Sumo và Ninja trong văn hóa Nhật Bản

Thế Tuấn 25/09/2020 14:00

Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay tới những điều không nơi nào có. Ví dụ như đấu sĩ khổng lồ Sumo, võ sĩ đạo can trường Samurai, những chiến binh thần kỳ thoắt ẩn thoắt hiện Ninja, những nàng ca kỹ Geisha… hay là hoa Anh đào, núi Phú Sĩ.

Sau này, thời cận hiện đại nói đến nước Nhật, người ta lại nhớ đến vụ bom nguyên tử người Mỹ thả xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima trong thế chiến thứ hai; hay là câu chuyện tuổi thọ của người Nhật như những người bất tử; kể cả dòng truyện tranh Hentai. Ở đây, trước tiên xin được nói về hai huyền thoại nổi bật trong văn hóa Nhật Bản, đó là những võ sĩ Sumo và những chiến binh giấu mặt Ninja.

Võ sĩ Sumo trong sự hâm mộ của người dân.

1. Sumo là môn võ cổ truyền, là tinh hoa văn hóa cũng là tín ngưỡng truyền thống của người Nhật, được coi là gắn liền với Thần đạo - Quốc giáo của Nhật Bản.

Về thời điểm ra đời, ngay cả người Nhật cũng không thống nhất. Lịch sử ghi lại vào thế kỷ thứ IX, môn võ này được dùng trong nghi lễ cung đình. 500 năm sau, nó vượt ra khỏi nơi cung cấm, có mặt tại những lễ hội truyền thống ở những cộng đông dân cư đông đúc. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XVIII, Sumo mới thực sự trở thành một hình thức giải trí quần chúng. Cho đến nửa cuối thế kỷ XX, nó vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản, được không ít người tại quốc gia khác luyện tập, thách thức cả với chính những võ sĩ Sumo người Nhật và cũng không ít lần chiến thắng.

Võ sĩ Sumo được chia thành 6 cấp bậc khác nhau, trong đó bậc Yokozuna là cao nhất, với ý nghĩa là thiên hạ vô địch. Trong hơn 1.500 năm lịch sử của môn võ này, chỉ có 70 võ sĩ được công nhận là Yokozuna.

Muốn trở thành một võ sĩ Sumo là điều không dễ dàng. Những thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 23 tuổi nếu muốn được tuyển vào các lò võ phải có chiều cao ít nhất 1,73, nặng từ 70 kg trở lên, học vấn từ trung học cơ sở trở lên và phải được một võ sĩ Sumo tiến cử. Nhưng đấy cũng chỉ là bước đầu tiên, vì rằng sau đó họ còn phải trải qua những năm tháng gian khó luyện rèn ở mức không tưởng, trước khi đủ tiêu chuẩn để thượng đài.

Thời gian là thực tập sinh, họ buộc phải trải qua một quá trình tập luyện gắt gao. Một ngày của võ sĩ Sumo bắt đầu bằng buổi tập luyện từ lúc 5 giờ sáng với cái bụng rỗng. Theo ông Matsuda - người quản lý một lò luyện Sumo thì khi tập với cái dạ dày lép thì việc trao đổi chất của cơ thể chậm lại, việc tiêu thụ calo cũng khó khăn hơn, chuẩn bị cho một bữa ăn “khác hẳn người thường”.

11 giờ trưa, họ được ăn bữa đầu tiên trong ngày với khoảng 10 bát cơm, 3 kg thịt các loại và canh Chanko Nabe hỗn hợp của thịt, cá, rau, củ ninh nhừ. Ăn xong, họ buộc phải đi ngủ ngay để bảo tồn năng lượng và tích lũy chất béo, mục đích tối thượng là phải tăng cân. Buổi tối cũng lại ăn như thế nhưng thịt thì chỉ còn… 2kg. Việc nhồi thức ăn ngày này sang ngày khác chính là cửa ải khó vượt qua nhất của bất cứ người nào muốn trở thành một võ sĩ Sumo, vì chí ít cũng phải có một thân hình hộ pháp.

Người ta cho rằng, khởi nguồn, Sumo gắn liền hơn với những nghi lễ tôn giáo của Nhật Bản khi những Sumotori (võ sĩ Sumo) vốn là những người khổng lồ có nhiệm vụ hành quyết hay là đe dọa khiến địch quân run sợ mà đầu hàng.

Đối với môn võ Sumo, nữ giới hoàn toàn không được tham gia trong bất cứ công đoạn nào, ngoại trừ làm khán giả. Tuy thế thì phụ nữ cũng không được đến gần sàn đấu trong vòng 2 mét, cũng không được trợ giúp trong mọi việc huấn luyện, nấu ăn, giặt là quần áo. Năm 1940 trở về trước, phụ nữ đến xem các cuộc đấu Sumo phải trả số tiền lớn hơn so với khán giả nam và buộc họ phải đi với chồng hoặc ông chủ.

Cho tới nay, Sumo vẫn là điều gì đó khiến thiên hạ tò mò, nhất là khi một võ sĩ nào đó đạt tới cân nặng 400 kg. Cho tới nay thì cũng chỉ có Emmanuel Yarbrough là võ sĩ Sumo được biết đến với trọng lượng xấp xỉ 400 kg.

Một hiệp đấu Somu có khi chỉ diễn ra trong vòng 1 phút, nhưng lại đem đến cho võ sĩ thu nhập cao. Sumo có 6 hạng thì người ở hạng thấp nhất cũng đã có thu nhập trung bình khoảng 9.500 USD/tháng. Người cao nhất vào khoảng 26.500 USD/tháng. Dù võ sĩ Sumo bắt buộc phải to con nhưng trong các trận đấu lại không phân theo cân nặng - khác với môn boxing. Một võ sĩ Sumo 100kg vẫn đấu với một võ sĩ nặng 200kg là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, một trận đấu Sumo cũng có những quy tắc riêng: Các võ sĩ cùng lò huấn luyện không được thi đấu cùng nhau. Anh em họ hàng không được thi đấu với nhau. Các võ sĩ Sumo phải để tóc dài để búi lên.

Một điều nữa cũng khá độc đáo là tuy các võ sĩ Sumo phải dành hầu hết thời gian để luyện tập, nhưng họ vẫn có một gia đình riêng như mọi người. Và cũng thật thú vị khi biết rằng họ lại là đối tượng được phụ nữ săn đón, hẹn hò và kết hôn. Với nhiều phụ nữ Nhật, được “nâng khăn sửa túi” cho một võ sĩ Sumo thực sự là một giấc mơ.

Còn nhớ, năm 1992, cả nước Nhật hân hoan khi võ sĩ Sumo Takanohana tuyên bố đính hôn với người mẫu, diễn viên xinh đẹp Rie Miyazawa. Nhưng rồi thật tiếc khi hôn sự không thành. Lý do bởi cha mẹ Takanohana và Hiệp hội Sumo cho rằng người đẹp sẽ không chịu hi sinh sự nghiệp để trở thành một người vợ chăm sóc chồng. Nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt vì trên thực tế võ sĩ Sumo đều có vợ thuộc hàng “tuyệt thế giai nhân”. Đến năm 1995, Takanohana cưới vợ là một mỹ nhân truyền hình, cô Keiko Kono. Họ sống hạnh phúc với 1 con trai và 2 con gái.

Cũng có thể kể đến võ sĩ Sumo Hakuho Sho (sinh năm 1985) kết hôn với người mẫu nổi tiếng Sayoko Wada. Họ sinh được 3 con, 2 gái và 1 trai. Còn người được ví là “Beckham trong thế giới Sumo” - Kotooshu Katsunori (sinh năm 1983) cưới người đẹp nhỏ nhắn Asako Ando sau 5 năm hẹn hò.

Được trở thành vợ của các võ sĩ Sumo là một niềm hãnh diện to lớn vì người dân đất nước Mặt trời mọc coi võ sĩ Sumo như những vị thánh sống. Họ cũng biết rằng người chồng hộ pháp của họ đã được tôi luyện gian khổ lâu dài, hà khắc và kỷ luật, cả về thể chất lẫn tinh thần nên chắc chắn phải là một người đàn ông đặc biệt.

Càng ngày chuyện tình dục và kể cả lập gia đình với người Nhật, sinh con đẻ cái đều không còn quá quan trọng. Nhưng dẫu thế thì nhiều cô gái vẫn rất thích sánh đôi với những người đàn ông to lớn vì đi đâu cũng được tán thưởng và có thu nhập cao. Đến khi nghỉ thi đấu, võ sĩ Sumo vẫn được nhận một khoản gọi là tiền trợ cấp hàng tháng, cao hơn lương của một kĩ sư.

Nhưng, có một điều thật khó chịu, đó là tuổi thọ của một Sumo. Thường thì do sự phát triển quá đà của cơ thể và sự nỗ lực quá mức ở những thời điểm quan trọng, nên họ hay mắc chứng tiểu đường, bệnh gút, tim mạch. Nói chung là tuổi thọ của họ khá ngắn so với tuổi bình quân của người Nhật Bản. Cái chết của bất cứ võ sĩ Sumo nào cũng không loan báo rộng rãi, vì người ta muốn rằng họ vẫn tồn tại như một huyền thoại.

Sự bí ẩn đã làm nên danh giá cho các Ninja.

2. Nếu mỗi trận đấu của võ sĩ Sumo là một ngày hội tưng bừng thì những phi vụ do Ninja thực hiện lại hoàn toàn bí ẩn. Cho tới nay Ninja Nhật Bản vẫn là ẩn số hàng đầu thế giới.

Ninja được hiểu là một tổ chức hoặc cá nhân chuyên hoạt động bí mật với các phi vụ gồm: gián điệp, phá hoại, xâm nhập, ám sát... Nếu như Samurai có những quy định về danh dự và chiến đấu thì Ninja thiên về thủ đoạn không quy ước và cực bí mật. Ninja xuất hiện đầu tiên vào khoảng thế kỉ XIV, từng gây nên nỗi khiếp đảm kéo dài hàng trăm năm. Tới nay, cũng do đặc thù hoạt động bí mật mà hầu hết các kỹ thuật Ninja đã bị thất truyền trong cuộc sống hiện đại.

Ninja có thể hiểu là “tàng ẩn giả” - theo cách gọi của người châu Âu kể từ sau thế chiến thứ hai - cũng từ đặc điểm này nên người ta rất ít biết về các môn phái cũng như tổ chức, cung cách hoạt động. Ninja hay còn gọi là Shinobi, được dùng để chỉ cho nam giới lẫn nữ giới. Các Shinobi nữ còn được gọi là Kunoichi- để người ta hiểu đó là “phụ nữ”.

Nhiều nghiên cứu cho rằng, Ninja và môn võ thuật xuất hiện cách đây chừng 800 năm. Họ được đào luyện để trước hết là tẩu thoát khi có thể còn nếu không thì phải ra tay hạ sát. Có nghĩa là họ được phép làm tất cả những gì để cứu mạng của mình. Các Ninja được thuê thực hiện các phi vụ làm gián điệp hoặc là ám sát một cách cực kỳ bí mật.

Ninja thường được mô tả là những người mặc quần áo đen kín mít, che mặt (bằng vải hoặc mặt nạ) chỉ để hở đôi mắt. Họ có khả năng leo trèo tài tình nên dễ dàng ấn nấp trong những lùm cây, chạy lướt trên mái nhà.

Thật sai lầm khi nghĩ rằng Ninja là những kẻ giết thuê, những sát thủ không ghê tay. Thực ra Ninja luôn tuân thủ quy tắc đầu tiên là lẩn trốn khi bị phát hiện hoặc bị tấn công. Nếu có thể tránh được việc chém giết, họ sẽ tránh đến cùng. Vì thế, họ được trang bị nhiều loại vũ khí phù hợp như phi tiêu (thường được ném ra để hù dọa), bom khói, cát khô (để ném vào mắt đối phương)… Sau khi dùng các loại vũ khí mang tính chất cảnh cáo này, Ninja thừa cơ biến mất.

Ninja còn nổi tiếng về điểm huyệt, điều đó cũng có nghĩa là họ khiến đối phương không cử động được để từ đó có thể tẩu thoát.

Sau này, người ta còn định nghĩa Ninja là nghệ thuật của sự rón rén và kiên nhẫn, điều đó thể hiện cả trong nguyên tắc cũng như chiến thuật chiến đấu. Người ta phát hiện ra nhiều quy tắc trong việc luyện tập môn võ này, bao gồm: sự thanh lọc tinh thần; sử dụng cơ thể người khác làm vũ khí; chiến đấu bằng gươm; gậy và quyền trượng; phi tiêu; sử dụng lưỡi lê; thuật hóa trang; thuật lặn dưới nước; thuật cưỡi ngựa; thuật tẩu thoát… Trong đó, võ thuật Ninja chú trọng đến sự chuyển động của bàn chân và tư thế cân bằng tự nhiên.

Câu hỏi đặt ra từ xưa cho tới nay là: Vậy thì Ninja tốt hay xấu? Một luồng ý kiến cho rằng Ninja là hiện thân của cái chết trong bóng tối, gây hoảng hốt bất an cho xã hội khi thực hiện quá nhiều phi vụ giết chóc nhưng không bao giờ lộ diện. Luồng ý kiến khác lại cho rằng Ninja không phải là tổ chức hay cá nhân tội ác, mà họ hành động như một nghề bí mật. Họ là những người có phẩm chất rất đáng tin cậy nên mới được thuê thực hiện những phi vụ cần đến sự bí mật tuyệt đối.

Tới nay, cuộc sống hiện đại đã không còn Ninja đúng nghĩa, nhưng trong dòng chảy văn hóa Nhật Bản thì nó lại trỗi dậy ở nhiều khía cạnh: trong tranh hoạt hình, phim hoạt hình, phim cổ trang và cả trong trang phục.

Vào năm 2012, truyền thông Nhật Bản đã đưa tin về nhân vật “Ninja cuối cùng” - đó là ông Jinichi Kawakami - người được coi là chưởng môn cuối cùng của gia tộc Ninja Koka.

Kawakami là chưởng môn thứ 21 của gia đình Ban, một trong 53 nhánh hình thành nên gia tộc Ninja Koka. Ông bắt đầu học Ninjutsu (kỹ năng Ninja) khi mới 6 tuổi do sư phụ Masazo Ishida dạy. “Lúc đó tôi nghĩ đang chơi đùa và không biết đang học Ninjutsu. Tôi thậm chí tự hỏi liệu có phải sư phụ đang dạy tôi trở thành một tên trộm, vì ông ấy chỉ cho tôi cách di chuyển lặng lẽ và đột nhập một ngôi nhà”- Kawakami nhớ lại.

Từ những trò chơi như thế, dần dà Kawakami cũng nắm chắc những kỹ năng khác như đặt chất nổ và chế thuốc, kỹ năng chiến đấu mặt đối mặt, kỹ năng leo trèo, ẩn nấp và trốn chạy.

Nói về cuộc sống của mỗi Ninja, Kawakami cho biết, không hẳn họ đã là những sát thủ như mọi người thấy trên phim ảnh hoặc nghe kể lại, mà họ cũng có công việc thường nhật để sinh sống. Họ có thể là một nông dân hay một người bán hàng rong để tranh thủ làm nhiệm vụ do thám.

Bản thân Kawakami tuy là một chưởng môn nhân Ninja những cũng là một kỹ sư. Trong bộ đồ bình thường ông không khác gì những doanh nhân Nhật Bản khác.

Cùng với Kawakami, người ta còn cho rằng vẫn còn một “Ninja cuối cùng” nữa - người đó là ông Masaaki Hatsumi , lãnh đạo gia tộc Ninja Togakure. Ông đã sáng lập một tổ chức võ thuật quốc tế có tên Bujinkan, với hơn 30.000 học viên khắp thế giới. “Họ gồm các nhân viên quân sự và cảnh sát ngoại quốc” - ông Hatsumi nói tại một trong những võ đường có tên Dojo ở thị trấn Noda, tỉnh Chiba.

Ngoài việc đóng vai trò là một võ sư, ông Hatsumi còn là cố vấn võ thuật cho rất nhiều bộ phim, trong đó có các phim nổi tiếng như You Only Live Twice với nhân vật điệp viên 007.

Tuy nhiên, cả Kawakami và Hatsumi cùng chung một điểm là không có người kế thừa. Nói như Kawakami thì ngày trước khả năng của các Ninja như do thám, ám sát, hay chế thuốc đều hữu dụng. Nhưng ngày nay chúng ta có súng, mạng internet và nhiều loại thuốc độc khác, do vậy nghệ thuật Ninjutsu không còn chỗ để tồn tại trong thế giới hiện đại.

Có lẽ điều đó giải thích vì sao cho dù có nhiều môn sinh nhưng ông Hatsumi cũng không chọn người kế tục. “Môn sinh của tôi sẽ tiếp tục tập luyện một số kỹ thuật Ninja từng sử dụng, nhưng không có ai hội tụ yếu tố để kể thừa kỹ năng Ninja của gia tộc”- ông Hatsumi cho biết.

Tuy vậy, cả Kawakami lẫn Hatsumi không lấy đó làm buồn phiền, vì theo họ một “dòng chảy Ninja” vẫn tồn tại. Nó không có trong đời thực nhưng lại dạt dào trong đời ảo. Vì đó là văn hóa, mà đã là sự kết tinh thì không bao giờ biến mất.

Ninja ngày nay đã hóa thân vào những bộ phim truyền hình, phim truyện cổ trang, trang phục của các game thủ và nhất là trong những bộ truyện tranh. Trên những chuyến tàu điện ngầm, người Nhật thường thưởng thức truyện tranh Ninja để thời gian không trôi đi một cách lãng phí.

Người ta cho rằng, sống trong thế giới ảo Ninja khiến họ tạm quên đi thực tế với quá nhiều áp lực công việc. Những nhân vật Ninja cũng phần nào giúp họ bay bổng trong những giấc mơ không thể tìm thấy ngoài đời. Đó là việc họ tưởng tượng rằng mình thực hiện được những nhiệm vụ “bất khả thi”. Nhiều người Nhật coi Ninja như những anh hùng dân gian, những người vô danh thuộc tầng lớp bình dân nhưng lại có thể hoàn thành những sứ mệnh lớn lao. Tuy chỉ là những người được thuê để thực hiện những phi vụ bí mật nhưng họ không bao giờ tự khoe về mình, mà vẫn sống cuộc đời lặng lẽ, khiêm tốn.

Vì thế, Ninja không chỉ là một huyền thoại mà còn là một triết lý sống, một cách chọn lựa cho cuộc sống của những con người bình thường trong xã hội: làm thuê để sống và lặng lẽ biến mất không để lại chút dấu vết.

Để được coi là một võ sĩ Sumo thì một thiếu niên phải luyện tập gian khổ ít nhất 7 năm, bắt đầu từ năm 15 tuổi. Họ phải sống tập trung trong những trại huấn luyện với những hình thức kỷ luật rất chặt chẽ. Bất kể gió rét hay mưa to như trút, 5 giờ sáng hàng ngày họ đều phải thức dậy và tập luyện trong vòng 6 tiếng. Chỉ riêng động tác đứng khom gối mỗi ngày đều phải tập 2 tiếng. Hay là động tác xoay người sang phải, sang trái cũng phải tập một tiếng. Động tác đơn điệu lặp đi lặp lại hết ngày này sang ngày khác.

Về chế độ ăn uống, thực phẩm cũng hầu như “bất biến” với chủ yếu là thịt và cá: mỗi ngày không dưới 5kg. Món canh có rau củ nhưng thực ra vẫn chỉ là gia vị cho món thịt ninh nhừ. Sau khi ăn no, họ lập tức phải lên giường đi ngủ để chất bổ dưỡng ngấm hết vào người, nhằm tăng cân một cách mau chóng vì trong thi đấu Sumo thì trọng lượng cơ thể cũng là yếu tố sức mạnh.

Khi đã có đai đẳng, võ sĩ Sumo được phép lấy vợ nhưng vẫn phải tuân thủ chế độ tập luyện và ăn uống như trong thời gian huấn luyện. Điều đó giúp họ duy trì phong độ trong những cuộc giao đấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sumo và Ninja trong văn hóa Nhật Bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO