Tái thiết ga Hà Nội

KTS Vũ Hoài Đức 15/10/2017 07:10

Có người đã từng nói về ga Hà Nội thông qua hình tượng con tàu và thời gian: “Con tàu cũng là thời gian. Nó đang đi vào tương lai, để lại sau lưng những trang vàng chói lọi, mà những trang ấy làm cái nền cho nó tạo ra cái đỉnh sau này ta chưa hình dung ra hết”. Và chắc chắn rằng, đổi mới và phát huy giá trị của ga Hà Nội, để tương lai chúng ta có những công trình tương xứng song hành với những con tàu hiện đại vươn tới những đỉnh cao, chính là sứ mệnh của ngày hôm nay.


Việc tái thiết - phát triển xung quanh ga Hà Nội rất cần có những nghiên cứu kỹ và thống nhất về hạ tầng kỹ thuật của ga trên phương diện giao thông vận tải.


1. Với nhiều thế hệ người Hà Nội, ga Hàng Cỏ (tên gọi ban đầu của ga Hà Nội) gắn liền với những chuyến tàu Bắc - Nam, lên Lào Cai hay ra Hải Phòng, Quảng Ninh... Tiếng còi tàu như lời chào hân hoan hoặc lời tạm biệt Thủ đô da diết.

Ngược dòng lịch sử, ga Hàng Cỏ xuất hiện năm 1902, đồng thời với cầu Long Biên và hệ thống đường sắt Bắc - Nam, thực sự là dấu mốc vàng son những năm đầu thế kỷ XX. Với sức mạnh của máy hơi nước ở thời đại ấy, có thể nói rằng Hà Nội sau một thời gian phát triển thụ động đã thực sự khởi sắc, chuyển mình sang mô hình đô thị hiện đại. Thành phố phát triển mạnh mẽ về phía Nam Hồ Gươm dưới tác động của các hướng phát triển từ ga Hàng Cỏ.

Hà Nội đã thở hơi thở mới bằng hoạt động giao thương, kinh tế - thương mại để trở thành một trong những thành phố phát triển bậc nhất của khu vực khi đó. Một trong những động lực nội tại làm nên thành công ấy chính là hệ thống đường sắt với ga Hàng Cỏ là trung tâm - huyết mạch hạ tầng quan trọng nhất.

Đây chính là bài học lịch sử quý giá cho một khái niệm rất phổ biến hiện nay trên thế giới, mà Hà Nội 100 năm sau đang loay hoay tìm cách áp dụng. Khái niệm TOD - phát triển đô thị theo định hướng giao thông.

2.Một thế kỷ đã qua, trong khi thế giới không chỉ đã xây dựng đồng nhất hạ tầng đường sắt trên cùng khổ 1,435m, với hầu hết 2 tuyến song hành dành cho 2 chiều độc lập, mà còn phát triển những tàu cao tốc (TGV), đệm từ, tàu tự hành… thì ga Hà Nội và ngành đường sắt Việt Nam nói chung vẫn lạc hậu, khai thác dựa trên nền tảng hạ tầng cũ kỹ. Có lẽ vì vậy, tàu hỏa không còn là sự lựa chọn chính của đại bộ phận người dân.

Theo chiều ngược lại, dường như đô thị lại đang được mong muốn phát triển trước khi hạ tầng giao thông phát triển, nếu không muốn nói là chỉ dựa vào hạ tầng hiện hữu ở những “vị trí vàng” - sâu trong lõi trung tâm. Có thể nói đây là một cách làm hoàn toàn ngược với quy luật, không kế thừa bài học thành công trong lịch sử phát triển của Thủ đô.

Trên thế giới, việc tái phát triển ga đường sắt trung tâm đô thị có hai xu hướng khá rõ nét. Các nước châu Âu có nền tảng văn hóa - lịch sử hầu hết chú trọng bảo tồn kiến trúc ngoại thất nhà ga và cảnh quan đô thị xung quanh. Mỹ, Australia và một số nước không có cội rễ, lại có xu hướng xây dựng lại ga và các công trình xung quanh ở giai đoạn có những động lực phát triển mới.

Tuy vậy, hai xu hướng đều đặt vấn đề xây dựng lại hạ tầng và không gian bên trong nhà ga để đáp ứng yêu cầu tích hợp đường sắt quốc gia - quốc tế, đường sắt nội vùng với các loại hình giao thông công cộng đô thị, tạo thành tổ hợp đầu mối giao thông hạt nhân của lõi trung tâm. Nhà ga được bố trí thêm nhiều chức năng dịch vụ, để người đến và đi sau mỗi chuyến tàu có được sự đáp ứng tối đa nhu cầu.

Những kinh nghiệm trên cho thấy, việc đặt vấn đề tái thiết - phát triển xung quanh ga Hà Nội rất cần có những nghiên cứu kỹ và thống nhất về hạ tầng kỹ thuật của ga với vai trò mới trên phương diện giao thông vận tải. Một ga Hà Nội với vai trò là ga trung tâm, hạt nhân chính của huyết mạch giao thông đa phương thức hiện đại: Đường sắt quốc gia, quốc tế, đường sắt tốc độ cao, các tuyến đường sắt đô thị số 1, 3 và mạng lưới xe buýt công cộng.

Phải làm sao để phần lớn người dân quay trở lại với đường sắt, được đi trên những chuyến tàu nhanh, an toàn, chất lượng cao. Ga Hà Nội phải trở thành một “trái tim” của huyết mạch giao thông mạnh khỏe, tạo xung lực để đô thị phát triển theo hướng liên kết với ga. Bài toán này cần được giải trước hết từ ngành giao thông.


Ga Hà Nội xưa.

3.Dưới góc nhìn văn hóa - di sản, ga Hà Nội có thể coi là một trong những biểu tượng văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô. Âm thanh của còi tàu, ký ức hình ảnh của những đoàn quân ra trận gắn liền với sự chia ly, nỗi nhớ mong, chờ đợi, hạnh phúc và tự hào. Dấu tích chiến tranh ẩn giấu trong hai phong cách kiến trúc khác biệt tại khối trung tâm nhà ga, với nhiều người có thể là sự lai ghép không đẹp nhưng đó là ký ức không được phép lãng quên.

Dù chưa được xếp hạng nhưng ga Hà Nội đã được các chuyên gia đánh giá là một trong những công trình có giá trị di sản không chỉ bởi là chứng nhân của một thế kỷ thăng trầm, mà còn là dấu ấn của nghệ thuật kiến tạo đô thị phương Tây. Không chỉ bởi kiến trúc công trình, mà còn bởi vị trí công trình được đặt tại điểm đến của trục đường Trần Hưng Đạo, theo hướng Đông - Tây, nơi công trình được nhận biết được rõ nét và chi phối toàn bộ khu vực lân cận bởi tính chất và chức năng đặc thù của nó.

Tất cả đã làm nên một ga Hàng Cỏ đẹp bình dị, sâu lắng trong lòng người Hà Nội và khách phương xa. Bởi thế, mọi phương án nghiên cứu cần bảo vệ công trình ga Hà Nội - một di sản đô thị quý giá của Thủ đô.

Trên bản đồ tổng thể, ga Hà Nội là cấu trúc hình học dạng tuyến Bắc - Nam, được đặt giữa hai nửa Đông - Tây có hình thái đô thị rất khác biệt và không hề ăn nhập với nhau. Nửa phía Đông là những ô phố dạng bàn cờ mang đậm dấu ấn thời thuộc địa với các công trình gắn liền với hoạt động của ga. Nửa phía Tây như tách rời cả về chức năng và sự liên kết với các khu vực còn lại. Làng xóm phát triển tự phát xen lẫn ao, hồ và những khu tập thể bị cơi nới lấn chiếm, biến dạng. Lịch sử phát triển như còn dang dở, với cách tiếp cận khác nhau, dẫn đến hệ quả là bài toán khó phải giải hiện nay: Tái thiết khu vực đô thị phía Tây và phía Nam.

Trước khi đặt vấn đề tái thiết lại khu vực phía Tây và Nam của ga Hà Nội, có lẽ việc đầu tiên cần làm chính là tạo khả năng liên kết giữa hai nửa Đông - Tây bằng những tuyến đường ngầm qua hệ thống đường sắt. Tạo lập các tuyến trục chính theo hướng Bắc - Nam song song với đường Lê Duẩn không chỉ để bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ còn thiếu cho khu vực phía Tây mà còn góp phần vào việc tổ chức giao thông cho toàn bộ khu vực.

Việc xây dựng công trình cao tầng thay thế cho những nhà chung cư cũ ở khu vực Văn Chương sẽ tạo nên những không gian công cộng mới nhằm giảm mật độ cho một khu vực xây dựng đậm đặc hiện nay. Tuy nhiên, nếu xây dựng công trình quá cao tầng sẽ tạo nên sự chênh lệch rất lớn về cảnh quan đô thị giữa khu vực mới và cũ.

Đó là chưa tính đến việc liệu hệ thống hạ tầng khu vực phía Tây có đủ khả năng chịu tải hay không? Thực tiễn trên thế giới có nhiều đô thị khuyến khích nén trong trung tâm bằng việc xây dựng công trình cao tầng, khi không có điều kiện về quỹ đất. Hồng Kông là một điển hình…, nhưng đó là đô thị có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, với mật độ hệ thống rất cao, giao thông công cộng phát triển đủ mạnh.

Thực tế, với nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, quy hoạch ga Hà Nội nên phân kỳ quy hoạch với một số kịch bản phát triển. Trong đó, trước mắt tập trung tạo hệ thống cơ sở hạ tầng đồng thời với phát triển ga để tạo nguồn lực tái thiết thông qua hoạt động của hệ thống giao thông và các hoạt động thương mại, dịch vụ khai thác lợi ích từ ga - một nguồn lợi không cạn kiệt nếu biết duy trì và phát huy giá trị của hệ thống đường sắt...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái thiết ga Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO