Taliban tiến vào thủ đô Kabul, chính phủ sắp 'chuyển giao quyền lực trong hòa bình’

Minh Tuấn - Mai Nguyễn 15/08/2021 19:51

Các tay súng Taliban đã tiến vào vùng ngoại ô thủ đô Kabul của Afghanistan vào 15/8. Lực lượng Hồi giáo này tuyên bố họ đang chờ đợi sự “chuyển giao quyền lực trong hòa bình” của chính phủ.

Các đám cháy tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Afghanistan. (Ảnh: AP).

Không sử dụng vũ lực là lời đảm bảo của Taliban, nhưng người dân Kabul vẫn hoảng loạn thoát thân khỏi thủ đô, các quan chức cũng chạy trốn khỏi các văn phòng chính phủ bằng trực thăng đáp thẳng xuống Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Trong cuộc tấn công toàn quốc diễn ra chỉ trong vòng hơn một tuần, Taliban đã đánh bại và trục xuất đội quân Afghan khỏi nhiều khu vực rộng khắp quốc gia, mặc dù các chiến binh Afghan được sự hỗ trợ trên không từ quân đội Mỹ.

Trực thăng Boeing CH -47 Chinook gần Đại sứ quán Hoa Kỳ đã bắt đầu xuất phát sau khi Taliban chiếm giữ thành phố Jalalabad. (Ảnh: AP).

Đến ngày 15/8, lực lượng Taliban đã vào đến thủ đô Kabul. Theo một nguồn tin từ các quan chức Afghanistan, các tay súng đang chiếm đóng ở các quận Kalakan, Qarabagh và Paghman tại thủ đô Kabul.

Tốc độ chóng mặt của cuộc tấn công đã khiến nhiều người bàng hoàng và đặt ra câu hỏi về việc tại sao đội quân Afghanistan lại dễ dàng sụp đổ bất chấp sự huấn luyện của Mỹ trong nhiều năm với con số hàng tỷ đô la.

Chỉ vài ngày trước, một đánh giá quân sự của Mỹ đã ước tính, đội quân Afghan có thể chống cự trước áp lực của phiến quân nổi dậy trong vòng một tháng.

Người dân nhanh chóng rời khỏi thủ đô tại sân bay quốc tế Kabul. (Ảnh: AP).

Người phát ngôn của Taliban, Suhail Shaheen đã nói với kênh tin tức Al-Jazeera của Qatar rằng, đội quân của họ đang chờ đợi “một cuộc chuyển giao thủ đô Kabul trong hòa bình”. Suhail từ chối cung cấp bất cứ chi tiết cụ thể về bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể xảy ra giữa Taliban và chính phủ Afghanistan.

Nhưng khi được hỏi về loại thỏa thuận mà lực lượng Hồi giáo này muốn, Suhail thừa nhận rằng họ đang tìm kiếm sự “đầu hàng vô điều kiện” của chính quyền trung ương.

Một quan chức Afghanistan giấu tên cho biết, các đàm phán viên của Taliban đã tới dinh thự Tổng thống hôm 15/8 để thảo luận về việc chuyển giao quyền lực. Hiện bao giờ thỏa thuận này đi đến hồi kết vẫn là một câu hỏi lớn.

Một quan chức chính phủ Afghanistan cho biết, các đàm phán viên phía Afghanistan bao gồm cựu Tổng thống Hamid Karzai và Abdullah Abdullah, người đứng đầu Hội đồng Hòa giải Quốc gia. Abdullah từ lâu đã đứng ra chỉ trích nặng nề Tổng thống Ashraf Ghani, người đã nhanh chóng chối bỏ quyền lực để thỏa thuận với đội quân Taliban.

Trực thăng Boeing CH -47 Chinook gần Đại sứ quán Hoa Kỳ đã bắt đầu xuất phát sau khi Taliban chiếm giữ thành phố Jalalabad. (Ảnh: AP)

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng, Bismillah Khan đã tìm cách trấn an công chúng trong một tin nhắn video: “Tôi đảm bảo với người dân về an ninh Kabul”.

Bất chấp những lời cam kết, sự hoảng loạn vẫn diễn ra ở khắp mọi nơi, nhiều người dân vội vã rời khỏi đất nước thông qua sân bay Kabul - con đường cuối cùng để chạy trốn khi mà Taliban hiện đã chiếm đóng mọi cửa khẩu.

Các chuyến bay trực thăng Boeing CH -47 Chinook gần Đại sứ quán Hoa Kỳ đã bắt đầu xuất phát sau khi Taliban chiếm giữ thành phố Jalalabad. Nhiều xe SUV bọc thép của các quan chức ngoại giao cũng được nhìn thấy đang rời khỏi khu vực đó. Trực thăng Sikorsky UH-60 Black Hawk chuyên chở vũ trang đã hạ cánh ở gần Đại sứ quán để đưa các quan chức còn lại của Mỹ rời khỏi quốc gia này.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi về những hành động này. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy nhiều đám khói mù mịt gần mái Đại sứ quán do các nhà ngoại giao khẩn cấp tiêu hủy các tài liệu mật, theo hai quan chức quân đội Mỹ giấu tên. Theo thời gian, khói ngày càng dày đặc hơn tại các khu vực Đại sứ quán của những quốc gia khác.

Hàng nghìn thường dân hiện đang sống vạ vật trong các công viên và các địa điểm công cộng, lo sợ về một viễn cảnh mịt mờ phía trước. Một số cây ATM đã ngừng dịch vụ rút tiền mặt khi hàng trăm người tập trung trước các ngân hàng tư nhân, chen chúc nhau cố rút tiền tiết kiệm.

“Các lực lượng quốc phòng an ninh cùng với các lực lượng quốc tế hiện đã kiểm soát được tình hình", vị Tổng thống cho biết.

Trực thăng Sikorsky UH-60 Black Hawk chuyên chở vũ trang đã hạ cánh ở gần Đại sứ quán để đưa các quan chức còn lại của Mỹ rời khỏi quốc gia này. (Ảnh: AP).

Jalalabad, thành phố lớn cuối cùng của Afghanistan, đã rơi vào tay đội quân Taliban trước đó vào 15/8. Các tay súng đã đăng tải hình ảnh cho thấy bọn chúng đã chiếm giữ văn phòng thống đốc ở Jalalabad, thủ phủ của tỉnh Nangarhar.

Tổng thống Ashraf Ghani, người đã có buổi diễn thuyết trước cả nước lần đầu tiên (14/8) kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu, dường như ngày càng bị cô lập.

Các lãnh chúa cùng ông đàm phán chỉ vài ngày trước đó đã đầu hàng hoặc bỏ chạy trước phiến quân Taliban, bỏ lại vị Tổng thống một mình, không có bất kỳ lực lượng quân đội nào bên cạnh.

Các cuộc đàm phán diễn ra ở Qatar, căn cứ hoạt động của Taliban, cũng không ngăn được sự tấn công của quân nổi dậy. Theo nguồn tin của báo Israel, Tổng thống Ashraf Ghani sẽ từ bỏ quyền lực trong ít giờ tới và một chính phủ lâm thời do Taliban lãnh đạo sẽ được thành lập.

Abrarullah Murad, một nhà lập pháp từ tỉnh trên chia sẻ với hãng tin AP rằng lực lượng nổi dậy đã chiếm giữ Jalalabad sau khi Hội đồng Trưởng lão bàn bạc về sự sụp đổ hoàn toàn của chính phủ. Murad cho biết không có giao tranh nào xảy ra khi thành phố đầu hàng.

Các tay súng cũng đã chiếm đóng Maidan Shar, thủ phủ của Maidan Wardak 15/8, chỉ cách Kabul khoảng 90 km (55 dặm), nhà lập pháp Afghanistan Hamida Akbari và Taliban cho biết. Một thủ phủ khác của tỉnh Nangarhar ở Khost cũng rơi vào tay Taliban, một thành viên thuộc hội đồng tỉnh Nangarhar giấu tên cho biết vì sợ bị trả thù.

Vào 14/8, Mazar-e-Sharif, thành phố lớn thứ tư của đất nước, nơi lực lượng Afghanistan và hai cựu lãnh chúa hùng mạnh cam kết bảo vệ, đã giao cho quân nổi dậy toàn bộ quyền kiểm soát tại miền bắc Afghanistan.

Atta Mohammad Noor và Abdul Rashid Dostum, hai trong số các lãnh chúa Ghani cố gắng tập hợp đội quân của mình vài ngày trước đó, đã chạy trốn qua biên giới, tiến vào Uzbekistan 14/8, các quan chức thân cận với Dostum cho biết.

Viết trên Twitter, Noor cáo buộc một "âm mưu" tiếp tay cho sự sụp đổ của miền Bắc Afghanistan vào tay Taliban mà không nói rõ chi tiết.

Taliban cũng khẳng định đội quân của họ sẽ không xông vào nhà dân hoặc can thiệp vào các hoạt động kinh doanh. Họ cũng cho biết họ sẽ cân nhắc "ân xá" cho những người làm việc với chính phủ Afghanistan hoặc các lực lượng quốc tế.

Nhóm nổi dậy cho biết: "Các Tiểu vương quốc Hồi giáo một lần nữa sẽ đảm bảo tính mạng, tài sản và danh dự của người dân, đồng thời tạo ra một môi trường hòa bình và an ninh vững chắc cho đất nước".

Bất chấp cam kết trên, những người có đủ khả năng mua vé vẫn đang đổ xô đến Sân bay Quốc tế Kabul, con đường duy nhất để rời khỏi đất nước này sau khi Taliban thực hiện cuộc vượt biên cuối cùng vào 15/8 tại Torkham.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rashid Ahmed chia sẻ với đài truyền hình địa phương Geo TV rằng Pakistan đã tạm dừng dịch vụ vận chuyển và đi lại qua biên giới sau khi phiến quân Hồi giáo chiếm giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Taliban tiến vào thủ đô Kabul, chính phủ sắp 'chuyển giao quyền lực trong hòa bình’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO