Sức sống mãnh liệt của Lục bát

CHU VĂN  SƠN 29/05/2023 09:16

Lục bát có tự bao giờ? Người ta đã cố gắng tìm câu trả lời. Nhưng mọi trả lời đến nay vẫn chỉ là giả thuyết.

TS Chu Văn Sơn.

Người Âu Tây tự hào về thể Sonnê, người Trung Quốc tự hào về thơ Đường luật, người Nhật Bản tự hào về thơ Haiku…, thì người Việt Nam có quyền tự hào về thể Lục bát. Lục bát là niềm kiêu hãnh của thơ Việt. Nếu tâm hồn một dân tộc thường gửi trọn vào thi ca của dân tộc mình, thì lục bát là thể thơ mà phần hồn của dân Việt đã nương náu ở đó nhiều nhất, sâu nhất.

Có thể nói, người Việt sống trong bầu thi quyển lục bát. Dân ta nói vần nói vè chủ yếu bằng lục bát. Dân ta đối đáp giao duyên, than thân trách phận, tranh đấu tuyên truyền, trào lộng giải trí chủ yếu bằng lục bát. Và dân ta hát ru các thế hệ, truyền nguồn sữa tinh thần của giống nòi cho lớp lớp cháu con cũng chủ yếu bằng lục bát… Lục bát là phương tiện phổ dụng để người Việt giải tỏa tâm sự, kí thác tâm trạng, thăng hoa tâm hồn. Gắn với tiếng Việt, gắn với hồn Việt, thơ lục bát đã thuộc về bản sắc dân tộc này.

TS Chu Văn Sơn sinh năm 1962, được biết tới là một người thầy mẫu mực. Ông cũng là nhà phê bình văn học tài hoa. Trong những bài phê bình, ông có nhiều phát hiện tinh tế, sâu sắc, có cách viết bay bổng nghệ sĩ, và một giọng văn riêng, vừa gần gũi vừa thanh lịch. Nhớ về TS Chu Văn Sơn sau 4 năm ông đi xa (18/4/2019), Tinh hoa Việt xin lược trích một bài viết thú vị của ông.

Lục bát có tự bao giờ? Người ta đã cố gắng tìm câu trả lời. Nhưng mọi trả lời đến nay vẫn chỉ là giả thuyết. Bởi cách sinh tồn của lục bát xa xưa là sống trong trí nhớ, sống qua đường truyền miệng của bao thế hệ người Việt, ít khi nằm im lìm trên trang giấy, nên tìm kiếm văn bản lục bát đầu tiên, kể cả dạng manh nha, dạng tiền thân của thể loại, để xác định niên đại của nó là việc thiên nan vạn nan. Tuy nhiên, cội nguồn bao giờ cũng là mối băn khoăn khôn cầm của nhân gian.

Cội nguồn của lục bát cũng thế. Nó vẫn luôn là một bí mật đầy hấp dẫn, luôn mời gọi những cuộc khám phá đầy phiêu lưu của các nhà thi học, đặc biệt là “lục bát học”. Chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc lội ngược về ngọn nguồn của tiếng Việt, lội ngược về cái vùng được xem là tiền sử của văn học và thơ ca Việt để mà khảo sát, tìm kiếm, lục lọi, để truy tìm bằng được khởi thủy của thể loại này. Mà cuộc tìm kiếm như thế, lắm khi, cũng oái oăm như cái điều mà một câu lục bát đã nói đến: “Gánh vàng đi đổ sông Ngô/ Đêm nằm tơ tưởng lại mò sông Tương”. Khởi thuỷ sớm hay muộn còn chưa có gì thật chắc, nhưng một điều có thể đoán chắc: lục bát là đứa con cưng của tiếng Việt, tiếng Việt đã nuôi lớn lục bát, đồng thời, chính lục bát cũng góp mình làm cho tiếng Việt hay hơn, đẹp hơn.

Tuổi thơ dưới bóng tre làng.

Chỉ có hai câu, 14 tiếng, mà một cặp lục bát tiềm tàng những khả năng biểu hiện vô tận.

Nó luôn dư sức trần thuật: “Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen” (Ca dao), “Này chồng này mẹ này cha/ Này là em ruột này là em dâu” (Nguyễn Du)…

Nó vô cùng dồi dào năng lực trữ tình: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” (Ca dao), “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (Tú Xương), “Sắc đâu nhuộm ố quan hà/ Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương” (Tản Đà), “Nghe đi rời rạc trong hồn/ Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi” (Huy Cận), “Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (Trần Huyền Trân), “Ngày qua ngày lại qua ngày/ Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” (Nguyễn Bính), “Đừng rơi, đừng rơi, lá ơi/ Có ai góc biển chân trời nhớ nhau” (Ngân Giang), “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” (Trần Đăng Khoa)…

Nó dôi dả năng lực triết luận: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần” (Nguyễn Du), “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”, “Hỏi tên rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa” (Bùi Giáng), “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”, “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Nguyễn Duy)…

Nó đáp ứng mọi yêu cầu trào tiếu: “Một rằng thương hai rằng thương/ Có bốn chân giường gãy một còn ba” (Ca dao), “Thương đùng đùng nhớ đùng đùng/ Yêu nhau quẫy nát một vùng chiếu chăn” (Võ Thanh An)…

Chỉ có hai câu, 14 tiếng, với áp lực lớn về tính chẵn của tiết tấu, mà nhịp lục bát vẫn biến hóa vô chừng.

Chỉ có 14 tiếng, với hai câu chật chội, mà lục bát vẫn có cách dùng chữ với những chùm đôi, chùm ba, thậm chí, vẫn gói ghém được cả những chùm bốn cồng kềnh, khiến lời thơ uyển chuyển co giãn phóng túng đến lạ lùng: “Nắng thoai thoải nắng chiều lưng lửng chiều” (Nguyễn Bính), “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” (Nguyễn Du)…

Chỉ có 14 tiếng, với đắp đổi bằng trắc khắt khe, dễ sa vào đơn điệu, thế mà trên thực tế, lục bát vẫn có những cách dàn xếp bằng trắc vần vèo thú vị và hấp dẫn: “Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh” (Nguyễn Du), “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên” (Tố Hữu), “Ngã ba ngã bảy về đâu/ Cái ngáng làm cớ cho nhau chuyện trò” (Hữu Thỉnh)…

Và, khi cần thiết, lục bát vẫn có thể “cặp” với cả thất ngôn để thành song thất lục bát, xé cả mình ra, đảo vần, ngắt hàng, biến thể, phá thể, thậm chí, cả cắt bớt số chữ, tăng vọt lượng chữ, thế mà vẫn… cứ là lục bát: “Tôi giật mình/ nghe/ Có ai nói ở cành me/ Sắp về” (Nguyễn Duy), “Em tưởng giếng sâu em nối sợi gàu dài/ Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây”, “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua” (Ca dao)…

Có thể nói, khuôn hình 6/8 chặt chẽ của lục bát sống trong tâm thức Việt chỉ như một khúc thức gốc. Một điệu thức chặt nhưng không đóng. Trái lại, nó luôn mở để những ý đồ cách tân được thoải mái ngẫu hứng tung phá. Song, dù các biến thức, biến thể, biến dạng phong phú đến đâu, nó vẫn không thể mất đi cái bản tướng lục bát. Đó chính là cái chất Việt uyển chuyển luôn ẩn tàng trong điệu thức của thể thơ này vậy.

Theo luật mà lách luật, nghệ thuật là thế, lục bát càng thế.

Tiềm năng hình thức của lục bát là vô cùng.

Làm sao có thể khai thác hết!

Từ xưa đến nay, vẫn sóng bước hai phong cách lục bát: dân gian và cổ điển. Không thể nói đằng nào hơn đằng nào kém. Đó là hai vẻ đẹp lục bát. Cả hai song hành, chuyển hóa và bổ sung cho nhau. Nếu thành tựu nổi bật nhất của lục bát dân gian là ca dao, thì lục bát cổ điển được viết bởi những cây bút bác học đã có được một kết tinh chói ngời là Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Những giai đoạn sau, trong bước phát triển nào của thơ, người ta cũng luôn thấy sóng đôi hai phong cách này. Ví như đầu thời Thơ mới, là cặp Tản Đà và Á Nam Trần Tuấn Khải, đằng cổ điển hơn, đằng dân gian hơn. Giữa thời Thơ mới là cặp Nguyễn Bính - đượm chất dân gian và Huy Cận - đậm màu cổ điển… Đến thời sau này thì hai phong cách ấy thường hòa vào nhau, mà chất dân gian thường trội hơn, đồng hóa cả chất cổ điển. Nổi lên nhiều cây bút sáng giá: Tố Hữu, Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Trần Đăng Khoa, Lê Đình Cánh, Phạm Công Trứ… Cứ thế, qua các thời, lục bát luôn như một dòng sông, mà các dòng chảy của nó cứ sóng sánh và quyện hòa để làm giàu cho nhau, làm nên cái diện mạo bền bỉ mà luôn mới mẻ của lục bát.

Trong thời hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, dường như đang có hai thái độ trái ngược đối với lục bát. Lắm kẻ thờ ơ, hoài nghi khả năng của lục bát. Họ thành kiến rằng lục bát là thể thơ quá gò bó về vần luật, về thanh luật, về tiết tấu; nó đơn điệu, nó bằng phẳng, quê mùa. Họ vội cho rằng lục bát chỉ biểu hiện được những cảm xúc quen thuộc của người Việt truyền thống. Còn tâm sự đầy những suy cảm tinh vi phức tạp của người hiện đại thì lục bát khó chuyển tải. Và, họ từ chối lục bát để một mực chạy theo những thể khác…

Vì thế mà có xu hướng ngược lại, nhiều người đã nhận thấy ở lục bát những ưu thế không thể thơ nào có được. Họ đã tìm về lục bát. Họ ý thức rõ, từ xưa đến nay, lục bát luôn là thể thơ đầy thách thức. Sự gò bó có thể là một khó khăn bất khả vượt đối với ai đó, nhưng lại là một thách thức đầy hấp dẫn đối với những tài năng thơ thiết tha với tiếng Việt, thiết tha với điệu tâm hồn Việt. Họ nâng niu, chăm chút. Họ làm mới, họ cách tân, để gửi gắm tấc lòng của con người hôm nay vào thể thơ hương hỏa của cha ông. Họ dùng lục bát như một phương tiện tâm tình gần gũi, để nói những gì sâu sắc nhất của tâm tư. Trong thực tế, lục bát với người này là sở trường, với người kia là sở đoản. Nhưng, về thái độ, thì sẽ là không quá lời khi bảo rằng: trân trọng lục bát cũng là một thước đo về văn hóa thơ với một người thơ Việt.

Nhờ những tấm lòng và tài năng ấy mà thế kỉ XX vẫn chứng kiến một cuộc chạy tiếp sức hào hứng không biết đến mệt mỏi của lục bát. Đọc thơ lục bát thế kỉ qua, có thể thấy rõ rệt, càng về sau, dáng điệu lục bát càng trẻ trung, hơi thở lục bát càng hiện đại hơn so với hồi đầu. Điều đó là bằng chứng khẳng định lục bát vẫn trường tồn, lục bát vẫn gắn bó máu thịt với tâm hồn Việt trên con đường hiện đại.

Chừng nào tre còn xanh, sen còn ngát, chừng nào tà áo dài còn tha thướt, tiếng đàn bầu còn ngân nga, chừng ấy những điệu lục bát vẫn tiếp tục sinh sôi trên xứ sở này.

Lục bát mãi mãi là một tài sản thiêng liêng của nền văn hóa Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức sống mãnh liệt của Lục bát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO