Tản mạn chuyện tranh

ĐỖ ĐỨC 29/04/2022 06:16

Tranh bán vài nghìn đô la ở ta giờ không phải là hiếm. Bây giờ Việt Nam cũng bắt đầu hình thành giới sưu tập mạnh dạn vào nghề, cũng có những nhà sưu tập có số má mà nhiều người biết. Đó là tín hiệu mừng cho giới sáng tác mỹ thuật.

Một bức tranh của họa sĩ Đỗ Đức.

1.Họa sĩ vẽ tranh, bán tranh tưởng là chuyện thường, nhưng là cả vấn đề. Chuyện bán tranh mênh mông như biển cả, kể bao nhiêu cũng không hết chuyện, vì trên thế giới có hẳn thị trường tranh của giới buôn tranh và người sưu tập, giá cả phi thường, có bức tranh của những danh họa lên tới trên trăm triệu đô la trên các sàn đấu giá danh tiếng. Chúng ta chỉ biết chuyện đó trên truyền thông chứ còn “mục sở thị” thì chưa ai từng.

Cũng như ở Việt Nam có những họa sĩ bán tranh vài chục ngàn đô cũng có. Nhưng nó chỉ dừng lại ở tai nghe, nhưng mắt thấy thì chưa. Vì có ai chứng kiến người mua đếm tiền và họa sĩ nhận tiền bao giờ đâu. Nên chuyện bán tranh thì có thực nhưng giá tranh thì có thể hoang đường cũng nhiều.

Đầu tư sưu tập tranh là đầu tư mạo hiểm. Mua tranh để cất giữ tiền, để sinh lợi chứ ai để chơi không... Nó đòi hỏi người sưu tập có khả năng thẩm mỹ tốt và dự đoán xu thế đi của thị trường. Chẳng dễ tí nào với thị trường tranh thời sơ khai. Người sưu tập mua tranh tinh tường đã đành, nhưng rồi PR như thế nào cho tốt để tăng giá trị bộ sưu tập còn khó hơn cả mua tranh. Đó là tìm đường đi trong rừng rậm để không mua nhầm tác giả tác phẩm. Cũng không thể bàn ở đây.

Vẽ tranh bán tranh là việc khó. Đặt giá tranh là sự đánh giá giá trị của tác phẩm mình làm ra lại càng khó. Định giá tranh, ngoài cái chủ quan họa sĩ tự đánh giá mình, còn phải tính đến cái khách quan của phía người mua. Đặt giá tranh là sự tôn trọng mình, đồng thời tôn trọng người mua chứ không phải muốn hét thế nào thì hét.

Chơi tranh là chơi ảo, giá tranh lại càng ảo, rất khó vì tranh không phải đồ dùng vật dụng thông thường. Giá cả không thể tính ki lô, đo bằng diện tích, dù nó cũng là một phần giá trị tham khảo để mua bán.

Những họa sĩ thành danh, lớp họa sĩ Đông Dương thì có thị trường đấu giá đặt giá cho rồi, vì tranh phần nhiều trong tay giới buôn tranh. Với lại, phần lớn lớp họa sĩ này đã qua đời. Tranh của họ còn coi như là di sản. Có những họa sĩ lớp ấy danh tiếng nhưng nghèo đói suốt đời, nhưng nay tranh của họ còn lại trên thị trường được định giá rất cao. Cũng có cái lý của nó. Đó là những tác giả đã định danh, có giá trị như một thương hiệu tin cẩn. Số lượng tranh của các tác giả cũng không nhiều nên thành quý hiếm. Các tác giả Đông Dương nhìn chung kĩ năng nghề cao, vẽ cẩn trọng, và tín nhiệm cao trong nghề.

Thời gian mấy chục năm gần đây, giới họa sĩ trẻ có kĩ năng nghề khá vững vàng, vẽ tranh từ hiện thực đến trừu tượng, siêu thực đều giỏi, có nhiều tranh đẹp. Cũng vì vậy, có những họa sĩ quát rất to. Người mua nghe ù tai luôn. Cũng có người bán được, cũng có người không. Bán tranh là câu cá đại dương mà. Những con cá khôn ngoan đâu dễ mắc câu.

Vẽ tranh bán tranh là việc khó. Đặt giá tranh là sự đánh giá giá trị của tác phẩm mình làm ra lại càng khó. Định giá tranh, ngoài cái chủ quan họa sĩ tự đánh giá mình, còn phải tính đến cái khách quan của phía người mua. Đặt giá tranh là sự tôn trọng mình, đồng thời tôn trọng người mua chứ không phải muốn hét thế nào thì hét.

Khi hai bên đồng nhất ý kiến thì tạm coi đó là giá thị trường. Mà đó cũng chỉ là tương đối, vì thực tế có lúc nó thấp hơn nhiều với giá bán, cũng có khi nó cao hơn nhiều lần khi đi vào thị trường trao đổi tùy thời điểm và tùy hoàn cảnh. Nhất là khi họa sĩ đã được định danh thì đó là dần hình thành một giá trị “thương hiệu”và tác phẩm lúc đó dần hình thành những khung giá. Khung giá đó là sự tín nhiệm của thị trường với tác giả.

Nhưng để định hình thì cần một thời gian dài mới có thể khẳng định. Cho nên nghề vẽ là nghề thử thách nghiệt ngã. Như đoàn người vượt qua sa mạc, hàng mấy chục người ban đầu mà đến đích may ra có một hai, có khi không còn ai. Một là gục ngã trên đường đi, hai là không thể bước chân vào sa mạc mà quay xe sớm.

Tôi cũng có lúc bán tranh, nhưng không bao giờ hối thúc người mua, mà luôn muốn họ nghĩ nẫu ra trên khoản tiền bỏ ra. Mua tranh không phải mua đồ vật, mà là mua một giá trị. Giá trị đó phải được bảo đảm như một tài sản, có lúc cần còn trao đổi được chứ không phải vứt bỏ để che chuồng gà. Để nghĩ mua nhầm, người mua sẽ ấm ức là điều hoàn toàn không họa sĩ nào mong đợi.

Tôi cũng vậy. Nên luôn nhắc người mua tranh phải cẩn trọng và phải tin ở mình. Bởi mười người xem một tranh sẽ có mười sự yêu thích khác nhau hoặc sự ghét bỏ chê bai. Không có thống nhất cả trong thưởng thức nghệ thuật đâu, đó là chưa kể đến sự đố kị vốn như là thứ không bao giờ hết trên thị trường phải cạnh tranh để tồn tại. Chỉ có điều, sự thực bao giờ cũng có sự thuyết phục, nên mới hình thành tác giả, có cái tên trong lòng người yêu nghệ thuật. Còn không có thực chất thì dù được công kênh một thời rồi sớm hay muộn cũng sẽ mất hút con mẹ hàng lươn. Đó cũng là sự thật.

Họa sĩ Đỗ Đức trong phòng tranh của mình. ẢNH: THƯ HOÀNG.

2.Nhưng cũng có người bày tranh khoe với khách rồi bảo không bán là thói ngạo mạn vô lối, không tôn trọng khách, tôi không bao giờ làm trò lố lăng ra vẻ ta đây như thế... Người mua tranh thấy thích thì họ mua, đắt nhưng đã thích họ vẫn cố mua bằng được.

Người nước ngoài mua tranh không ham rẻ mà mua tranh mình thích. Năm 1996 tôi đã từng bán một tranh giấy dó trong bộ sưu tập, cỡ tranh 41x60cm với giá 1.200 đô la, mà thông thường cỡ đó chỉ 150 đô la là hết đất. Khi ấy, 1.200 đô la là 2,4 cây vàng. Người mua là một thanh niên Mỹ 28 tuổi, chủ một ngân hàng ở Băng Cốc (Thái Lan). Mua xong anh bảo: Tôi có phòng tranh để ở Thái Lan. Tôi mua tranh Việt Nam nhiều loại từ sơn dầu, sơn mài, lụa... nhưng không có tranh nào đắt giá bằng tranh này.

Tôi chỉ tay lên tường treo những tranh dó cỡ 60x80cm bảo: Ngần ấy tiền ông có thể mua được 3 tranh to trên tường kia. Ông nghĩ lại đi. Nhưng ông ấy lắc đầu: Tôi mua vì tôi thích vô cùng.

Năm 2001, tôi làm triển lãm tranh mini tại tầng 2, 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm có tranh nhỏ cỡ 5x7cm, 8x16cm, mỗi tranh một khung, treo thành từng cụm. Tranh vẽ phong cảnh làng bản. Người xem ai cũng thích, nhưng không ai hỏi mua. Gần kết thúc thì có đôi bạn trẻ người Anh đến. Xem một vòng, cuối cùng quyết định mua hai cụm với vẻ sung sướng. Tôi hỏi hai bạn mới biết sau chuyến du lịch này về Anh sẽ làm lễ cưới.

Tôi chụp ảnh, đưa theo để về nước họ biết cách treo đúng như ở triển lãm. Họ cho biết đã đi hết các gallery ở Hà Nội, thấy nhiều tranh ở galley này giống hệt gallery kia, nên quyết định không mua gì hết. Nhưng đến đây thì điều bất ngờ là tất cả những gì thấy trên đường đều có trong phòng tranh này trên những bức tranh siêu nhỏ nên quyết định mua. Họ bảo tuyệt vời quá, không ngờ trước khi về bất ngờ lại mua được thứ mình yêu thích.

Một triển lãm khác, có một khách Malaysia vào mua hơn 1.000 đô la tiền tranh. Có một tranh giá 400 đô la, ông ấy xin bớt 50 đô la. Tôi đồng ý vì cũng muốn có chút xởi lởi với khách hàng. Nhưng trả tiền xong, ông lấy thêm 50 đô la dúi vào tay cô phiên dịch bán hàng.

Mua tranh là mua một ý thích, một tình yêu. Người đến với nghệ thuật thực sự họ không so đo dù khách mua mỗi người một kiểu, nhưng họ đều hướng tới cái đẹp họ yêu nhất. Nên việc trọng thị với khách là việc người bán cần ghi nhớ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tản mạn chuyện tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO