Mặt bằng lãi suất ổn định

Thúy Hằng 17/09/2019 08:00

Đã qua ngày đầu tiên, kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành thị trường ngân hàng vẫn trong trạng thái ổn định. Giới chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động sẽ không bị tác động nhiều.

Theo Quyết định của NHNN, từ ngày 16/9, lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/ năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/ năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở cũng được điều chỉnh từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Nhiều kỳ vọng đặt ra, việc cắt giảm này được đánh giá sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong nước có thêm cơ hội giảm xuống, nhất là khi các ngân hàng hiện đã và đang xuất hiện tình trạng đẩy lãi suất huy động lên tới 8,2%/ năm. Chưa kể nhiều ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi lên tới 10%.

Trong khi đó cập nhật dữ liệu mới nhất từ NHNN cho biết, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,2 – 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 – 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5 – 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 – 7,5%/năm. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0 – 9,0%/ năm đối với ngắn hạn; 9,0 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Vậy việc giảm lãi suất điều hành sẽ thực sự tác động lên thị trường?

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, ở Việt Nam, lãi suất điều hành không mấy liên quan đến lãi suất thị trường, bởi các ngân hàng thương mại vay từ NHNN không lớn, đặc biệt là kênh tái cấp vốn hầu như không hoạt động, chỉ cho vay với ngân hàng sắp phá sản.

Chính vì vậy, dù lãi suất điều hành giảm, nhưng số ngân hàng có thể giảm lãi suất không nhiều. Các ngân hàng nhỏ vẫn kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh giảm thêm lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm. Nếu lãi suất điều hành giảm thêm thì mới tác động tích cực tới thị trường, giúp tín dụng tăng lên khoảng 16-17% trong năm nay. Hiện tại, nhìn vào thị trường bất động sản và hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cho thấy, tín dụng đang khá căng thẳng.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu...

Nguyên nhân là do việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất. Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra hạ lãi suất sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vốn đổ vào nền kinh tế mạnh. Vì vậy, cần có biện pháp quản lý dòng vốn, nếu không sẽ chảy vào những lĩnh vực không mong muốn.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa phân tích, giảm lãi suất điều hành mang lại kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ khá hơn, từ đó góp phần giữ được nhịp độ tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, một số thị trường cũng “ăn theo” như thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn, thị trường bất động sản cũng có cơ hội để tăng cung.

Nhiều phân tích cũng chỉ ra, khi dòng tín dụng được nới lỏng thì sẽ tác động đến lạm phát. Vì vậy NHNN cũng cần cẩn trọng với lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt bằng lãi suất ổn định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO