Tái thiết cuộc sống

Tinh Anh 23/10/2020 13:30

Nước đang dần rút, người dân miền Trung cũng đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Song, hậu quả của thiên tai để lại vô cùng to lớn không thể một sớm một chiều có thể khắc phục được. Bởi vậy, trong lúc này đây, cần lắm sự sẻ chia yêu thương của đồng bào cả nước để người dân miền Trung có thể nhanh chóng vượt qua gian khó, trở lại cuộc sống bình yên như trước khi trận đại hồng thủy ập tới.

Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Nguồn: TTXVN.

Để tái thiết cuộc sống, người dân miền Trung không chỉ cần nguồn động viên to lớn về tinh thần, mà còn cần cả sự giúp đỡ về nhân lực, vật lực.

Song, nếu sự giúp đỡ đó không được lên kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ, không những không đạt được hiệu quả như mong muốn, mà còn có thể phát sinh những hệ lụy khó lường. Vẫn biết tấm lòng là quý, nhưng đôi khi lòng tốt đặt không đúng chỗ cũng tai hại lắm thay.

Đơn cử, có thể nhiều người nghĩ rằng, sau cơn lũ dữ cái cần nhất đối với người dân miền Trung là lương thực thực phẩm, đồ ăn thức uống.

Vâng, điều đó không sai, nhưng nếu không có sự phân phối hợp lý thì sẽ dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, điểm này thừa mứa đồ ăn, trong khi chỗ khác không có cái gì lót dạ.

Hãy thử tưởng tượng, nơi dễ tiếp cận một ngày có tới 10 đoàn cứu trợ ghé qua, mỗi đoàn tặng 1 thùng mì tôm thì ăn sao cho hết?

Trong khi đó, có những điểm bị cô lập bởi nước lũ, người dân mòn mỏi trông đợi vì đói và lạnh thì các đoàn thiện nguyện lại không thể tiếp cận.

Những người làm thiện nguyện, các đoàn cứu trợ không tới những điểm bị cô lập còn nhiều người dân đói rét, không phải họ không muốn mà là không tới được, lực bất tòng tâm.

Trong khi một số đoàn cứu trợ bị hỏng đồ ăn vì không tiếp cận được, thì ở một vài nơi người dân vẫn phải chịu đói chờ đợi.

Hay như việc cứu trợ quần áo, chăn màn, áo phao cứu sinh cũng vậy. Có những nơi thì dùng không hết vì có nhiều đoàn thiện nguyện, cứu trợ ghé qua, nhưng cũng có nơi sẽ không có được cái may mắn đó.

Nếu việc cứu trợ người dân miền Trung có thể được thống nhất, được lên kế hoạch chu đáo, cần thận, sẽ không có sự lãng phí nguồn lực, cũng không thể có những người dân đói lạnh khắc khoải mong chờ sự giải cứu.

Đó mới là ví dụ đơn giản về cái ăn, cái mặc mà thôi. Trong những ngày tới đây, người dân miền Trung sẽ không còn quá cấp bách cần đến sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm nữa.

Cái mà họ cần là sự động viên tinh thần to lớn, cũng như nguồn lực vật chất dồi dào để có thể bắt tay vào tái thiết cuộc sống.

Song, nếu sự thiện tâm, lòng trắc ẩn lại vẫn là tự phát, không có sự tập trung thống nhất thì sẽ không tránh khỏi phát sinh tiêu cực.

Khi không có đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, mạnh ai nấy làm, có bao nhiêu cho bấy nhiêu... thì sẽ dẫn đến việc “nước chảy chỗ trũng”, người thì nhận được hỗ trợ quá nhiều, kẻ thì lại tủi thân tay trắng.

Lấy gì để không có sự trùng lặp trong việc hỗ trợ tiền bạc, vật chất giúp người dân miền Trung tái thiết cuộc sống? Có gì chắc chắn rằng, mỗi gia đình gặp hoạn nạn đều sẽ được ít nhất một lần hỗ trợ, dù đó là bao nhiêu?

Còn nữa, nếu hỗ trợ không đúng cách, chỉ đơn giản là xòe tiền ra cứu trợ, mà không cần quan tâm đến người được hỗ trợ sẽ làm gì với số tiền đó, liệu có đảm bảo nguồn lực vật chất phát huy hiệu quả, giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường?

Chẳng phải đã có rất nhiều trường hợp hộ nghèo sau khi nhận được hỗ trợ là một con bò, sau đó đã mang bán lấy tiền tiêu vặt mà không dùng vào việc thoát nghèo đó sao?

Nói như vậy không có nghĩa là phản đối việc hỗ trợ đồng bào miền Trung các nguồn lực cần thiết như lương thực, thực phẩm, quần áo, thậm chí là tiền mặt.

Song, hỗ trợ sao cho những nguồn lực đó phát huy tối đa hiệu quả, giúp người dân mau chóng tái thiết cuộc sống một cách nhanh nhất, đó mới là điều nên làm và cần bàn.

Muốn vậy, có cách nào tốt hơn là phải có sự chung vai, đoàn kết, tập trung nguồn lực hỗ trợ đây?

Phải thừa nhận một điều rằng, dù tự phát, manh mún, thiếu kế hoạch hỗ trợ một cách khoa học, song nỗ lực của cộng đồng xã hội đã phần nào làm ấm lòng đồng bào miền Trung, giúp người dân nơi đây vững dạ để có thể trụ vững, vượt qua nguy khốn.

Cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, nếu không kịp thời có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, số người chết và bị thương sẽ không dừng lại ở con số như hiện nay.

Con số thương vong luôn khiến chúng ta đau xót và mong muốn có những giải pháp cứu hộ tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.

Có câu hỏi cứ ám ảnh: Một số điểm ngập sâu, bị cô lập, tàu thuyền không thể tiếp cận cứu hộ, cứu nạn, tại sao ngay lúc đó không lập cầu hàng không bằng máy bay trực thăng để tiếp tế lương thực, thực phẩm, áo phao cứu sinh cho nạn dân?

Và một vấn đề khác cũng mang tính sống còn, là nguyên nhân dẫn đến con số thương vong khá cao, đó là nhiều người chưa được trang bị kỹ năng sinh tồn trong thiên tai, thảm họa.

Vậy nên, để giúp đồng bào miền Trung tái thiết cuộc sống, ngoài các nguồn lực về vật chất, tinh thần, còn rất cần sự tuyên truyền để mỗi người dân có tinh thần thép, ngoài ra còn cần phải được chuẩn bị thật tốt kỹ năng sinh tồn khi phải sống chung với bão lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái thiết cuộc sống