Tái hiện vở kịch kinh điển ‘Antigone’

Minh Quân 04/11/2021 07:24

Từ ngày 6/11, 6 vở diễn dựa trên tác phẩm văn chương vĩ đại của thế giới “Antigone” do 6 đạo diễn Việt Nam dàn dựng sẽ lần đầu tiên ra mắt khán giả. Ở đó, câu chuyện lịch sử cách đây 2500 năm sẽ được Việt hoá bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật sân khấu khác nhau.

Những trải nghiệm đặc biệt

“Antigone” là vở kịch của Sophokles, nhà soạn kịch nổi tiếng của thủ đô Athen (Hy Lạp). Mặc dù đã trải qua gần 2500 năm nay, tác phẩm “Antigone” vẫn có thể mang đến nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho người làm nghệ thuật cả phương Tây lẫn phương Đông. Dự án Sân khấu Antigone được Viện Goethe phối hợp cùng Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam và hợp tác cùng các đạo diễn sân khấu: Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long cùng với nhà sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng, biên đạo Trần Minh Hải và đạo diễn Lê Thị Hoà An từ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Vở kịch “Antigone” của Sophocles có thể còn xa lạ với đại bộ phận công chúng tại Việt Nam. Nhưng thật thú vị khi thấy được những giá trị quen thuộc của “Antigone” trong văn học Việt Nam, chẳng hạn như khi ta so sánh “Antigone” với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Giống như Kiều, Antigone xuất thân từ một gia đình gia giáo, cô cũng phải đưa ra các quyết định mang tính đạo đức xuất phát từ lý do đạo đức để rồi sau đó cô phải gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực và cai trị trong xã hội thời ấy. Từ câu chuyện của mình, Antigone có thể vừa là tấm gương, cũng vừa là sự khơi gợi những suy ngẫm cho chúng ta.

Chia sẻ về vở diễn, đạo diễn, NSƯT Trần Lực cho biết, thông qua vở diễn của mình, tôi muốn mang tới cho khán giả một câu chuyện xúc tích bằng cách xoáy vào 3 nhân vật Antigone, Ismene và Creon. Antigone trong vở kịch của tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ, cô ấy coi tình cảm là thứ đứng trên tất cả. Nhân vật nữ thứ hai là Ismene - người đàn bà sống cầu toàn, luôn khát khao hạnh phúc, hòa bình. Antigone và Ismene tuy là hai thực thể khác nhau, nhưng thực ra họ chập lại làm một. Tôi xây dựng một sân khấu mộc mạc, dễ xem với khán giả.

“Vở kịch sử dụng phương pháp ước lệ biểu hiện, một nét đặc trưng của sân khấu phương Đông. Tôi ấp ủ dự định làm một dự án kịch “đặc sệt” Việt Nam lâu rồi nhưng bây giờ mới làm được” - NSƯT Trần Lực chia sẻ.

Còn đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai lại có cách thể hiện vở diễn ở góc độ khác. Trong bản dựng của đạo diễn Bùi Như Lai, sân khấu không mô phỏng không gian của thời cổ đại Hy Lạp. Đạo diễn cho biết sân khấu chủ yếu được tạo dựng từ cây tre. Bởi ông thích cây tre Việt Nam, và hình ảnh thang tre cũng biểu tượng về quyền lực, tạo ra khuôn mẫu, cái khung cho các nhân vật khác nhau tồn tại.

Không chỉ được dàn dựng trên sân khấu kịch, “Antigone” còn đến với khán giả qua các phiên bản trình diễn đa phương tiện; múa hình thể; kịch và đối thoại cộng đồng qua đó đưa tác phẩm sân khấu trở thành hạt nhân để thúc đẩy đối thoại giữa nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tâm lý và khán giả về việc đối diện với thách thức và đi tìm bản dạng cá nhân của người trẻ.

Đơn cử như “Antigone - Âm Mù” của Xplusx Studio do đạo diễn Hà Nguyên Long dàn dựng dù giữ nguyên kịch bản gốc nhưng đã đưa toàn bộ vở kịch lên thế giới ảo, nơi dòng thời gian như ngừng lại. Theo đạo diễn Hà Nguyên Long, tái tạo khung cảnh của vở kịch trong một chiều không thời gian khác biệt với vở kịch gốc, nhóm muốn khán giả tiếp cận cách thể nghiệm của thực lẫn ảo, giữa các chiều cạnh đan xen mà không có sự hiện diện của thời gian hay địa lý.

Cảnh trong bản dựng “Antigone” của đạo diễn Bùi Như Lai.

Tạo cầu nối với khán giả

Nói về việc tham gia Dự án Sân khấu Antigone lần này, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, Nhà hát dự dịnh năm 2021 sẽ dựng vở diễn với sự tham gia của đạo diễn tới từ Đức. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài nên đạo diễn Đức không thể tới Việt Nam. Bởi vậy, Nhà hát không tham dự với tư cách dàn diễn viên tham gia dự án, mà đóng vai trò hỗ trợ hậu cần cho vở diễn.

Theo NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, dựng tác phẩm “Antigone” có nhiều khó khăn, bởi cách nhìn của người phương Đông và phương Tây có sự khác biệt rõ ràng. Bởi vậy, dự án đã có các buổi chia sẻ về tác phẩm, cũng như cách làm vở này tại nhiều nơi trên thế giới để các đạo diễn Việt Nam hiểu rõ hơn. Nét độc đáo là “Antigone” dù được viết cách đây hàng nghìn năm nhưng vẫn không có cảm giác xa với đời sống thực tại. Bởi vậy, đây là mảnh đất vô cùng màu mỡ, chất liệu cho các đạo diễn, đơn vị nghệ thuật dàn dựng với phong cách ngày hôm nay.

“Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã chuẩn bị rạp hát quy chuẩn để các nghệ sĩ có thể thể hiện hết kỹ năng, ý tưởng ấp ủ, khán giả thỏa sức tưởng tượng” - NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến nói.

Còn NSƯT Trần Lực lại kỳ vọng, “Antigone” là một tác phẩm bi kịch cổ đại mà khán giả sẽ hào hứng khi tới xem.

“Sau khi trình diễn theo Dự án của Viện Goethe, chúng tôi sẽ bán vé, để cho công chúng thực sự quan tâm có cơ hội thưởng thức. Mục đích lớn nhất của tôi thông qua “Antigone” là cho mọi người thấy những người phụ nữ mạnh mẽ, khát khao trong cuộc sống. Thông điệp của tôi qua vở kịch này chính là “Phụ nữ hãy cứ mạnh mẽ lên, khi bạn đã có quan điểm sống, quan điểm yêu, hãy thực hiện nó!” - đạo diễn cho biết

“Antigone” của đạo diễn Trần Lực sẽ được giới thiệu vào 20h ngày 6 và 14/11; trong khi bản dựng của đạo diễn Bùi Như Lai sẽ được biểu diễn vào 20h ngày 7 và 13/11 (tại Nhà hát Tuổi trẻ). Vở diễn “A Woman” sẽ ra mắt khán giả ngày 8/1, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội; “Antigone - Âm mù” của đạo diễn Hà Nguyên Long và bản dựng của đạo diễn Hà Thúy Hằng sẽ được giới thiệu online vào 20h ngày 20/11 và 19/3/2022. Biểu diễn kịch và đối thoại cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nhóm Saigon Theaterland tiếp tục cập nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái hiện vở kịch kinh điển ‘Antigone’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO