. Các thành phố cần nghiên cứu, đưa ra được kế hoạch phát triển cụ thể của từng lĩnh vực sáng tạo dựa vào năng lực riêng mà địa phương mình có thể phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức mạnh mới của công nghiệp văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO