Tầm nhìn về giá trị di sản

Từ Khôi 19/12/2019 08:00

Sau khi Phủ Chủ tịch, trụ sở Bộ Ngoại giao được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì mới đây, vào ngày 16/12, Bộ VHTTDL đã trao bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia cho công trình trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Việc xếp hạng di tích những công trình kiến trúc này thể hiện rõ sự thay đổi về nhận thức và tầm nhìn của cơ quan quản lý văn hóa đối với những công trình kiến trúc độc đáo, giàu giá trị lịch sử và văn hóa được xây dựng thời thuộc Pháp tại thủ đô Hà Nội.

Tầm nhìn về giá trị di sản

Trao bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia cho công trình trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Thế nhưng, dư luận có lẽ sẽ bất ngờ khi những công trình độc đáo và góp phần làm nên vẻ đẹp của thủ đô khác như Nhà hát Lớn, Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bưu điện Hà Nội, Đại học Quốc gia, Đại học Dược… lại vẫn chưa phải là di tích. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là nơi lưu giữ và trưng bày hàng triệu hiện vật và bảo vật quốc gia với kiến trúc xây dựng có công năng làm bảo tàng chứ không phải dùng để làm công sở. Do đó, cách thiết kế rất thích hợp và khoa học. Bảo tàng được khởi công xây dựng vào năm 1926 và hoàn thành vào năm 1932 với diện tích 1.835m2. Đây là một trong những công trình văn hóa được xếp vào loại tiêu biểu nhất, đại diện cho phong cách kiến trúc Đông Dương, kết hợp tinh tế các giá trị của kiến trúc Pháp với kiến trúc bản địa.

Với Nhà hát Lớn Hà Nội, công trình hoàn thành năm 1911 này là nơi diễn ra những chương trình nghệ thuật đặc sắc, và do Bộ VHTTDL quản lý nhưng lại chưa được xếp hạng di tích. Còn với công trình kiến trúc Bưu điện Hà Nội nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng là một trong những công trình được xây dựng từ khá sớm, vào các năm 1893 – 1899, kể từ khi Hà Nội bắt đầu được quy hoạch và mở rộng với việc lấy khu vực Hồ Gươm làm trung tâm để phát triển. Tòa nhà do kiến trúc sư Henri Vildieu thiết kế và xây dựng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển. Mặt chính của tòa nhà trông ra phố Đinh Tiên Hoàng, mặt bên trông ra phố Lê Thạch ngày nay. Từ năm 1910 trở đi, tòa nhà đã được tu sửa và mở rộng nhiều lần do có những dấu hiệu thiếu đảm bảo an toàn…

Thời thuộc Pháp, những con phố lớn của Hà Nội được quy hoạch như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền. Hai bên của những đường phố to lớn này là những biệt thự được thiết kế rất đẹp và giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có khoảng 970 biệt thự Pháp. Sau ngày tiếp quản thủ đô năm 1954, có những biệt thự trở thành nhà ở của vài hộ gia đình. Sau thời gian mấy chục năm, số lượng nhân khẩu các gia đình tăng lên mà việc tu sửa tòa nhà không được phép hoặc sửa chữa nhỏ lẻ, chắp vá càng khiến những ngôi biệt thự trở nên nhếch nhác.

Từ khi có Luật Nhà ở và nhất là khi Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 (quy định chi tiết về Luật Nhà ở) có hiệu lực thì việc tu sửa các biệt thự trở nên khó khăn. Nhất là với quy định kể khi tu sửa các biệt thự này “…phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa”. Tuy là được bảo vệ, tránh tình trạng đập phá bừa bãi, nhưng các biệt thự thời Pháp sẽ bị hư hỏng dần theo thời gian. Có biệt thự không “gồng gánh” nổi đã tự sập mái như vụ việc xảy ra ngày 22/9/2015 tại biệt thự số 105 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Có những công trình kiến trúc nhỏ được dùng làm trụ sở của cơ quan. Do xã hội ngày một phát triển mà nhu cầu sử dụng diện tích tăng cao nên đã có những kế hoạch dỡ bỏ xây mới. Đơn cử như trụ sở của Sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh (tòa nhà số 59-61 Lý Tự Trọng). Năm 2018, giới kiến trúc, nghệ sĩ và trí thức đã có ý kiến trước việc TP. Hồ Chí Minh định phá đi xây mới công trình này. Công trình được gọi bằng cái tên “Dinh thượng thơ” do người Pháp xây dựng, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa…

Các công trình kiến trúc độc đáo kể trên chủ yếu do người Pháp thiết kế. Vai trò của các kiến trúc sư là rất quan trọng. Vì vậy, ngày 21/4/2018, trong Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948 - 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Kiến trúc là văn hóa, là kiến tạo. Kiến trúc sư phải là con người văn hóa, con người kiến tạo. Kiến trúc phải được quan tâm, chăm lo và giám sát của nhân dân, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành trong phạm vi quốc gia”.

Bên cạnh các công trình kiến trúc nhà, người Pháp còn thiết kế công trình độc đáo khác, ví như cầu Long Biên. Vào thời kỳ đó, cầu Long Biên thể hiện một thành tựu về trình độ kỹ thuật và xây dựng cầu với chiều dài 1.682m, thiết kế theo kiểu dầm chìa. Cây cầu khánh thành năm 1902 và được đặt theo tên của cha đẻ ý tưởng xây dựng là cầu Doumer.

Nếu những công trình độc đáo giàu lịch sử văn hóa này không được xếp hạng di tích (dù chỉ là cấp tỉnh) thì việc xâm hại, thậm chí phá bỏ nó đi thay mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì không được Luật Di sản bảo hộ. Vậy nên, việc Bộ VHTTDL xem xét, xếp hạng di tích các công trình kiến trúc thời thuộc Pháp rất quan trọng. Đó là việc ghi nhận về giá trị lịch sử, văn hóa của một giai đoạn quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm nhìn về giá trị di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO