Rủi ro vay tiền qua mạng

Hồ Hương 28/05/2020 08:00

Cam kết cho vay tiền với các thủ tục đăng ký đơn giản, giải ngân nhanh. Hình thức vay tiền qua mạng (vay online) đang mọc lên như nấm  sau mưa, đặc biệt  nhiều trang web hoạt động cho vay thái quá, trá hình tín dụng đen.

Gần đây, nhu cầu vay tiền qua mạng nở rộ. Đáng nói, hình thức này không khác gì cho vay nặng lãi cắt cổ người vay.

Theo các hướng dẫn tại trang Vamo.vn, khi có nhu cầu vay tiền, người dùng chỉ điền khoản tiền cần vay và quãng thời gian vay (tối đa 30 ngày). Theo mức vay, các tính toán cũng được đưa ra rất rõ. Chẳng hạn muốn vay 1,5 triệu đồng trong thời gian 30 ngày, thì tổng tiền gốc và lãi phải trả là 2.197.500 đồng.

Và đó chỉ là một bước trong thủ tục vay tiền qua mạng. Ở phần tiếp theo, phải điền đầy đủ thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản, chọn “Đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử (trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”).

Ở phần thông tin cá nhân, phải điền đầy đủ tên tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi ở, mức thu nhập hiện tại..

Sau khi hoàn tất thông tin có nghĩa là bạn đã tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống, nhân viên của bộ phận cho vay sẽ liên lạc với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app. Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, thì chỉ trong vài phút, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng theo số tài khoản đã kê khai.

Nếu như vay lần một thành công, thủ tục của lần vay thứ 2 sẽ nhanh chóng hơn, mức vay có thể lên đến 15 triệu đồng. Với mức vay này, người vay phải trả 2.750.000 trong vòng 30 ngày.

Không quá khó để vay qua mạng, hàng chục trang web quảng cáo sẽ hiện ra phục vụ nhu cầu vay với các câu mời chào : an toàn, tận tâm, chu đáo. Trong đó các app cho vay đang hoạt động, phổ biến là Robocash, Tamo, Scach, MoneyCat, One Click Money, Dr.Dong, Cashwagon, Senmo Web, Atome, Finizi, Avay, Xudong, Sago, Mofa, Salo, Mydong, Vinacash, Sunyloan, Zvay, Tictic, Vvtien, Vaynow, Uvay, Ovay, Vymaill, Akulaku, Sakgoncash…

Điều đáng nói là hình thức cho vay qua mạng này đang mọc lên như nấm sau mưa trong thời gian gần đây. Đặc biệt, nhiều trang web hoạt động cho vay thái quá, trá hình tín dụng đen.

Một trường hợp có nhu cầu vay tiền qua mạng là anh Đ.V.T ở Hà Nội kể, anh muốn vay 1,3 triệu đồng qua app. Với thời hạn 1 tháng. Thế nhưng khi nhận tiền, Đ.V.T chỉ thực nhận hơn 936.000 đồng. Hỏi ra mới biết, tiền lãi đã được trừ trước. Như vậy, tính ra lãi vay của đối với số tiền 1,3 triệu đồng lên đến 26.000 đồng/ngày, tương đương 60%/tháng

Trước đó, công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triệt phá, bắt giữ một số đối tượng là chủ của các trang web cho vay online. Chưa kể trong thời gian qua, Bộ Công an liên tục cảnh báo hoạt động cho vay online qua các app, với lãi suất cho vay lên tới 1.600%/năm. Các app đã bị cơ quan điều tra phát hiện phải kể đến là VN online, Moreloan, Vaytocdo.

Hình thức cho vay qua mạng này được giải thích là mô hình của P2P (Peer to Peer Lending). Theo đó, các công ty này sử dụng công nghệ thông tin kết nối người có vốn và người cần vốn mà không cần qua ngân hàng đang nở rộ tại Việt Nam. Không cần thế chấp tài sản, hình thức vay này đang khiến nhiều người tìm đến để giải quyết khó khăn về kinh tế. Nhưng, họ không hề biết rằng, đằng sau lãi suất thấp đó, là những chiếc bẫy.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã nhiều lần khuyến cáo người tiêu dùng không nên vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu như: Không có thông tin giới thiệu chứng minh năng lực của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng có chức năng cho vay; hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay... để tránh rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rủi ro vay tiền qua mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO