Tấm lòng Mặt trận

Lê Na Ảnh: Quang Vinh 06/02/2019 08:00

Dù ở hải đảo hay biên giới xa xôi, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Mặt trận vẫn mang tấm lòng tìm đến những nơi còn khó khăn, chia sẻ, lắng nghe tiếng nói của đồng bào, thắp lên niềm hy vọng để đoàn kết một lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tấm lòng Mặt trận

Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký Hầu A Lềnh thăm hỏi tặng quà gia đình bệnh binh Nguyễn Văn Tấn, thôn Trúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái.

1. Tháng 7, tại Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh, đúng ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), đoàn công tác do ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã hoà cùng dòng người nối nhau chầm chậm một lối về tri ân.

50 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, tất cả con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc.

50 năm đã trôi qua, những ầm ào đạn bom đã lùi sâu vào quá khứ, Đồng Lộc hay bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S, nơi mà mưa bom đạn dội năm nào đều đã thay màu đổi mới và cả khi những màu xanh chưa kịp phủ kín những hố bom thì vẫn còn đó một dòng ký ức lặng lẽ chảy trong tâm tư mỗi người khi đến nơi này.

Trong không gian tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hầu A Lềnh bày tỏ sự tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và khẳng định tinh thần, ý chí kiên cường của lực lượng TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một biểu tượng của lòng yêu nước, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

Hiện nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 1 triệu người bị thương và bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, có hơn 127.000 bà mẹ có cả chồng và con hoặc nhiều con đã hy sinh vì Tổ quốc. Số người được công nhận là người có công với nước là 9 triệu người.

Chính sách đối với người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự hy sinh xương máu của biết bao người.

Các hệ thống văn bản chính sách ưu đãi người có công liên tục được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi để người có công vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Như khi chúng tôi gặp ông Đoàn Quốc Việt sinh năm 1940 tại Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam. Ông Việt quê ở Nam Định, như bao thanh niên Việt Nam yêu nước thời bấy giờ đã lên đường ra trận. Và chiến tranh đã lấy đi của ông quá nhiều. Trong sổ y bạ mà các y, bác sĩ ở Trung tâm này biên thì ông mất 98% sức khoẻ, tuy nhiên trên thực tế, người thương bệnh binh ấy đã mất hơn 100% sức khỏe.

Vậy mà, khi đoàn công tác đến thăm, nếu như không được sự giới thiệu trước của các y, bác sĩ, chẳng ai có thể nghĩ, ông già có nụ cười dí dỏm, nói chuyện minh mẫn, đang ngồi gọn gàng trên giường là một thương bệnh binh đã mất đi hơn 100 % sức lực.

Thương bệnh binh Đoàn Quốc Việt đã gắn bó với chiếc xe lăn hơn 50 năm. Lúc chúng tôi đến, Trung tâm cũng vừa tổ chức một buổi lễ kỷ niệm ấm cúng cho hành trình 50 năm gắn bó với xe lăn của ông. Hành trình đó còn hơn tuổi rất nhiều người trong đoàn công tác. Nhưng trong ánh mắt của người chiến sĩ Cụ Hồ ấy vẫn là nghị lực sống phi thường, khi ông nắm tay Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hầu A Lềnh và nói: Tôi sống để yêu đời.

Trước tinh thần kiên gan của người lính đáng kính ấy, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hầu A Lềnh đã nói lời cảm ơn ý chí quật cường, sự hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sĩ cũng như cảm ơn chính sự chịu đựng phi thường của các thương bệnh binh để cùng đất nước tiếp tục vượt lên mọi gian khó.

Tấm lòng Mặt trận - 1

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh và Đoàn công tác số 7 cùng cán bộ chiến sĩ hải quân.

2. Lịch sử ngày hôm qua đã viết tên biết bao sự hy sinh của những thế hệ cha ông để gìn giữ cương thổ, chủ quyền. Lịch sử ngày hôm nay, ngay trong thời bình, vẫn tiếp tục khắc tên những người lính.

Đó là khi Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh làm trưởng đoàn đặt chân lên quần đảo Trường Sa vào đúng dịp 43 năm quần đảo này được giải phóng, hơn lúc nào hết, hai chữ hòa bình mới thực sự thấm thía hơn trong tâm can.

Đất nước có hơn 3000 hòn đảo nhưng không phải ngẫu nhiên, quần đảo Trường Sa được gọi là quần đảo bão tố. Bởi chỉ cần một cơn bão giữa biển khơi đi qua, lại có thêm những người lính ngã xuống.

Trong khói nhang vời vợi, đứng trước ngôi mộ hai người lính tuổi chớm đôi mươi trên đảo Trường Sa Lớn, để nói về sự hy sinh, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân chỉ có một lời gan ruột: “Đó là sứ mệnh của người lính”.

Cho nên, điều mà chúng tôi được nhìn thấy giữa khô cằn nắng cháy, giữa bao la biển trời, trên những đảo chìm đảo nổi, chỉ là những nụ cười, những cái bắt tay nồng ấm và lời ca tiếng hát yêu đời của những người lính đảo. Lúc đó, chúng tôi mới thấm hiểu hơn hai từ “sứ mệnh” của vị tướng hải quân.

Nhưng sứ mệnh đó còn có trách nhiệm của những người Mặt trận. Người Mặt trận ở Trường Sa cũng mang trong mình ý chí của một người lính, kiên cường vượt qua khó khăn, gian khổ. Hơn ai hết, họ chính là người thấu hiểu cái giá của hòa bình đã phải đổi bao máu xương của quân và dân Trường Sa. Chỉ riêng việc đó cũng đã là kỳ diệu.

Ở đâu cũng vậy, không khó để nhận ra người Mặt trận giữa đám đông. Đó là người lặng lẽ nhất. Người luôn nhận về phần mình những âu lo của cộng đồng nhưng rất đỗi chân tình lắng nghe và chia sẻ.

Trong ánh nắng chói chang, chúng tôi đi trên con đường nhỏ lát bê tông sạch sẽ, gọn gàng, đi qua những tán cây bàng vuông, cây tra mát dịu và nhận ra ông Huỳnh Phước Sơn, Chủ tịch UBMTTQ thị trấn Trường Sa . Như bất cứ người đàn ông nào ở giữa biển khơi này, với nước da sạm màu sương gió rất đặc trưng, gương mặt hiền lành của ông Sơn sáng bừng lên khi chúng tôi giới thiệu là “người Mặt trận”.

Ông Sơn vừa hồ hởi đón chúng tôi như người thân vừa chỉ ra cây bàng vuông bị cụt ngọn trước hiên nhà rồi cho biết đó là những gì mà cơn bão 16 để lại.

Cơn bão quét qua đảo Trường Sa Lớn vào đúng đêm Noel để lại những thiệt hại nặng nề. Nhưng bên chén nước chè thơm, chúng tôi không nhận thấy “cơn bão” nào trong ánh mắt, nụ cười của người cán bộ Mặt trận ấy. Bởi “bão tố phong ba” vốn đã quá quen thuộc với ông và những người đang sinh sống trên hòn đảo này.

Cuộc sống vẫn tiếp tục sinh sôi, ngọt ngào cây trái, trong trẻo tiếng cười của trẻ thơ và nét mặt rạng ngời hạnh phúc của những người mẹ, người vợ… Điều ông Chủ tịch Mặt trận thị trấn Trường Sa chia sẻ là khao khát vươn khơi bám biển của người dân nơi đây.

Biển cả bao dung nhưng biển cả cũng thật vô tình. Sống giữa tứ bề mênh mông trời nước, mưa gió thất thường và những ẩn họa khó lường, phải là những con người kiên trung như thế nào mới vượt qua được những gian khó ấy.

Họ chính là những “cột mốc Mặt trận” cắm ở nơi này. Họ mang tình cảm của Mặt trận để bồi đắp cho sự phát triển bền vững, mang không khí khát vọng hòa hợp, đoàn kết của Mặt trận hòa chung trong khát vọng hòa bình của Biển Đông.

Như khi cánh chim bồ câu bay lên giữa quần đảo Trường Sa, hàng trăm cánh tay rưng rưng đặt lên ngôi sao trước ngực, mắt ngước nhìn Quốc kỳ, trái tim thổn thức cùng cất vang theo lời hát “…là người tôi sẽ chết cho quê hương” chính là lúc thông điệp của Đoàn công tác số 7 được gửi đi.

Tấm lòng Mặt trận - 2

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực giám sát việc thực hiện cải cách hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ.

3.Thời nào cũng vậy, Mặt trận luôn có lợi thế tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc vì những mục tiêu cao cả. Thời nào cũng vậy, khối Đại đoàn kết thông qua Mặt trận luôn có sức mạnh to lớn, lâu bền. Nhưng ở mỗi thời kỳ lại đặt ra cho người làm Mặt trận bài toán vận dụng sức mạnh truyền thống ấy sao cho phù hợp.

Từ Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam và Đại hội XII của Đảng cũng như Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều tập trung nói đến vai trò của Mặt trận trong triển khai các chương trình giám sát, phản biện xã hội các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Và như vậy, Mặt trận ngày càng khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt và duy nhất của mình.

Đó là khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, làm tốt hơn công tác an sinh xã hội, chăm lo người nghèo và không để tình trạng người nghèo cùng cực xảy ra ở Việt Nam cho đến hàng loạt các chương trình giám sát phản biện.

Điều đó cho thấy, bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của con người.

Hành trình gian khó đó chính là sứ mệnh của người Mặt trận. Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, hiện nay, có nhiều vấn đề xã hội, quản lý xã hội chưa được giải quyết hiệu quả, một bộ phận nhân dân chưa được hưởng trọn vẹn sự công bằng trong xã hội. Trong đó có thực trạng thủ tục hành chính còn “hành dân”. Mặt trận phải có trách nhiệm trong vấn đề này.

Phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, thúc đẩy cải cách hành chính, chính là góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân.

Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước cũng là 1 trong 5 chương trình hành động trọng tâm của Đại hội MTTQ Việt Nam khóa VIII đang được tổng kết để đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn 2019-2024.

Thực tế 11 chương trình giám sát hiện nay của MTTQ Việt Nam đều liên quan đến cải cách hành chính. Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, các chương trình giám sát của MTTQ trong thời gian tới ngoài nội dung theo chuyên đề cần phải gắn liền với giám sát thực hiện các nội dung, hình thức công khai để phát huy dân chủ và giám sát của người dân, cùng với đó kiến nghị mở rộng công khai bằng những hình thức thiết thực, hiệu quả.

Theo đó, MTTQ Việt Nam cần kiến nghị những vấn đề lớn, liên quan đến chính sách đại đoàn kết, phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, dân tộc, tôn giáo, phân hóa giàu nghèo… Các đoàn thể kiến nghị những nội dung cụ thể liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên.

Để làm được những việc này, hơn lúc nào hết, Mặt trận đang cần một đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm và tình yêu với công việc mà mình theo đuổi.

Trong suốt một năm qua, trên rất nhiều hành trình, điều mà Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn luôn trăn trở là vai trò của Mặt trận trước dân.

Làm thế nào để Mặt trận xứng đáng là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như Hiến pháp đã hiến định vừa trở thành mục tiêu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để người đứng đầu MTTQ Việt Nam “xốc” lại đội ngũ cán bộ của mình.

Ngay cả việc phải thẳng thắn đối diện với những hạn chế, khó khăn từ đó đòi hỏi sự quyết liệt hơn, tận tâm hơn, sáng tạo hơn của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận để đóng góp sức mình cho sự phát triển đi lên của đất nước, nhất là trong giai đoạn này, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Muốn như vậy, Mặt trận phải bám sát Nghị quyết của Đảng, phối hợp tốt với các tổ chức thành viên, thích ứng với thời cuộc, gần dân hơn, lắng nghe tiếng nói từ muôn hướng, kết nối mọi tấm lòng.

Trong nhiều cuộc làm việc với Mặt trận các địa phương, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng luôn đề cao yêu cầu Mặt trận các cấp tại địa phương cần quan tâm tới đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác Mặt trận, từ đó đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Mặt trận và các tổ chức thành viên ở các địa phương cần xác định nội dung phần việc cụ thể, hoàn thành thật tốt Chương trình hành động Đại hội VIII MTTQ Việt Nam đã đề ra, phối hợp, hướng dẫn, tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019 - 2024 với tinh thần: Đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, phát triển, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tấm lòng Mặt trận - 3

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng trao học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó trường Tiểu học Vầy Nưa (Đà Bắc, Hòa Bình).

4. Không phải ngẫu nhiên “sự đồng thuận” lại được nhấn mạnh trong tinh thần Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX tới đây.

Đồng thuận ở phương diện nào, thời điểm nào cũng là quan trọng đối với công tác Mặt trận. Bởi hiện nay không phải lúc nào, không phải nơi nào cũng có thể tìm thấy sự đồng thuận. Câu chuyện điểm nóng từng xảy ra ở 11 tỉnh, thành phố trong năm 2018 cho thấy điều đó, đã có những hành động quá khích, đã có những người do không hiểu chuyện mà bị xúi giục kích động từ đó báo hiệu những “lỗ hổng” trong quản lý dân cư, trong việc hiểu lòng dân, làm thế nào để lòng dân yên.

Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay đặt ra cho công tác Mặt trận nhiều trách nhiệm mới, tương ứng đòi hỏi một đội ngũ cán bộ Mặt trận có tư duy mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mới mong đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

88 năm hình thành và phát triển, trong tiến trình đó, Mặt trận có sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc và trong các mục tiêu chung của dân tộc, trong những phong trào thi đua yêu nước.

Cũng trong chặng đường 88 năm qua, Mặt trận cho phép không chỉ những cá nhân tiêu biểu, trí thức có điều kiện được nói lên tiếng nói của mình mà là một nơi mà bất cứ người dân nào, với lòng yêu nước, cũng có điều kiện để tạo nên tiếng nói.

Tấm lòng Mặt trận - 4

Nguyên Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thăm hỏi thầy trò Trường Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên .

Theo nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, lòng yêu nước chân chính không bao giờ song hành cùng chủ nghĩa cực đoan, không đồng nghĩa với hành động quá khích. Lòng yêu nước được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt mới là nguồn lực quan trọng để củng cố, tăng cường thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn kết là sứ mệnh của Mặt trận. Ý nghĩa thống nhất, hội tụ ý chí toàn dân tộc của người Việt Nam đã hình thành từ xa xưa, từ thuở Vua Hùng xuyên suốt ngàn năm đến nay. Hòn Đá Thề trên núi Nghĩa Lĩnh giữa đất Phong Châu thời các Vua Hùng là biểu tượng nhắc nhở muôn dân gạt bỏ mọi khác biệt, cho đến Đại hội quốc dân đồng bào dưới mái đình Hồng Thái, Tuyên Quang thời Mặt trận Việt Minh… đó là những biểu tượng xuyên suốt của Mặt trận, của khối đoàn kết đồng lòng muôn người như một.

Tiếp nối truyền thống ấy, người Mặt trận hôm nay vẫn mang tấm lòng của mình đi muôn nơi để đắp xây nên những điều tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm lòng Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO