Có nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

H.Vũ (thực hiện) 19/08/2019 08:00

Tuần qua, cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Học viện Tài chính cho rằng, cần cân nhắc vấn đề trên trong giai đoạn hiện nay.

Có nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thưa ông, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban này đã kiến nghị bãi bỏ đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Khi Nhà nước điều hành giá xăng dầu vẫn phải giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu chứ chưa thể bỏ được. Bởi khi giá thế giới có biến động, nếu không có quỹ này giá xăng dầu trong nước sẽ tăng cao gây áp lực rất lớn lên lạm phát. Theo tôi với thị trường xăng dầu như ở Việt Nam hiện nay có lẽ trong thời gian trước mắt nên cân nhắc việc đã đến lúc chúng ta cần bỏ Quỹ này hay chưa? Bởi các quỹ ngoài ngân sách hiện nay cũng khá nhiều, có nhiều quỹ đáng bỏ song trong thực tế Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa thể bỏ ngay vào lúc này. Vì tính thị trường của xăng dầu nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự đầy đủ dù đã có tự do hóa, thị trường hóa về mặt xăng dầu. Dù đã tự lực sản xuất được xăng dầu để có thể cung ứng được hơn 40% tuy nhiên để bỏ được Quỹ bình ổn giá xăng dầu trước hết chúng ta phải chủ động, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu thì mới có thể an tâm trong vấn đề an toàn và an ninh năng lượng. Chỉ đến khi giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa thực sự, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì sẽ bãi bỏ Quỹ này.

Nếu như vậy thì trước sau gì chúng ta cũng bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong tương lai, thưa ông?

-Thị trường xăng dầu hiện nay của nước ta đã có những bước tiến lớn, hướng tới kinh tế thị trường. Đó là trước đây chỉ có một số đầu mối nhỏ được phép nhập khẩu xăng dầu để kinh doanh xăng dầu. Nhưng hiện nay số đầu mối kinh doanh được phép nhập khẩu xăng dầu và kinh doanh xăng dầu đã thay đổi, hiện đã có 32 đầu mối được phép nhập khẩu kinh doanh xăng dầu. Cho nên ở góc độ nào đó có thể xem xét bãi bỏ các quy định liên quan đến hoạt động phòng ngừa, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Từ đó làm cho xăng dầu có thể theo hướng thị trường hơn. Nhưng thực tế xăng dầu của ta chưa theo cơ chế thị trường một cách thực sự vì vậy để tự do kinh doanh, an tâm, an toàn về xăng dầu có lẽ cũng cần thêm một thời gian nữa. Tất nhiên trong thời gian trước mắt cần xem việc xả quỹ thế nào cho hợp lý? Cơ chế quản lý ra sao? rồi các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh bán buôn và bán lẻ đến đâu? Theo tôi, chúng ta cần một thời gian nữa để xem xét cụ thể một cách hợp lý, chứ nếu bỏ ngay thì có lẽ sẽ khó khăn. Còn về lâu về dài, cá nhân tôi cho rằng bỏ là hợp lý vì thực ra Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ có tác động bình ổn giá xăng dầu trong một khoảng thời gian nào đó chứ cũng không giữ lâu được.

Nếu bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay thì sẽ có những tác động gì lên người dân và việc điều hành thị trường của các cơ quan quản lý, thưa ông?

-Như tôi đã nhắc ở trên, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay vẫn còn có tác dụng đối với giá xăng dầu. Vì một phần xăng dầu của ta vẫn đang phải nhập khẩu. Chúng ta chỉ tự túc được một phần chứ không phải tất cả. Vì thế cho nên bây giờ mà bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tác động ngay đến đời sống người dân. Do đó chúng ta cần phải có thời gian để xem lại xem thực tế đã có thể bỏ được hay chưa? Nếu thấy chưa ổn thì chưa nên bỏ.

Nhưng ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng tăng rất nhanh nhưng giảm rất chậm, cũng như việc điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa công khai minh bạch, vậy làm sao để việc điều hành bình ổn giá xăng dầu cho hiệu quả nếu vẫn giữ Quỹ này lại?

-Thực ra không phải bây giờ chúng ta mới nói đến mà trước đây cũng đã từng nhắc đến việc giá xăng dầu lên rất nhanh nhưng xuống rất từ từ. Cái đó ai cũng nhìn thấy chứ không phải là không. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ một cách quá vội vàng. Sau này đến khi chúng ta muốn áp dụng trở lại cũng khó. Cho nên quan điểm của tôi là, chúng ta cần cân nhắc, thà rằng chậm một tý nhưng mà chắc còn hơn vội vàng. Do đó nên tính tới dùng Quỹ này như thế nào cho hợp lý mới là điều quan trọng vào lúc này. Phải xem và suy nghĩ lúc nào thì nên bỏ chứ không phải là thời điểm hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO