Tâm thư của một bác sĩ về các biện pháp chống dịch Covid-19

BS Trần Hoài Nam 27/07/2021 09:30

Bức tâm thư của bác sĩ Trần Hoài Nam thông qua Đại Đoàn Kết Online gửi tới Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.

Bác sĩ Trần Hoài Nam.

Trước hết cho phép tôi tự giới thiệu, tôi là một công dân của nước Việt Nam, đồng thời đã từng là người lính tham gia chiến trường Quảng Trị, hiện nay là một cán bộ hưu trí. Tôi vô cùng cảm động và biết ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng toàn dân đồng lòng, quyết tâm sắt đá chống dịch bệnh Covid-19. Chúng ta đã từng là một trong những quốc gia thành công nhất thế giới trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên đợt bùng phát dịch lần thứ tư này (khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện biến thể delta), cuộc chiến chống dịch Covid-19 của chúng ta trở lên cam go, phức tạp.

Để góp một phần trách nhiệm nhỏ bé của cá nhân, tôi xin có một vài ý kiến đóng góp về cuộc “chiến đấu chống dịch bệnh Covid-19” của dân tộc ta trong tình hình hiện nay.

Thứ nhất, xin đề cập ngay vào vấn đề tổ chức các chốt kiểm tra, khai báo y tế trên các cung đường liên tỉnh.

Khác với 3 đợt chống dịch trước đây, số lượng người nhiễm cũng như số người mắc bệnh ở mức thấp, xảy ra rải rác ở một số địa phương, tính chất lây nhiễm ít phức tạp (virus chưa biến thể), việc chốt chặn, kiểm tra, khai báo y tế đã là “lá chắn thép” có hiệu quả trong việc khoanh vùng dập dịch.

Đợt dịch bùng phát lần thứ tư đã lan rộng gần hết các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, lan ra miền Trung và hiện nay đã đang có nguy cơ bùng phát tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Chúng ta tổ chức các chốt chặn gần hết các cung đường liên tỉnh suốt theo chiều dài đất nước.

Tình hình giao thông vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, vận tải nhu yếu phẩm và giao thương giữa các vùng miền của nước ta trở nên phức tạp, tắc nghẽn (có thời điểm gây hỗn loạn trên các cung đường). Tại sao lại xảy ra sự phức tạp này?

Phải chăng do công tác chỉ đạo của từng địa phương chưa thống nhất, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về truyền thông, việc tuyên truyền hướng dẫn đến từng người dân thiếu thông tin.

Ngoài việc khai báo y tế của từng chốt còn việc kiểm tra kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng không có sự thống nhất. Có địa phương cho phép dùng kết quả xét nghiệm test kháng nguyên nhanh (giá trị trong 5 ngày, có nơi 7 ngày, có nơi 72 giờ), có địa phương yêu cầu kết quả xét nghiệm RT-PCR (giá trị trong 5 ngày, 3 ngày...), đã dẫn đến có tình trạng nhiều xe chở hàng hoá, nhu yếu phẩm đi gần hết chặng đường dự kiến, đến chặng cuối cùng phải quay đầu lại do không đúng quy định của địa phương, gây nhốn nháo, mất trật tự, lãng phí không cần thiết.

Quan điểm cá nhân tôi: Chúng ta nên sắp xếp lại các chốt kiểm dịch y tế đặc biệt trên quốc lộ 1A - con đường huyết mạch của cả nước và các con đường trọng điểm kinh tế từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền đông Nam bộ, miền tây Nam bộ, cũng như từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc…

Cần thống nhất, cần khai báo y tế, đo thân nhiệt và có kết quả xét nghiệm test kháng nguyên nhanh có giá trị 72 giờ. Nếu đồng bộ tất cả như vậy, tôi nghĩ đã quá đủ để điều tra dịch tễ và ngăn nguồn lây từ các vùng miền. Tạo điều kiện thông thoáng cho giao thông vận tải, đồng nghĩa tạo điều kiện cho công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Song song việc tổ chức lại các chốt tại các quốc lộ lớn, cần tăng cường lực lượng kiểm tra y tế tại điểm đến (các cơ quan, xí nghiệp, các thôn bản) đối với tất cả người trên các loại phương tiện. Như vậy chúng ta đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi thôn bản, mỗi xã phường sẽ là một pháo đài chống dịch.

Ùn tắc tại một trạm kiểm soát tại cửa ngõ Hà Nội. Ảnh: Minh Thư.

Thứ hai, vấn đề xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.

Cần phát huy cao độ hiệu quả của xét nghiệm test kháng nguyên nhanh. Loại xét nghiệm này mặc dù có độ nhậy kém hơn so với kỹ thuật RT-PCR, nhưng hiệu quả sàng lọc xác định các cá thể có khả năng lây lan ra cộng đồng thì tác dụng tương đồng (khi kết quả xét nghiệm âm tính).

Trong điều kiện kinh tế Việt Nam còn khó khăn, số lượng máy phân tích RT-PCR còn thiếu, hoá chất xét nghiệm đắt hơn nhiều so với test kháng nguyên. Vậy nên chăng ưu tiên kỹ thuật RT-PCR dành để xét nghiệm cho các vùng dịch, các bệnh nhân đang điều trị, các đối tượng có nguy cơ cao, và dùng khẳng định, thẩm định kết quả xét nghiệm của test kháng nguyên khi cho dấu hiệu dương tính hoặc nghi ngờ, Không nên dùng xét nghiệm RT-PCR quá rộng rãi đến tất cả người không triệu chứng trong cộng đồng (các đối tượng này nên dùng xét nghiệm test kháng nguyên, giống như các nước trên thế giới đang làm).

Thứ ba, tuyệt đối không gọi những người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng lâm sàng là bệnh nhân (hay người bệnh). Những người này chỉ là người lành nhiễm virus SARS-CoV-2 (người mang nguồn lây).

Việc dùng đúng tên người mắc bệnh khác với người khoẻ mạnh có SARS-CoV-2 dương tính là rất quan trọng. Những người mắc bệnh, có triệu chứng lâm sàng chúng ta cần nhập viện điều trị. Tuy nhiên cũng cần phân mức độ (Nặng: nằm điều trị hồi sức tích cực, vừa: nằm điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa, nhẹ: nằm tại các bệnh viện dã chiến )… Những người không mắc bệnh (nhưng mang nguồn lây) chúng ta có giải pháp quản lý cách ly tại nhà, 3 ngày xét nghiệm test kháng nguyên nhanh một lần cho đến khi hết 14 ngày xét nghiệm RT-PCR. Nếu PCR có kết quả âm tính, có thể làm thêm xét nghiệm định lượng kháng thể kháng SARS-CoV-2, thấy kháng thể tăng cao, có thể cấp giấy chứng nhận hết thời hạn cách ly.

Thứ tư, việc tổ chức các chợ dân sinh cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các vùng dân cư có dịch (tạm gọi vùng bị phong toả). Theo cá nhân tôi, chúng ta không nên “ngăn sông, cấm chợ” mà cần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, nhưng phải có giải pháp quản lý theo dõi khả năng lây lan dịch bệnh nơi đông người.

Bằng cách nào để theo dõi, quản lý được các tiểu thương và khách hàng đi chợ???

Thay vì chợ dân sinh đông người, các thôn bản, xã phường cần cho phép các tiểu thương lập ki ốt bán hàng (kiểu chợ cóc, chợ tạm) tại các điểm cố định do địa phương xác định. Những tiểu thương này tự nguyện đăng ký khai báo y tế và định kỳ xét nghiệm test kháng nguyên nhanh 3 ngày 1 lần.

Đối với khách hàng đi chợ mua đồ thiết yếu, tổ tự quản dân phố, xã phường có biện pháp cấp phép, hướng dẫn người dân thực hiện theo số đăng ký, cách giờ, cách ngày để giãn cách.

Thứ năm, vấn đề tiêm phòng vaccine SARS-CoV-2. Tôi xin trân trọng cám ơn Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các ban ngành chức năng đã và đang làm hết sức mình để có được số lượng lớn vaccine về Việt Nam phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây được coi là vũ khí hiện đại để tiêu diệt Covid-19. Hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người dân được tiêm phòng, Việt Nam chúng ta sớm có miễn dịch cộng đồng, virus SARS-CoV-2 sớm được ngăn chặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm thư của một bác sĩ về các biện pháp chống dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO