Tân sinh viên: Đừng để bị lừa

Nguyễn Hoài 05/10/2021 02:16

Thời điểm này, các trường đại học đang làm thủ tục nhập học cho sinh viên năm thứ nhất. Bỡ ngỡ, non nớt khi lần đầu bước chân vào cổng trường đại học, một số tân sinh viên trở thành “miếng mồi ngon” của không ít đối tượng lừa đảo.

Cạm bẫy bủa vây

Nhập học chưa đầy nửa tháng nhưng Lưu Thanh N., sinh viên năm thứ nhất, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 liên tiếp nhận được tin nhắn qua điện thoại, Zalo, thậm chí cả email mời chào mở thẻ ngân hàng, công việc bán thời gian, dự án kiếm tiền trên mạng.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, N. cung cấp khá nhiều tin nhắn của các đối tượng không rõ tên tuổi, địa chỉ. Trong tin nhắn, đối tượng gửi những lời dụ dỗ hấp dẫn như: “Công việc cực kỳ đơn giản mà mỗi ngày bạn lại có thể kiếm được ít nhất 500 nghìn đồng, ở nhà vẫn có thể làm việc, lương quyết toán trong ngày”, “Với mức lương 5 triệu đến 30 triệu/tháng, mỗi ngày ít nhất 500 nghìn đồng, không phí phụ thu” hay “Dự án kiếm tiền trên mạng, 25 triệu/tháng, liên hệ qua Zalo…”.

N. chia sẻ, những tin nhắn như trên khiến em rất lo lắng. N. không hiểu tại sao các đối tượng này lại có thông tin cá nhân của mình, trong khi N. rất cẩn thận trong việc cung cấp thông tin cá nhân và không đăng thông tin cá nhân trên bất kỳ trang mạng xã hội nào.

Tương tự như N., một số tân sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng nhận được email mời chào mở thẻ ngân hàng của đối tượng mạo danh là đơn vị cấp thẻ cho trường. Trước tình trạng này, cách đây ít ngày, trên fanpage chính thức của Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phát đi thông báo tới các tân sinh viên tên ngân hàng liên kết của trường để phát hành thẻ cho sinh viên. Trường cũng lưu ý sinh viên, mọi yêu cầu làm thẻ ngân hàng khác đều là giả mạo. Sinh viên không trả lời xác nhận làm thẻ qua email.

Cũng theo nhà trường, việc mời chào sinh viên mở thẻ ngân hàng đã xảy ra từ những năm học trước. Đối tượng mạo danh khẳng định với sinh viên 2 tuần sau lên phòng tuyển sinh và công tác sinh viên của trường để nhận thẻ. Tuy nhiên, thực tế các em không được trả thẻ. Đối tượng mạo danh có thể chỉ lấy dữ liệu của sinh viên để hoàn thành chỉ tiêu hoặc cung cấp dữ liệu đó cho bên thứ 3 khai thác.

Mới đây, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, trường nhận được phản ánh có một số đối tượng lợi dụng việc tân sinh viên phải đóng học phí qua tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này đã liên hệ với tân sinh viên để dụ dỗ chuyển khoản đóng học phí hộ, thậm chí đối tượng lừa đảo còn mạo danh giám đốc ngân hàng lừa tiền học phí của tân sinh viên.

Tăng cường “sức đề kháng” cho tân sinh viên

Theo tìm hiểu của phóng viên, để tránh tình trạng tân sinh viên “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, các trường đại học đã có động thái cảnh báo, lưu ý các tân sinh viên ngay thời gian đầu nhập học.

Bên cạnh việc công khai toàn bộ những kênh thông tin chính thống, các đơn vị đào tạo và tổ chức đoàn thể của trường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chủ động trang bị cho tân sinh viên những kiến thức cơ bản, giúp các em phòng ngừa những tác động tiêu cực khi lần đầu sống xa gia đình. TS Cao Bá Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2 cho biết, tại Tuần sinh hoạt công dân học sinh - sinh viên đầu khóa học 2021-2025 tổ chức mới đây, trường đã đưa nội dung về các thủ đoạn của các loại tội phạm và cách phòng, chống các chiêu trò. Trong đó có loại tội phạm về lừa đảo, lợi dụng chiếm đoạt tài sản,…

Nhiều năm gắn bó với công tác sinh viên, PGS.TS Lê Hiếu Học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chỉ ra những mánh lừa đảo mà tân sinh viên dễ bị sa bẫy như: Lợi dụng tân sinh viên lan tỏa thông tin bán hàng đa cấp; dụ dỗ sinh viên sử dụng các chất ma túy, đánh bạc qua mạng; phần thưởng, học bổng cho sinh viên…

Theo ông Học, sở dĩ các đối tượng lừa đảo nhắm tới tân sinh viên bởi các em ở độ tuổi muốn thể hiện mình đã trưởng thành, thoát khỏi sự bao bọc của bố mẹ, muốn tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ, tuy nhiên lại thiếu các kiến thức, kỹ năng phòng, chống các chiêu trò lừa đảo.

Ông Học lưu ý các tân sinh viên: “Các đối tượng lừa đảo thường đưa ra các thông tin thu hút sự quan tâm của tân sinh viên trên các trang mạng xã hội. Vì vậy, các em nên tỉnh táo, kiểm chứng nguồn tin. Đồng thời, chia sẻ với người thân, bạn bè, thầy cô giáo, các anh chị khóa trước để có những quyết định chín chắn. Tâm lý của tân sinh viên là nhanh chóng muốn kiếm việc làm thêm để trang trải học phí nhưng các em cũng nên nhớ, hãy ưu tiên việc học”.

Theo Luật sư Lê Lưu Phú, Phó Giám đốc Công ty Luật Gia Nguyễn và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tình trạng gian lận, trộm cắp danh tính, xác thực thông tin người dùng, định danh thông qua Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân… để làm giả hồ sơ vay và chiếm đoạt tài sản đang có dấu hiệu gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Đối với đối tượng thực hiện việc khai thác thông tin, thủ đoạn gian dối nhằm lấy thông tin, trấn áp tinh thần của tân sinh viên và đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản thì đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điểm a Khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt đến 20 năm tù và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 của bộ luật này có khung hình phạt cao nhất đến chung thân.

Luật sư Phú khuyến cáo, để tránh những rủi ro và những phiền toái liên quan đến pháp luật, phía nhà trường cũng như sinh viên cần phải tuân thủ việc bảo mật thông tin cá nhân, hiểu rõ trách nhiệm của mình khi cung cấp thông tin cá nhân của mình cho người khác. Việc mở thẻ ngân hàng dù là trực tuyến hay trực tiếp cũng phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn từ phía ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tân sinh viên: Đừng để bị lừa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO