Tách luật sẽ rối

Tinh Anh 06/12/2020 16:00

Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Chính phủ trình hai dự thảo luật: Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (GTĐB). Theo thuyết trình, việc tách Luật GTĐB thành hai luật là để “làm tốt hơn”, đảm bảo giảm thiểu số vụ TNGT, số người chết và bị thương hàng năm. Song, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều phản đối và cho rằng, việc “tách luật, chia quyền” sẽ chỉ làm mọi việc thêm rối, khó bề kiểm soát.

Hiện trên toàn quốc có khoảng hơn 300 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, với hàng nghìn giáo viên, nhân viên…

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Theo dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) và Luật Bảo đảm TTAT GTĐB, thẩm quyền sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ chuyển giao từ Bộ GTVT về cho Bộ Công an. Xét về mặt lý thuyết thì Bộ GTVT hay Bộ Công an thực hiện việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe không phải là vấn đề gì quan trọng, bởi người dân chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng chứ không quan tâm cơ quan nào làm nhiệm vụ đó. Dù là Bộ GTVT hay Bộ Công an có thẩm quyền sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì người dân cũng chỉ mong muốn được tạo điều kiện, không bị hạch sách, nhũng nhiễu gây khó.

Song, xét trên bình diện thực tế thì việc Bộ Công an vừa quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, vừa là đơn vị thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về TTAT GTĐB dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực, lạm quyền làm khổ người dân, nhất là những người tham gia giao thông. Nguyên tắc chế định trong pháp luật là cơ quan tổ chức thực thi và cơ quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm phải độc lập với nhau. Do vậy, việc Bộ Công an thực hiện tất cả các công đoạn từ A đến Z, từ việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ không đảm bảo tính khách quan.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, với mô hình hiện nay, ngành GTVT quản lý còn ngành công an kiểm tra, giám sát là hoàn toàn phù hợp. Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tổ chức quản lý như vậy đảm bảo nguyên tắc việc giám sát giữa các ngành (GTVT và công an), tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dễ phát sinh tiêu cực. Cũng theo quan điểm của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khi Bộ GTVT thực hiện việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì lực lượng công an có chức năng kiểm tra, giám sát. Nếu bây giờ chuyển sang Bộ Công an đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì cơ quan nào sẽ kiểm tra, giám sát?

Nói một cách dễ hiểu, nếu theo quy định hiện nay, khi thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trên đường, hoặc khi điều tra các vụ TNGT, lực lượng CSGT phát hiện vi phạm của tài xế liên quan đến chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thì sẽ dễ dàng xử lý. Song, nếu chuyển quyền về cho Bộ Công an, khi phát hiện “lỗi” liên quan đến chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì liệu lực lượng công an có thể khách quan xử lý? Tất nhiên là khó có thể công tâm khách quan rồi, bởi chẳng có ai dại gì “vạch áo cho người xem lưng”, bêu cái xấu của ngành mình ra giữa bàn dân thiên hạ cả. Đó mới chỉ là một ví dụ nhỏ, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi chuyển quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an không thể liệt kê hết.

Liệu có gây lãng phí lớn?

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an sẽ tác động đến tổ chức bộ máy của cả hai cơ quan này, dễ dẫn đến phát sinh lãng phí. Bao năm qua, để thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ngành GTVT đã xây dựng, đào tạo bộ máy quản lý từ cấp bộ cho tới 63 tỉnh, thành phố. Ngân sách nhà nước đã phải chi ra không ít để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Ngoài ra, hiện trên toàn quốc có khoảng hơn 300 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, với hàng nghìn giáo viên, nhân viên. Nếu chuyển nhiệm vụ này về Bộ Công an sẽ sắp xếp như thế nào, liệu có gây xáo trộn và lãng phí?

Hãy khoan nói đến số cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế ngành GTVT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước sẽ sắp xếp thế nào, sẽ được chuyển sang “đeo lon” ở Bộ Công an hay ở lại Bộ GTVT và nếu ở lại thì sẽ làm việc gì? Tạm thời chỉ bàn đến đội ngũ hàng nghìn giáo viên, nhân viên, sát hạch viên ở hơn 300 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên toàn quốc. Trong số hơn 300 cơ sở trên, không kể những trung tâm đào tạo xã hội hóa, còn lại không ít trung tâm thuộc Bộ GTVT hoặc sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vậy số giáo viên, sát hạch viên đó sẽ “giải tán” hay được đưa về “ăn lương” ở Bộ Công an?

Nhiều ý kiến cho rằng, chắc chắn sẽ xảy ra lãng phí tiền thuế của dân, chỉ có điều lãng phí một lần hay lãng phí gấp đôi mà thôi. Nếu toàn bộ đội ngũ giáo viên, sát hạch viên, nhân viên, cán bộ quản lý được chuyển toàn bộ sang ngành công an để “tận dụng” nhân lực, thì cũng xảy ra lãng phí, bởi biên chế của Bộ Công an sẽ phình ra, tiền ngân sách sẽ phải gánh thêm chi phí. Thử so sánh mức lương của lực lượng vũ trang với lương của cán bộ, công chức, viên chức dân sự (cao hơn rất nhiều) sẽ thấy ngay sự lãng phí là rất lớn. Còn nếu Bộ Công an có chủ trương “xây dựng lại từ đầu” thì lãng phí sẽ là gấp đôi, bởi không chỉ ngành công an phải trả lương cho đội ngũ mới, ngành GTVT vẫn phải trả lương cho đội ngũ hiện tại, dù chưa biết phân công họ làm việc gì.

Sau việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giờ thử phân tích sự lãng phí về cơ sở vật chất để phục vụ công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, nếu chuyển thẩm quyền từ Bộ GTVT về Bộ Công an. Một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: Khi chuyển việc cấp phép lái xe về Bộ Công an thì sẽ xử lý cơ sở vật chất của hơn 300 cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe như thế nào? Nếu các cơ sở vật chất này được chuyển về thuộc quyền quản lý của Bộ Công an thì không nói làm gì, nếu không sẽ phải xây dựng lại từ đầu gây tốn kém lãng phí.

Theo tiền lệ, nhiều luật cần tách?

Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, nhiệm vụ chính của lực lượng công an là làm sao để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiềm chế tội phạm, mang lại cuộc sống thanh bình cho người dân. Vì thế, Bộ Công an cần tập trung vào xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, chứ không phải là “ôm” thêm việc để rồi việc gì cũng không thật sự tốt. Có đại biểu Quốc hội còn thẳng thắn chỉ ra rằng, ngay cả khi Bộ Công an khẳng định không bị quá tải, không phình bộ máy... nhưng chắc gì việc giao thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe về cho cơ quan này đã tốt hơn so với hiện nay? Trước năm 1995 Bộ Công an cũng đã thực hiện nhiệm vụ này, nhưng đâu có tốt hơn so với thời kỳ chuyển về Bộ GTVT quản lý.

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, việc gì dân sự làm được thì không nên giao cho lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng công an. Ví như việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hiện đang ổn định, vì sao phải chuyển về Bộ Công an? Tất nhiên trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT còn có vấn đề nọ vấn đề kia, nhưng các cơ quan chức năng phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục, chứ không phải là từ một vài việc nhỏ mà quyết định tách luật, chia quyền. “Chỉ vì có hiện tượng cấp giấy phép lái xe giả mà phải chuyển cho công an để tốt hơn thì có ổn không? Đến tiền còn làm giả chả lẽ chuyển cho công an in tiền. CMND làm giả thì chuyển cho ai làm?” – đại biểu Đỗ Văn Sinh đặt câu hỏi.

Ông Sinh đặt vấn đề một cách dí dỏm: Hiện có 5 lĩnh vực giao thông, gồm: Giao thông đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt và đường bộ. Giờ Chính phủ đề nghị tách luật GTĐB thì sau này có cần tách 4 luật kia hay không? “Hay cùng cách lập luận của Chính phủ, liệu có tách Luật Khám chữa bệnh thành 2 là Luật Cơ sở vật chất khám bệnh và Luật Đảm bảo an toàn khám bệnh hay không?” - Ủy viên Ủy ban Kinh tế nêu. Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng) - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì hài hước: Với phương pháp luận xây dựng dự thảo luật như thế này không cẩn thận đến giáo viên bây giờ đang đi dạy chất lượng kém, bằng giả cũng nhiều, bác sĩ thì thiếu đạo đức, thích nhận phong bì, có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên và cả bằng bác sĩ luôn...

Trước sự phản biện của nhân sĩ, trí thức và người dân trên cả nước, cùng với đó là thái độ cương quyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, cuối cùng thì Quốc hội cũng “quyết” không đồng ý tách Luật GTĐB ra thành hai luật: GTĐB (sửa đổi) và Bảo dảm TTAT GTĐB. Dư luận hoàn toàn ủng hộ quyết định trên của Quốc hội, bởi đây sẽ là tiền lệ tốt cho việc xây dựng luật và các văn bản dưới luật ngày càng chất lượng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tách luật sẽ rối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO