Sức trẻ người Mặt trận

Hạnh Nguyên 13/04/2019 09:00

Trước đây, quan niệm làm cán bộ Mặt trận là phải nhiều tuổi, già dặn, trải qua nhiều chức vụ mới có đủ uy tín, kinh nghiệm để làm tốt nhiệm vụ. Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy, ngày càng có nhiều cán bộ trẻ tham gia công tác Mặt trận ngay từ cơ sở với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; góp phần tích cực để đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ. Minh chứng cho điều này là những việc làm cụ thể của cán bộ Mặt trận trẻ ở Hà Tĩnh.

Sức trẻ người Mặt trận

Nữ Chủ tịch Mặt trận 8X Tống Thị Lệ Hằng.

Khẳng định chỗ đứng

Trưởng thành từ phong trào đoàn, đầu năm 2016, Tống Thị Lệ Hằng (37 tuổi, xã Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh) được cấp ủy tín nhiệm giới thiệu, ủy ban MTTQ hiệp thương cử bổ sung giữ chức Chủ tịch MTTQ xã Sơn Thịnh khi vừa tròn 34 tuổi. Chị Hằng thay thế vị trí của một cán bộ Mặt trận kỳ cựu đến tuổi nghỉ hưu. Chênh lệch tuổi tác quá lớn với thế hệ đi trước khiến chị hết sức băn khoăn khi nhận nhiệm vụ mới.

Xã Sơn Thịnh đáp đích nông thôn mới năm 2018 nhưng để hái được “quả ngọt” này không thể không kể đến vai trò của Mặt trận, nhất là người đứng đầu Tống Thị Lệ Hằng. Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết, nắm khá rõ các chủ trương, chính sách, với cách làm mới sáng tạo, chị Hằng càng ngày càng tự tin khi đảm nhiệm vai trò vốn được cho là chỉ dành cho người luống tuổi.

Đặc biệt, trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chị Hằng luôn thể hiện vai trò đi đầu “đứng mũi chịu sào”, sắp xếp, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện các phần việc được giao. Chị còn được phân công phụ trách Tiến Thịnh - thôn khó khăn nhất xã. Chị Hằng vẫn nhớ như in những ngày xắn quần, lội đồng, bám dân để tuyên truyền, vận động mở từng mét đất, chặt từng hàng cây để làm đường giao thông nông thôn.

“Có đoạn bờ rào dài khoảng 70m của một hộ dân ở thôn Tiến Thịnh cần phải phá bỏ cây tạp để mở rộng đường nhưng tôi phải vận động hàng chục cuộc, tìm đủ mọi cách nhưng ông ấy không đồng ý. Suốt 7 tháng trời lăn lộn ở Tiến Thịnh để vận động nhưng duy chỉ có hộ dân này không đồng thuận, nhiều lúc tôi chảy cả nước mắt, sút 4-5kg. Sau đó tôi quyết định huy động sức dân làm đường từ hai đầu lại, cuối cùng chỉ còn đoạn đường ở phần đất của hộ dân này và sau nhiều tiếng đồng hồ ngồi nói chuyện, giải thích, tôi cũng thuyết phục được hộ dân này”- chị Hằng nhớ lại.

Không chỉ vậy, bằng cách làm sáng tạo, Chủ tịch Mặt trận 8X Tống Thị Lệ Hằng còn góp phần không nhỏ trong việc tạo sinh kế cho người nghèo, giúp người nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững. Chỉ trong 1 nhiệm kỳ (2014-2018), tỷ lệ hộ nghèo xã Sơn Thịnh giảm được gần 20% (từ 30% năm 2014 xuống còn 10,63% năm 2018, trong đó hộ nghèo nông thôn mới chỉ 4,3% còn lại là hộ bảo trợ xã hội.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh Lê Văn Cường chia sẻ, ban đầu Thường vụ Đảng ủy xã cũng hơi phân vân vì đồng chí Hằng còn quá trẻ so với Chủ tịch Mặt trận xã trước đây. Nhưng chỉ sau vài tháng nắm giữ cương vị mới, đồng chí đã thể hiện được khả năng, năng lực của mình. Được đào tạo bài bản, ứng dụng công nghệ tốt, năng động, mềm dẻo nên đồng chí Hằng ngày càng nhận được sự tín nhiệm cao, được bà con quý mến và rất phù hợp với vai trò, vị thế của Mặt trận hiện nay.

Chính vị Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh cũng phải thừa nhận về sự cần thiết khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch MTTQ là một cán bộ trẻ. Theo ông Cường, trước đây vai trò của Mặt trận chưa được nhìn nhận đúng, nhưng từ thực tiễn hiện nay cho thấy Mặt trận có vai trò hết sức quan trọng. Đảm đương vị trí đứng đầu Mặt trận cũng phải là người có sức trẻ, nhiệt huyết, có trình độ mới đáp ứng được.

Sức trẻ người Mặt trận - 1

Trong thành tích xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh, có sự đóng góp quan trọng của cán bộ Mặt trận.

Cái nhìn khác về Mặt trận

Cùng tuổi đời với Hằng, ở huyện Hương Sơn, nữ Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Kim 1 Nguyễn Thị Hằng Ngoan đã thể hiện được vai trò quy tụ đoàn kết ở vùng biên, tích cực vận động bà con vùng giáo sống tốt đời - đẹp đạo. Cùng sinh năm 1982 còn có Hoàng Văn Hà- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Hòa. Hà làm một nhiệm kỳ Phó chủ tịch MTTQ, mới đây, tại đại hội đại biểu MTTQ xã Sơn Hòa, anh được cử làm Chủ tịch. Sơn Hòa là xã về đích nông thôn mới trước 2 năm. Ở huyện miền núi Hương Sơn, có 32 Chủ tịch MTTQ xã, thị trấn thì có tới 11 người thuộc thế hệ 8X (chiếm 34%).

Với những thành quả, cách làm của những thủ lĩnh Mặt trận cơ sở 8X đã cung cấp một cái nhìn khác về con người, vị trí của Mặt trận. Ông Phan Văn Đoàn- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Tiến (Hương Sơn), người có thâm niên hàng chục năm làm Mặt trận cũng đồng thuận với điều này. Theo ông Đoàn, kinh nghiệm làm Mặt trận hiện nay là phải trẻ, năng động, có sức khỏe, có trình độ, năng lực. Để người trẻ làm tốt được chức trách của mình thì ngoài việc học tập nâng cao trình độ còn phải sâu sát, tìm tòi đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, thẳng thắn phản biện để nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn Nguyễn Thành Đồng cho hay: Ưu điểm của cán bộ trẻ là năng động, dám nghĩ, dám làm và liên quan đến con đường phấn đấu ở phía trước nên khi bầu giữ chức vụ này, họ thường rất năng động, có đóng góp thực sự cho phong trào. Trên địa bàn huyện cũng có những cán bộ làm công tác Mặt trận đã nhiều tuổi nhưng rất tâm huyết, trách nhiệm. Tuy nhiên, ở một số xã vẫn còn tình trạng làm việc cầm chừng, không có điểm nhấn trong phong trào hoạt động. Trong khi đó, thế hệ trẻ làm Mặt trận ngày càng khẳng định được bản thân.

Thực tế cho thấy, do những quan niệm cố hữu về cán bộ Mặt trận nên có những xã, cán bộ Mặt trận là những người “xế chiều” trong thời gian công tác. Vẫn còn tình trạng cán bộ Mặt trận có cũng như không, nhất là một số cán bộ đã kinh qua chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy, hoặc cán bộ chỉ chờ ít năm để hưởng lương hưu.

Theo Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Hà Văn Hùng, để làm tốt công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, để cán bộ Mặt trận hiểu dân, gần dân, sát dân hơn thì công tác Mặt trận phải theo hướng chính sách. Nghĩa là mỗi cán bộ Mặt trận phải nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cơ chế, chính sách của địa phương để mỗi khi người dân cần thì phải trả lời được cơ bản những thắc mắc của dân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của dân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho dân.

Để làm được như vị Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tĩnh nói cũng như đáp ứng được vai trò quy tụ đoàn kết, giám sát, phản biện và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận trong thời kỳ mới. Tổ chức cần tin tưởng, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho tuổi trẻ. Công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng đề án nhân sự Mặt trận cần chú trọng hơn đến việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ để tránh tình trạng “xế chiều” vẫn còn đâu đó.

* Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Thành Đồng cho hay: Ưu điểm của cán bộ trẻ là năng động, dám nghĩ, dám làm và liên quan đến con đường phấn đấu ở phía trước nên khi bầu giữ chức vụ này, họ thường rất năng động, có đóng góp thực sự cho phong trào. Trên địa bàn huyện cũng có những cán bộ làm công tác Mặt trận đã nhiều tuổi nhưng rất tâm huyết, trách nhiệm. Tuy nhiên, ở một số xã vẫn còn tình trạng làm việc cầm chừng, không có điểm nhấn trong phong trào hoạt động. Trong khi đó, thế hệ trẻ làm Mặt trận ngày càng khẳng định được bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức trẻ người Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO