Tấm hình Bác và lời tiên tri

Quang Huy 09/08/2017 17:31

Bà Nguyễn Tăng Kim Phượng, phu nhân của nguyên giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, Thiếu tướng Nguyễn Quỳ, năm nay đã ngoài 80 tuổi còn minh mẫn, tuy bị đau khớp đi lại khó khăn. Khi tôi đến thăm, bà Kim Phượng lấy trong tủ sách một cuốn hồi ký có bút tích của Đại tá Hà Văn Lâu (chú của ông bà): “Thân tặng hai cháu Quỳ - Phượng với nhiều tình cảm quý mến của cô chú. Hà Nội 11/10/2005. Hà Văn Lâu”. Và trong cuộc trò chuyện với tôi, bà thuật lại câu chuyện do cố Đại tá Hà Văn Lâu kể về lần đầu đư

Tấm ảnh có lưu bút cùng chữ ký Bác Hồ của Đại tá Hà Văn Lâu.

Giữa tháng 3/1950, Chỉ huy trưởng mặt trận Bình Trị Thiên, Hà Văn Lâu nhận được lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, ra Việt Bắc báo cáo tình hình kháng chiến ở địa phương và nhận chủ trương mới. Ông cùng một liên lạc kiêm bảo vệ ngày đêm cuốc bộ, đi xe đạp liên tục trong 2 tháng thì đặt chân lên An toàn khu(ATK) thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Buổi chiều hôm đó hai vị khách từ miền Trung ra nhận được sự đón tiếp hết sức ân cần, chu đáo của nhân viên nhà khách. Sáng hôm sau, ông Hà Văn Lâu lên gặp Tổng tham mưu trưởng, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946, ông Hà Văn Lâu là chỉ huy phó mặt trận Nha Trang, rồi tư lệnh trưởng mặt trận Bình Trị Thiên ông đã nhận nhiều bức điện, chỉ thị của Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, song làm việc trực tiếp thì đây là lần đầu. Hai vị chỉ huy bắt tay nhau rất chặt, thăm hỏi thân tình như những người bạn lâu ngày gặp lại.

Ông Hà Văn Lâu trình bày với Tổng tham mưu trưởng về tình hình chiến đấu, xây dựng lực lượng, tổ chức 3 thứ quân phát triển chiến tranh nhân dân, kinh nghiệm đánh du kích, tập kích, vận động chiến ở Bình Trị Thiên. Sau buổi đó, ông còn có buổi làm việc với các đồng chí Trần Đăng Ninh, Lê Liêm về diễn biến tư tưởng của bộ đội, cùng khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men… cho mặt trận Bình Trị Thiên.

“Chốt lại” là buổi báo cáo với Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đây là lần thứ hai ông Hà Văn Lâu được gặp anh Văn (tên thân mật của Đại tướng). Cũng như lần đầu gặp tại mặt trận Nha Trang khi anh Văn đến chỉ đạo chiến dịch, vẫn là sự niềm nở, ân cần và chăm chú lắng nghe cấp dưới.

Cuối buổi, anh Văn nói: Anh Sáu Lâu (tên gọi thân mật của ông Hà Văn Lâu) còn nguyện vọng gì nữa cứ mạnh dạn đề xuất. Ông Sáu Lâu sau khi đề đạt với Đại tướng những điều cụ thể khác, còn có một nguyện vọng tha thiết, lần ra Bắc đầu tiên này muốn được gặp Bác Hồ thì ông lại ngần ngại chưa dám thổ lộ, vì e Bác bận nhiều việc không có thì giờ tiếp. Đêm hôm đó ông trằn trọc nghĩ ngợi: khó có dịp được ra Việt Bắc, lần này xong việc trở về mà không được gặp Bác thì thật tiếc biết bao!

Ông Sáu Lâu không biết nhà của Bác có nằm trong khu vực này không? Trong lúc theo anh chiến sĩ dẫn đường đi trong căn cứ, ông cố ý quan sát xung quanh, biết đâu có thể bất ngờ được gặp khi Người đang tập thể dục buổi sáng hoặc vào buổi chiều, Người vác cuốc đi tăng gia hay ra bờ suối ngồi câu cá…

Ngày thứ ba ở ATK đúng dịp sinh nhật Bác, 19/5/1950. Buổi trưa, một anh cán bộ của Văn phòng Chính phủ đến báo cho ông, chuẩn bị chiều nay sẽ đi gặp Bác Hồ. Niềm vui lớn lao đến quá bất ngờ! Trong lúc chờ người đón, ông Sáu Lâu tìm đến anh cán bộ tuyên huấn ở căn cứ, xin được một tấm hình của Bác, định bụng thủ sẵn trong người, khi gặp Bác sẽ xin chữ ký. Một điều may mắn nữa, tấm ảnh do anh tuyên huấn chụp mới cách đấy có khoảng một tuần, “chớp” được hình ảnh Người rất tự nhiên, mặc áo chiến sĩ có cầu vai, quàng phu la sẫm màu, ánh mắt hiền từ và phảng phất nụ cười sau chòm râu thưa.

Buổi chiều. Mặt trời sắp khuất sau dãy núi phía tây, một anh bộ đội to khỏe cưỡi ngựa, dắt thêm một con ngựa nữa đến đón ông. Hai thầy trò lúc đầu phi nước đại đến dãy núi trước mặt gọi là núi Hồng, rồi đi nước kiệu trên con đường mòn ngoằn nghèo trong rừng, có một con suối nước trong veo, chảy khá siết chắn ngang. Anh bộ đội người miền núi, nói tiếng Kinh chưa thật sõi, cười bảo với ông Sáu: Mình đi theo cái nước, nước trôi cái dấu chân, thì thằng gián điệp không thể tìm thấy đường đến nhà ông Ké đâu lố. Ông Sáu bỗng bật cười, sắn quần, thận trọng đặt từng bước chân trên những hòn đá trơn rêu cùng anh lội sang bờ bên kia.

Đi tiếp một đoạn ngắn nữa trong rừng. Khoảng trời nhỏ trước mặt chợt hiện ra, dưới mặt đất bằng có một căn nhà tranh, vách nứa kín đáo nằm cạnh một cây cổ thụ, ông Sáu Lâu linh cảm ngay: “Phủ chủ tịch”. Trước nhà còn có một sân bóng chuyền, lưới đã gỡ còn hai cái cột. Bước vào nhà thấy có khá đông người, trước đấy ông đã được thông báo, hôm nay Chính phủ tổ chức lễ mừng thọ Bác Hồ tròn 60 tuổi. May mắn và vinh dự biết bao cho ông khi thay mặt hàng triệu chiến sĩ, đồng bào Bình Trị Thiên được dự buổi lễ trọng đại mà giản dị, thân mật này. Một người còn khá trẻ chạy đến bắt tay Sáu Lâu và lần lượt giới thiệu ông với các vị đang có mặt, toàn những con người khả kính, biết tiếng từ lâu giờ mới được diện kiến: cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Phan Kế Toại, các nhà cách mạng Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt…

Ông Hà Văn Lâu và phu nhân, bà Nguyễn Tăng Diệu Hương (Năm 2010).

Ngay sau đó, Bác xuất hiện trong bộ quần áo màu chàm như một ông Ké của núi rừng Việt Bắc. Giọng Bác vang, ấm áp, chào mọi người và nói lời cảm ơn, rồi nhanh nhẹn vào chỗ ngồi có đặt cái bàn gỗ ở giữa. Ông Sáu Lâu dán mắt vào Bác, tưởng như mình đang trong mơ, Bác giống như trong tấm hình ông đang mang theo: vầng trán rộng, đôi mắt sáng và chòm râu đen thưa. Lần lượt lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể lên chúc thọ Bác. Rồi luật sư Phan Anh thay mặt mọi người đọc một bài thơ chúc thọ, Bác tươi cười đáp lại bằng một bài tứ tuyệt:

Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên.

Mọi người vỗ tay rào rào. Ông Sáu Lâu được ban tổ chức giới thiệu ông thay mặt lực lượng vũ trang toàn quốc chúc thọ Bác. Ông nói xong, Bác tươi cười vẫy đến ngồi cạnh, phía bên phải đã có một đại biểu là công nhân từ Nam Bộ ra, cũng trạc tuổi 32, 33 như ông. Chắc là Đại tướng Tổng tư lệnh đã thưa trước với Bác, nên Người hỏi ông ngay về tình hình đời sống và cuộc kháng chiến của bộ đội, đồng bào. Sáu Lâu cảm thấy thật bất ngờ, không chuẩn bị trước nên có phần lúng túng, nhớ đến đâu nói đến đó. Sau khi báo cáo tóm tắt xong tình hình, ông nói thêm: Thưa Bác, ở Bình Trị Thiên mỗi khi bộ đội xung phong vào đồn giặc thường hô to “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Nói đến đó, ông nghẹn lời. Mắt Bác cũng rưng rưng, Người bỗng lặng đi giây lát. Sáu Lâu chợt nhìn sang, thấy đồng chí Phạm Văn Đồng nháy mắt như động viên: cứ bình tĩnh mà nói.

Ban tổ chức buổi lễ mời Bác và mọi người dự bữa cơm thân mật mừng sinh nhật Bác ở phòng bên cạnh. Vị khách của Bình Trị Thiên khói lửa vẫn được xếp ngồi cạnh Bác. Hình như Bác cũng thấy Sáu Lâu vẫn chưa hết hồi hộp, lúng túng khi sang bàn ăn, thì Người gắp thức ăn bỏ vào bát cho ông và nói: Thôi, chú Lâu ăn đi, Bác không hỏi chuyện thêm nữa.

Cơm xong, Bác và mọi người qua bàn uống nước, ông Sáu Lâu tranh thủ thời cơ liền đưa tấm ảnh ra xin chữ ký. Bác vui vẻ cầm tấm ảnh, cúi xuống rút bút viết nắn nót lên phía trên và dưới tấm ảnh dòng chữ “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, rồi ký. Sáu Lâu trân trọng hai tay đón tấm ảnh Bác trao. Bác nói: Chú về, cho Bác gửi lời thăm hỏi bà con đồng bào và chiến sĩ trong đó…

Buổi lễ mừng thọ kết thúc, Bác lần lượt bắt tay từng người. Ông Sáu Lâu nắm bàn tay mềm, mát rượi của Người mà không muốn buông ra.
Đầu tháng 6/1950, Tư lệnh Hà Văn Lâu rời chiến khu Việt Bắc trở lại chiến trường, mang theo lời tiên tri “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Bác Hồ. Và 4 năm sau, lời tiên tri ấy đã thành hiện thực, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve lập lại hòa bình ở Việt Nam…Rồi ông giữ tấm hình Bác suốt những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cho tới ngày đất nước thống nhất 30-4-1975. Theo đề nghị của Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế, ông đã tặng lại kỷ vật thiêng liêng đó cho bảo tàng.

Ông Hà Văn Lâu được phong quân hàm Đại tá tháng 8/1954, sau đó chuyển hẳn sang mặt trận ngoại giao, đảm nhiệm nhiều trọng trách như: Trưởng phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Geneve; Phó trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán 4 bên tại Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam; đại sứ tại Cuba; đại sứ tại Liên Hợp Quốc; thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Và trong quãng thời gian khá dài làm công tác ngoại giao, ông còn nhiều lần được gặp Bác Hồ. Song như lời bà Nguyễn Tăng Kim Phượng: “Hôm ấy trong câu chuyện, chú Sáu Lâu đã kể với chúng tôi, sự kiện lần đầu được gặp Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng chú về một vị lãnh tụ anh minh, giản dị và tấm lòng yêu thương vô bờ bến của Người với đồng bào, chiến sĩ Bình Trị Thiên trong những năm tháng gian khổ, ác liệt…”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm hình Bác và lời tiên tri

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO