Suy nghĩ

TRẦN HỮU THĂNG 13/01/2023 09:11

Suy nghĩ, suy ngẫm, suy tư, suy tưởng, suy xét là những hoạt động trí tuệ đòi hỏi ở mức cao nhất đối với mỗi con người nếu muốn tồn tại và phát triển. Chỉ con người mới có những hoạt động tư duy độc đáo này mà tất cả những loài động vật khác đều không có.

Tranh mang tính trang trí.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Suy nghĩ là vận dụng sự hoạt động của trí óc để tìm hiểu và giải quyết vấn đề, từ một số phán đoán và ý nghĩ này đi đến những phán đoán và ý nghĩ khác có chứa tri thức mới. Thí dụ: Suy nghĩ kỹ. Ăn nói thiếu suy nghĩ. Một vấn đề đáng phải suy nghĩ. Suy đi nghĩ lại”. “Suy ngẫm là ngẫm nghĩ để đánh giá, kết luận. Thí dụ: Suy ngẫm về thân phận con người. Càng suy ngẫm càng thấm thía”. “Suy tư là suy nghĩ sâu lắng. Thí dụ: Trầm ngâm suy tư. Vẻ mặt đầy suy tư. Những suy tư về cuộc sống”.

“Suy tưởng là suy nghĩ sâu lắng về những vấn đề chung, vấn đề có ý nghĩa lớn. Thí dụ: Suy tưởng về cuộc đời. Những suy tưởng triết học”.

“Suy xét là suy nghĩ và xem xét kỹ càng. Thí dụ: Nhận định thiếu suy xét. Suy xét cẩn thận”.

Nhà triết học vĩ đại của Pháp, ông René Descartes (1596 - 1650) đã khẳng định một triết lý để đời: “Tôi suy nghĩ, vậy thì tôi tồn tại”.

Trong vũ trụ, con người là vốn quý nhất. Trong con người, tư tưởng, suy nghĩ, não bộ là vốn quý nhất.

Pascal

Nhà vật lý vĩ đại nhất của mọi thời đại, ông Albert Einstein (1879 - 1955) cũng đã khẳng định một triết lý để đời: “Tôi biết vì sao người ta thích chặt cây hơn là thích suy nghĩ, vì chặt cây có kết quả nhìn thấy ngay”.

Như vậy, nhờ có “Từ điển tiếng Việt”, nhờ có René Descartes, nhờ có Albert Einstein mà chúng ta xác định được rằng: Nhờ có suy nghĩ chúng ta mới tồn tại và phát triển được. Nhưng khó nhọc thay, suy nghĩ lại là một quá trình gian khổ và kéo dài, đòi hỏi mỗi chúng ta bao nhiêu là cố gắng, bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt.

Nói về sự vất vả, khó nhọc của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, có nhà phê bình văn học đã viết: “Để đổi lấy một nụ cười của người đọc, các tác giả đã phải mất đi bao nhiêu mồ hôi và nước mắt”. Cao quý thay, đáng kính trọng thay những suy nghĩ đáng giá ngàn vàng của các văn hào, thi hào của nhân loại.

Đến đây, cần giới thiệu cụm từ triết học, cụm từ tâm lý học cực kỳ quan trọng, đó là “Tư tưởng”. Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Tư tưởng là: 1/ Sự suy nghĩ hoặc ý nghĩ. Thí dụ: Tập trung tư tưởng. Có tư tưởng sốt ruột, nôn nóng. 2/ Quan điểm và ý nghĩ chung của con người đối với hiện thực khách quan và đối với xã hội (nói tổng quát). Thí dụ: Tư tưởng tiến bộ. Tư tưởng phong kiến. Đấu tranh tư tưởng”.

Như thế, theo “Từ điển tiếng Việt” thì cụm từ “Tư tưởng” vừa là danh từ, vừa là động từ. Ở thế kỷ trước, khi chuyển ngữ câu danh ngôn của Descartes sang tiếng Việt, có học giả dịch là: “Tôi tư, tôi tồn tại” thì ai cũng hiểu là: “Tôi suy nghĩ, vậy thì tôi tồn tại”. Một lần nữa ta lại càng kính trọng sự phong phú và xúc tích của tiếng Việt kể cả khi soạn các giáo trình, giáo án về triết học và tâm lý học, kể cả kinh điển lẫn hiện đại.

Những ai đã một lần đến tham quan học tập tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ ở Thủ đô Washington D.C thì không khỏi ngạc nhiên và thích thú vì ở những vị trí trang trọng nhất của Thư viện người ta đã trưng bày rất nhiều những suy nghĩ, những tư tưởng của các vĩ nhân từ thời cổ đại đến trung đại, cận đại và hiện đại. Đó là những danh ngôn, những châm ngôn của loài người tiến bộ.

Nhân bài viết về “Suy nghĩ”, xin trích dẫn một số danh ngôn có liên quan đến nội dung này. Một lần nữa xin nhấn mạnh cụm từ “Tư tưởng” trong các câu danh ngôn đều mang nội dung những “Suy nghĩ”.

Nhà triết học lừng danh Blaise Pascal (1623 - 1662) đã xác định rất rõ ràng vị trí của “Tư tưởng”, tức là vị trí của “Suy nghĩ” mà mỗi con người chúng ta đều có như sau: “Phẩm giá của con người không căn cứ vào số đất cát họ có mà phải căn cứ vào tư tưởng họ có. Nếu so đất cát trong vũ trụ thì chỉ là một điểm nhỏ. Nếu lấy tư tưởng mà xét thì vũ trụ lại nằm trong bộ óc của con người”.

Gần 400 năm đã qua từ khi Pascal nêu ra sự so sánh rất duy vật, rất biện chứng này, với độ lùi lịch sử đã khẳng định và chứng minh rằng: “Trong vũ trụ, con người là vốn quý nhất. Trong con người, tư tưởng, suy nghĩ, não bộ là vốn quý nhất”.

Tại sao phải dạy cho đứa trẻ những suy nghĩ tích cực, những tư tưởng bác ái, công bằng, nhân hậu ngay từ lúc còn ấu thơ? Vì những điều này sẽ theo con người ta đến suốt cuộc đời, đúng như nhà triết học vĩ đại Déni Diderot (1713 - 1784) đã khẳng định một cách đanh thép rằng: “Những tư tưởng là những cái đinh bằng đồng đóng sâu vào tâm hồn con người mà người ta không thể nhổ ra được”. Chao ôi, khi đã xác định được như thế liệu có ai còn dám không tu dưỡng, không rèn luyện, không quyết tâm để suốt đời mang một tư tưởng đúng đắn và hợp quy luật không?

Khi những suy nghĩ, những tư tưởng tiến bộ nhất, hay nhất của loài người được tập hợp lại thành những cuốn “Từ điển danh ngôn phương Tây”, “Từ điển danh ngôn phương Đông”, “Từ điển danh ngôn Ả rập trong văn minh nhân loại”,... thì con người đã biết sử dụng một cách bài bản những suy nghĩ triết học này để đưa vào ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Có những cuốn lịch hàng năm mà trong 365 ngày đều có in 365 câu danh ngôn chọn lọc để giúp con người khi theo dõi ngày tháng còn có cơ hội tiếp cận ngay với những suy nghĩ uyên bác và cao thâm của người xưa. Ở trang đầu của nhiều tác phẩm văn học, triết học, lịch sử, tâm lý học người ta cũng trang trọng in những danh ngôn tư tưởng mang tính chìa khóa cho toàn bộ nội dung mấy trăm trang của cuốn sách. Trong các Hội thảo khoa học quốc tế người ta cũng trưng bày theo dạng bảng, biểu (poster) những danh ngôn tư tưởng để chỉ đạo cho các tham luận không đi chệch hướng, không bị lạc đề. Đúng như tác giả Themistoche đã viết: “Những tư tưởng có khác gì những bức tranh quý được cuộn lại, gặp khi chuyện trò liền mở rộng ra để phơi bày giới thiệu cho mọi người”. Từ cách suy nghĩ này, càng ngày người ta càng có nhiều cách để phổ biến, để tuyên truyền, để huấn luyện cho cộng đồng những tư tưởng hay, những suy nghĩ đúng đắn và hợp lý.

Lại một câu hỏi nữa được đặt ra là: “Hàng trăm năm qua đã có nhiều viện hàn lâm, nhiều trường đại học đã tập hợp, đã nghiên cứu và phổ biến, giảng dạy các tư tưởng, các suy nghĩ triết học dưới nhiều hình thức. Liệu chúng ta nên theo ai, theo trường phái nào, có cách nào chọn lọc cho phù hợp với bản thân mỗi người hay không?”. Tác giả Simone Weil đã cho rằng: “Chúng ta không nên lựa chọn giữa các tư tưởng mà phải tiếp đón tất cả”. Thực tế đã chứng minh ý kiến này của Weil không sai nhưng rất khó thực hiện. Có lẽ nó chỉ phù hợp với các viện hay trung tâm nghiên cứu chuyên ngành sâu về Triết học, Đạo đức học, Tâm lý học.

Còn đối với từng cá nhân mỗi con người đang sống ở thế kỷ XXI thì khó mà có thì giờ và trình độ để xem nhiều sách, tra cứu nhiều trên mạng thông tin vì sự hiểu biết rất hạn chế của mỗi người và thì giờ cũng rất có hạn trong một ngày vì phải mưu sinh khó nhọc. Có lẽ lời khuyên sau đây của tác giả Labonisse Rochefort là hợp lý hơn cả; “Một bộ sưu tập các câu danh ngôn tư tưởng đủ làm thỏa mãn những ai ít thích đọc nhưng thích suy ngẫm phân tích nhiều”. Năm 2022 người ta đã thấy xuất hiện trong các hiệu sách ở Pháp loại sách giới thiệu và phân tích ngắn gọn các danh ngôn tư tưởng của châu Âu như cuốn “Niềm vui suy tưởng” của nhà triết học đương đại André Compte Sponville do nhà xuất bản Vuibert - Paris phát hành tháng 1/2022.

Nói về lợi ích của các tác phẩm Triết học ứng dụng, tức là các sách sưu tập và phân tích dễ hiểu các danh ngôn tư tưởng cũng có nhiều ý kiến, nhiều góc nhìn rất khác nhau. Đại thi hào người Đức, ông Goethe đã khẳng định: “Một bộ sưu tập những danh ngôn tư tưởng là một kho tàng vĩ đại để cho con người cần nhớ lại đúng lúc của mỗi câu”. Tác giả De Laphade cũng xác định: “Một bộ sưu tập hoàn hảo về những danh ngôn tư tưởng là một cuốn sách có hiệu năng nhất để tu dưỡng tâm trí”.

Lẽ dĩ nhiên ý kiến tích cực của hai ông nêu trên là đúng đắn, nhưng trên thực tế gặp một khó khăn là: Việc dịch các mệnh đề triết học là cực khó, không đơn giản như dịch các cuốn sách thông thường hay các văn bản thương mại, hành chính.

Có người rất giỏi nhưng khi dịch lại không đúng cái tinh thần của tác giả, gây ra nhiều tranh luận kéo dài, không có kết luận nào được coi là xác đáng cả. Về điều này, tác giả Vauvenargues (1715 - 1747) đã có nhận xét rằng: “Ít có câu danh ngôn nào đúng với sự thật mọi bề”, tức là có những câu danh ngôn không hoàn toàn đúng và không phải là chân lý ở những điều kiện, hoàn cảnh xã hội khác nhau.

Dù có những ý kiến khác nhau, song lợi ích của các bộ sưu tập danh ngôn tư tưởng là có thật và không cần bàn cãi nhiều. Ý kiến sau đây của Nugent đã nói lên điều này: “Một bộ sưu tập danh ngôn tư tưởng là một bưu cục lưu trữ mà mỗi người có thể đến đó tìm cái gì phù hợp cho mình”.

Ước mong sao trong mỗi tủ sách gia đình đều có một cuốn sưu tập danh ngôn tư tưởng để hàng ngày ai ai cũng có thể tiếp xúc với những suy nghĩ hay nhất, đúng nhất mà bộ óc con người có thể tiếp cận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Suy nghĩ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO