Chống tội phạm rửa tiền

Thúy Hằng 18/05/2019 08:00

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến Công bố kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố và kế hoạch hành động giải quyết rủi ro. Báo cáo cũng xác định rủi ro rửa tiền cụ thể cho từng lĩnh vực kinh tế.

Chống tội phạm rửa tiền

Luật pháp rất nghiêm khắc với tội phạm rửa tiền.

Ngân hàng, bất động sản có nguy cơ rửa tiền ở mức cao

Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 cho biết, sau khi xem xét xu hướng và kỹ thuật rửa tiền, tiền và tài sản do phạm tội tạo ra và nguy cơ các lĩnh vực trong nền kinh tế bị lạm dụng vào rửa tiền, đã đưa ra kết luận: Nguy cơ rửa tiền ở mức trung bình; mức độ dễ tổn thương về rửa tiền là trung bình cao. Vì thế, rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao.

Ngoài ra, báo cáo cũng xác định rủi ro rửa tiền cụ thể cho các lĩnh vực trong nền kinh tế. Cụ thể, trong lĩnh vực ngân hàng, nguy cơ rửa tiền và mức độ rủi ro rửa tiền là cao, mức độ tổn thương về rửa tiền là trung bình cao.

Nguyên nhân được đưa ra là do Ngân háng Nhà nước (NHNN) chưa có sổ tay thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro; nguồn lực thực hiện thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền cũng còn có những hạn chế nhất định; chưa có cơ chế hiệu quả để có thể tiếp cận các thông tin về cơ cấu, quản lý, kiểm soát và chủ sở hữu hưởng lợi... cùng một số hạn chế trong các quy định của pháp luật liên quan.

“Mặc dù phải khẳng định rằng không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ, so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch” là cao hơn”- Báo cáo viết.

Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu về các giao dịch đáng ngờ của Cục Phòng, chống rửa tiền cho thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế. Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Một số liệu được ông Phạm Gia Bảo- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền - NHNN Việt Nam đưa ra cho biết, cho biết lĩnh vực ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền, cao hơn các lĩnh vực khác.

Còn đối với lĩnh vực bất động sản, nguy cơ rửa tiền cũng là cao, mức độ rủi ro rửa tiền là trung bình cao, mức độ tổn thương về rửa tiền là trung bình. Báo cáo chỉ ra, bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giáo dịch lại thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Ngoài ra, lĩnh vực bảo hiểm có nguy cơ rửa tiền và mức độ rủi ro rửa tiền là trung bình thấp. Lĩnh vực chứng khoán, casino thì các nguy cơ, rủi ro liên quan đến rửa tiền đều có mức trung bình. Các lĩnh vực liên quan đến kế toán, kiểm toán, luật sư, công chứng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô đều ở mức thấp. Trong khi đó, hệ thống chuyển tiền ngầm đều là cao...

Về nguy cơ rửa tiền, các loại tội phạm nguồn có nguy cơ cao là: tội tham ô tài sản, tội tổ chức đánh bạc, tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Các loại tội phạm nguồn có nguy cơ trung bình cao như: tội nhận hối lộ, tội trốn thuế, tội đánh bạc…

5 nhóm hành động

Thế nhưng có câu hỏi đặt ra, làm sao để xử lý cũng như chặn được việc rửa tiền? Theo ông Phạm Gia Bảo, để xử được tội rửa tiền thì phải xử được tội phạm nguồn, khác với những tội phạm khác là xét xử ngay sau khi điều tra. Phải có tội phạm nguồn định danh, những nguồn tiền sinh ra từ tội phạm nguồn là hướng để điều tra truy tố và xét xử tội rửa tiền. Đây chính là khó khăn trong việc xét xử tội rửa tiền. Nếu hoàn thiện được hướng dẫn để xác định được tội phạm nào là tội phạm nguồn thì quá trình điều tra truy tố sẽ được thuận lợi hơn.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 đã chỉ rõ hiện trạng, nguy cơ rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố. Trên cơ sở đó, ngành ngân hàng đã xây dựng kế hoạch với gần 40 hành động cho nội bộ ngành và hơn 20 chương trình hành động phối hợp với các bộ, ngành liên quan. NHNN sẽ ban hành các kế hoạch hành động này trong thời gian tới.

Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 được chia thành 5 nhóm hành động gồm: 1/ Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; 2/ Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; 3/ Hợp tác trong nước; 4/ Các sản phẩm tài chính toàn diện; 5/ Hợp tác quốc tế.

* Theo Đại tá Phạm Văn Uông - Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, lĩnh vực ngân hàng luôn là mục tiêu đặc biệt chú ý của loại tội phạm khủng bố và tội phạm hình sự, tội phạm có tổ chức. Ngoài các vụ cướp tại chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, các đối tượng còn lựa chọn tấn công các máy ATM, do yếu tố dễ bị công phá, dễ sơ hở, đặc biệt là vị trí xa trụ sở giao dịch. Liên tiếp nhiều vụ đập phá ATM, khiêng cả ATM đi hoặc cướp giật của người vừa rút tiền tại ATM. Sự kiện tổn thất này phát sinh với tần suất liên tục, không loại trừ ngân hàng nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tội phạm rửa tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO