Tan hoang rừng phòng hộ

Nghĩa Sơn – Đắc Hạnh 18/09/2017 07:50

Những ngày qua phóng viên báo Đại Đoàn Kết liên tục nhận được thông tin từ người dân phản ánh tình trạng rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đang bị tàn phá dữ dội.

Một người dân địa phương đã đồng ý dẫn chúng tôi vào rừng nhưng thận trọng cho biết: “Tôi vì quá bức xúc nên chấp nhận mạo hiểm đi với mấy chú, mình phải ngụy trang như người đi hái nấm, cùng với đó các thiết bị tác nghiệp đề nghị các chú che giấu cẩn thận”.

Sáng ngày 17/9, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Huỳnh Tấn Đức, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, trước phản ánh của người dân về vụ phá rừng ở Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, ông đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, kiểm tra và có báo cáo vào thứ 2 tuần tới để xem xét xử lý vấn đề.

Những cây to bị đốn hạ.

Thương thay cho những cánh rừng

Những ngày qua, chúng tôi liên tiếp nhận được thông tin của người dân cấp báo, rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam bị tàn phá tan hoang.

Qua trò chuyện, tiếp xúc, ai cũng khẳng định tình trạng phá rừng tại địa phương đã và đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Một người dân địa phương chấp nhận dẫn chúng tôi vào rừng, thận trọng cho biết: “Tôi vì cái chung và quá bức xúc chấp nhận đi với mấy chú, nhưng mình phải nguỵ trang như người đi hái nấm, cùng với đó các thiết bị tác nghiệp đề nghị các chú che giấu cẩn trọng”.

Theo khu vực đang xây dựng thủy điện Sông Tranh 3, sau khi đi hàng cây số để đến Nà Cau - địa điểm giáp ranh để vào tiểu khu 557 thuộc rừng phòng hộ Tiên Lãnh chúng tôi tiếp tục những chặng đường lội qua suối Nà Cau lên đến dốc Giằng Mặt, mất hơn 1 giờ cuốc bộ chúng tôi đến khu vực Đuôi Dài. Từ đây bắt đầu chứng kiến cảnh phá rừng kinh khủng.

Rừng phòng hộ thượng nguồn Tiên Lãnh “cơ bản” đã bị xoá sạch.

Khi vào đến khu vực rừng bị tàn phá, trước mắt chúng tôi là khoảng rừng hơn 10 ha đã bị đốn hạ, đốt cháy, trơ ra những gốc cây có đường kính từ 60-80 cm, còn thân cây đã bị cưa lấy gỗ. Nhiều gốc cây có đường kính từ 20-50 cm vẫn còn trơ gốc cùng những nhánh cành bị đốt cháy đen.

Theo ghi nhận, khu vực rừng bị tàn phá nặng nề thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Tiên Lãnh là một trong ba xã thuộc vùng Lãnh Ngọc Hiệp có diện tích rừng tự nhiên khá lớn.

Chỉ riêng xã Tiên Lãnh, diện tích rừng phòng hộ nơi đây khoảng 2.000ha. Những năm gần đây, khi cây keo có giá thì người dân đua nhau mở rộng diện tích bằng cách phá rừng.

Cả một vạt rừng rộng lớn bị tàn phá không thương tiếc.

Người dẫn đường cho biết, rừng phòng hộ Tiên Lãnh giờ chỉ còn 2 tiểu khu 556 và 557. Những tiểu khu khác như 551, 552, 553 cơ bản đã bị xoá sổ thay vào đó là những diện tích keo.

Tiếp tục băng rừng để đến với suối Cửa Cá đổ ra Sông Tranh, tại đây có một con đường mòn dành cho trâu trâu kéo gỗ đang bị cày nát, nhiều nơi lún sâu cả mét đã cho thấy số lượng gỗ mà trâu đã kéo qua đây vô cùng khủng khiếp.

Cả khu rừng nguyên sinh rộng lớn hàng chục ha bị đốn sạch. Những loài gỗ quý bị triệt hạ để trâu kéo ra khỏi rừng, thậm chí những cây gỗ lớn chưa chuyển kịp vẫn còn nơi đây.

Ở khu vực này là đồi núi cao, giáp với huyện Bắc Trà My, xe ô-tô không thể vào được nên để đưa gỗ ra khỏi rừng chỉ có cách dùng trâu kéo rồi sau đó kết bè thả xuống Sông Tranh rồi tập kết vận chuyển về đồng bằng tiêu thụ.

Những cánh rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh bị phá tan hoang.

Chưa có giải pháp

Sau khi đi cả ngày nhưng không thể đến hết các điểm tàn phá rừng, nhóm phóng viên chúng tôi tiến ra bìa rừng và xin ở lại qua đêm nhà một người dân và ngày hôm sau tiếp tục đến với những khu rừng bị tàn phá. Qua tiếp xúc với nhiều người dân, họ đặt ra câu hỏi, liệu rừng bị tàn phá như thế này thì có ai tiếp tay hay không?

Dừng chân nghỉ cùng vài người hái nấm ở khu vực này, khi được hỏi, tại sao rừng nguyên sinh bị tàn phá tan tành? một người đàn ông tên H. đưa tay chỉ những cánh rừng ở phía dưới và cho biết: “Vùng kế dưới đó cũng là rừng phòng hộ nhưng đã bị phá hết từ nhiều năm nay. Bây giờ bọn họ tiến lên phá đến tiểu khu 556, 557 rồi. Các anh thấy đó, có còn chi nữa rừng trơ trọc hết rồi. Chúng tôi cũng không biết họ dựa vào ai mà tàn phá rừng tan hoang vậy”.

Những thân cây bị cưa đổ ngổn ngang.

Ông H. còn cho biết: “Từ rừng Cửa Cá đến thác Năm Tầng giáp Bắc Trà My trước đây xanh tốt nhưng cách đây khoảng 1 tháng cảnh phá rừng nhộn nhịp lắm. Xe tải vận chuyển gỗ chạy ầm ầm suốt đêm nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng đâu. Giờ thì cơ bản đã xoá sạch rừng rồi”.

Nhiều người dân xã Tiên Lãnh cho biết, trước đây do thiếu đất sản xuất, diện tích rừng tự nhiên gần khu vực dân cư nên có những người dân địa phương đã có hành vi lén lút phá rừng để trồng keo, khi bị phát hiện đã bị phạt nặng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, một số hộ có rừng sản xuất giáp với rừng phòng hộ tiểu khu 556 nên đã tự ý cơi nới thì bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính từ 3 đến 20 triệu đồng.

Rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh bị tàn phá dữ dội.

Cụ thể, như hộ chị Thu tự ý phá thêm 10 sào đất rừng phòng hộ bị phạt 3 triệu đồng; hộ anh Tân phá hơn 10ha bị phạt 23 triệu đồng; anh Võ Xuân Hùng tự ý xâm chiếm 8 sào thì bị phạt 5 triệu,… Chính vì thế người dân địa phương không ai dám tự ý xâm lấn vào rừng nữa.

Một cán bộ thôn 8, xã Tiên Lãnh bức xúc: “Thôn cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, nên khi đi kiểm tra, hễ phát hiện nơi đâu xảy ra phá rừng, chúng tôi làm báo cáo gửi ngay cho UBND xã Tiên Lãnh để có hướng xử lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có giải pháp gì để ngăn chặn, chấn chỉnh. Kết cục là các cánh rừng thuộc lâm phận các thôn trên địa bàn xã vẫn liên tiếp bị tàn phá”.

Chính vì vậy mà người dân đặt ra câu hỏi, phải chăng có kẻ tiếp tay mà rừng phòng hộ bị tàn phá thê thảm. Vậy kẻ đó là ai, ở đâu? Vì mục đích gì mà họ nganh nhiên tấn công rừng? Cần phải làm rõ vấn đề này.

Cơ quan chức năng nói gì?

Rừng phòng hộ bị tàn phá nặng nề, thế nhưng qua tìm hiểu cho thấy, đến nay chưa có các ngành chức năng nào vào hiện trường thống kê diện tích rừng phòng hộ nơi đây bị triệt phá.

Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết: “Phải chờ Chi cục Kiểm lâm có báo cáo cụ thể, chúng tôi sẽ xem xử lý vấn đề. Nhưng tôi cam kết, sai đến đâu thì sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm và sớm ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng không chỉ ở Tiên Lãnh mà bất cứ nơi đâu trên địa bàn Quảng Nam”.

Cho dù ông Đức khẳng định như vậy, nhưng thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu rừng phòng hộ bị tàn phá.

Đại Đoàn Kết đã liên tục có nhiều bài viết phản ánh tình trạng phá rừng ở Quảng Nam như các vụ phá rừng ở các rừng phòng hộ như Phú Ninh, Sông Tranh 2, Sông Thanh cùng với đó là những vụ phát hiện, bắt giữ gỗ lậu. Có những vụ việc đã khởi tố vụ án phá rừng, nhưng sau đó chẳng thấy bị can nào bị khởi tố.

Còn đối với vụ phá rừng lần này, người dân địa phương cho rằng, tổng diện tích rừng ở khu vực này đã bị xóa sổ trên 300ha. Trong đó, chỉ riêng ở tiểu khu 556, rừng gần như đã bị xóa sổ, ước tính hơn 100ha bị triệt hạ.

Trước sự việc nghiêm trọng, ông Lê Văn Sơn, Bí thư xã Tiên Lãnh xác nhận, việc người dân phá rừng phòng hộ lấy đất trồng keo diễn ra từ lâu và việc phá rừng ở đây rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên diện tích rừng tự nhiên bị phá chính quyền chưa xác định bao nhiêu, con số thống kê chỉ dựa trên những vụ phá rừng đã bị kiểm tra, xử lý.

Ông Sơn cho biết, địa bàn thì quá rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng, nguồn kinh phí cho công tác tuần tra kiểm soát hạn chế nên không quản lý hết được…

Cũng theo ông Sơn, có nhiều vụ phá rừng phát hiện và bàn giao cho kiểm lâm xử lý, tuy nhiên chế tài xử phạt nhẹ, không đủ răn đe.

Cụ thể như vào tháng 3/2016, chính quyền phát hiện ông Đinh Văn Hiếu, trú xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước thuê 3 người đốn hạ hơn 1 hecta rừng phòng hộ và đang chuẩn bị chặt phá 3,5 hecta tại khoảnh 6, tiểu khu 577. Thế nhưng sau đó, ông Hiếu chỉ bị kiểm lâm xử phạt 750 ngàn đồng. "Chúng tôi đã đã nhiều lần yêu cầu cấp trên tăng cường lực lượng cho địa phương để bảo vệ rừng, tuy nhiên đến nay chưa được như ý”.

Càng đáng nói hơn, khi ông Bùi Văn Tưởng - trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam cho rằng, thông tin hàng trăm hecta rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị phá thì ông chưa nắm rõ, sẽ cho kiểm tra và thông tin lại sau.

Ông Tưởng cũng cho biết: “Ngày 17/8 vừa qua, lực lượng kiểm lâm tổ chức truy quét bắt được 7 người đồng bào Ca Dong trú huyện Bắc Trà My đang phá rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 556. Qua kiểm đếm có 7ha rừng bị phá. Những người phá rừng khai nhận họ đi làm thuê cho một người ở xã Tiên Lãnh. Sắp tới CQĐT sẽ lên khám nghiệm hiện trường để có hướng xử lý”.

Dư luận bức xúc vì nạn phá rừng ở Tiên Lãnh diễn ra công khai, trong thời gian dài, bất chấp pháp luật. Rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh sẽ còn bị tàn phá đến bao giờ? xin gửi câu hỏi này đến Chi cục Kiểm lâm và Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tan hoang rừng phòng hộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO