Tân Thủ tướng Vương quốc Anh Liz Truss:  Chúng ta sẽ vượt qua

THẾ TUẤN 11/09/2022 07:56

Tuần qua, sự kiện Ngoại trưởng Liz Truss trở thành Thủ tướng nước Anh được truyền thông quốc tế dành rất nhiều chú ý. Trong phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức, ngày 7/9, tân Thủ tướng Liz Truss kêu gọi: Bây giờ là lúc giải quyết các vấn đề kìm hãm, biến nước Anh thành quốc gia đầy khát vọng. “Tôi sẽ hành động ngay hôm nay và từng ngày sau đó để biến nó trở thành hiện thực” - bà Truss nói. Về đối ngoại, phát biểu tại số 10 Phố Downing, bà Truss nhấn mạnh: “Chúng ta không thể có an ninh trong nước nếu không có an ninh ở nước ngoài”.

Khó khăn trước mắt chồng chất với vị nữ Thủ tướng 47 tuổi, nhưng bà Liz Truss tuyên bố: “Chúng ta có nguồn tài năng, nghị lực và quyết tâm lớn. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua cơn bão. Tôi quyết tâm thực hiện điều đó”.

Bà Liz Truss, tân Thủ tướng Vương quốc Anh. Ảnh: Reuters.

Cái bóng của “bà đầm thép” Margaret Thatcher?

Là người tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng của ông Boris Johnson để lại, nhưng bà Liz Truss lại được cho rằng mang bóng dáng “bà đầm thép” Margaret Thatcher. Trước khi chiến thắng trong cuộc đua, bà Truss trong cương vị Ngoại trưởng đã không ngừng thúc đẩy ý tưởng về một “nước Anh toàn cầu”, tìm mọi cách tăng cường vai trò của Anh trên trường quốc tế. Trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại hồi năm 2021 tại Viện Chính sách Chatham House, bà Truss đã không ngần ngại nêu quan điểm đối trọng gay gắt với các cường quốc. Bà Truss cho rằng nước Anh nên tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP). Tạp chí Economist nhận xét đây là “tầm nhìn và bản chất mang bóng dáng Margaret Thatcher”.

Bà Truss cũng không giấu giếm việc bà là người hâm mộ nhiệt thành của “bà đầm thép” Thatcher. Bà đã từng gây chú ý với công chúng Anh bằng những bức ảnh gần như là bản sao các khoảnh khắc của “bà đầm thép”. Trong một chuyến thăm Maxcơva hồi đầu tháng 2 năm nay, bà mặc áo khoác dài và đội mũ lông, giống với hình ảnh Thủ tướng Thatcher 35 năm trước.

David Jeffery - giảng viên chính trị tại Đại học Liverpool, nhận xét: Bà Truss nhận được sự ủng hộ trở thành Thủ tướng nước Anh khi “noi theo” cựu Thủ tướng Thatcher. Nhưng khi đã là bà chủ nhà số 10 Phố Downing thì cái khó nhất của bà Truss lại là thoát ra khỏi cái bóng quá lớn ấy”.

Trước khi trở thành Thủ tướng nước Anh, bà Truss từng giữ 6 vị trí bộ trưởng dưới thời 3 thủ tướng Anh, trong đó có 11 tháng lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Được bầu vào Quốc hội năm 2010, bà Truss gia nhập chính phủ của đảng Bảo thủ 4 năm sau đó, với vị trí đầu tiên trong nội các là Bộ trưởng phụ trách môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn dưới thời thủ tướng David Cameron. Bà tiếp tục phục vụ dưới chính quyền của Thủ tướng Theresa May và Boris Johnson với nhiều cương vị khác nhau. Năm 2021, bà được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh.

“Thời kỳ lãnh đạo Bộ Ngoại giao của bà Truss khá bình lặng. Bà từng là một bộ trưởng thương mại quốc tế rất năng động, nhưng chưa nổi bật vai trò ngoại trưởng” - Jeffery nói. Tuy nhiên, nhà quan sát chính trường này cũng cho rằng bà Truss “sẽ là người kế thừa trung thành” quan điểm của các Thủ tướng trước đó về vấn đề nước Anh tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brrexit. Bà Truss được nhiều nhà quan sát đánh giá là một nhà đàm phán cứng rắn và “rất hiếu chiến với EU”.

Trong đảng Bảo thủ, bà Truss được nhìn nhận là người có tư tưởng ủng hộ tự do thương mại. Về Brexit, bà cho rằng cho dù các vấn đề kinh tế lớn giữa Anh và EU vẫn chưa được giải quyết nhưng “chúng ta đã nhìn thấy cơ hội cho nước Anh”.

Chèo lái con thuyền kinh tế giữa lạm phát

Ngày 6/9, một chiếc xe tải lớn chuyển đồ cho cựu Thủ tướng Boris Johnson rời khỏi số 10 Phố Downing. Cũng trong ngày hôm đó, tên chủ nhân mới của dinh thự này sẽ là Liz Truss - Thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng 6 năm đầy sóng gió.

Hiện tại, nước Anh đang đứng trước những gì mà các nhà nghiên cứu gọi là “cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ trước Thế chiến 2”. Do khủng hoảng khí đốt trên thị trường quốc tế, hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình Anh đã tăng gấp đôi kể từ mùa xuân năm 2022 và có thể tăng gấp ba vào đầu năm 2023. Một khảo sát được công bố vào ngày 6/9 cho thấy có tới 1,7 triệu hộ gia đình Anh có thể không thanh toán ngay được hóa đơn điện, khí đốt sau đợt tăng giá tiếp theo vào tháng 10, dự kiến ở mức 80%.

“Người Anh đang chứng kiến chi phí tăng vọt vì hóa đơn năng lượng và thực phẩm đều tăng” - Elizabeth Ebhodaghe, thành viên đảng Bảo thủ, nói và nhấn mạnh nước Anh cần bà Truss nhanh chóng đề ra chính sách để vượt qua cuộc khủng hoảng.

So với các nước thành viên EU, hiện lạm phát tại Anh rất cao: khoảng 10,1% vào tháng 7. Con số đó còn được dự báo sẽ tăng lên 20% vào đầu năm 2023.

Christiaan Coetzee - thành viên Bảo thủ nhận xét: “Tình hình hiện tại không tốt. Hy vọng giá năng lượng cao chỉ là vấn đề tạm thời. Tuy nhiên, lạm phát đã kéo dài quá lâu và chưa có dấu hiệu kết thúc, điều đó buộc bà Truss phải giải quyết. Người dân Anh cần một Thủ tướng trả lại bữa ăn thịnh soạn cho họ chứ không cần bất cứ một vị Thủ tướng với những ý tưởng to lớn nào khác”.

Bà Truss sẽ phải dẫn dắt nước Anh vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và một nền kinh tế đang ở bên bờ vực suy thoái. Ngân hàng Trung ương Anh cho biết, tháng 7, lạm phát ở Anh đã tăng trên 10%, lần đầu tiên sau hơn 40 năm. Dự tính lạm phát sẽ còn tăng lên 13% vào cuối năm nay do chi phí năng lượng, thực phẩm và giá nhiên liệu tăng cao.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng ở London, bà Truss cam kết sẽ có một “kế hoạch táo bạo” để cắt giảm thuế mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại lợi ích công bằng cho những người đang phụ thuộc vào lương hưu hoặc trợ cấp.

“Tôi sẽ đảm bảo rằng chúng ta không lấy tiền từ người dân bằng cách thu thuế rồi trả lại họ bằng giấy tờ” - bà Truss nói.

Trong bối cảnh lạm phát cao, bà Truss còn phải “dè chừng” Ấn Độ khi họ đang sắp chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu của Anh (sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức), khi New Delhi tuyên bố đang trên đà chiếm vị trí số ba của Nhật Bản. Đầu năm 2022, Theo IMF, nền kinh tế Ấn Độ tính theo giá trị danh nghĩa đạt 854,7 tỷ USD; trong khi quy mô kinh tế Anh là 816 tỷ USD.

Kinh tế Anh tụt hạng trong bảng xếp hạng quốc tế cũng là một điều bất lợi đối với tân Thủ tướng Anh, bà Liz Truss.

Trưa ngày 7/7/2022, Thủ tướng Boris Johnson xác nhận rời cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ, cũng có nghĩa sẽ không còn là Thủ tướng Anh.

Kể từ sau khi giành chiến thắng áp đảo năm 2019, uy tín của ông Johnson và đảng Bảo thủ dần sụt giảm nghiêm trọng. Suốt một năm qua, sức ép với ông Johnson ngày càng lớn khi đối mặt hàng loạt cáo buộc về cả cách hành xử lẫn quyết định nhân sự.

Đơn cử tháng 4/2022, ông Johnson bị phạt vì vi phạm quy định chống dịch khi tham dự buổi tiệc mừng sinh nhật hồi tháng 6/2020. Sau đó, ông tiếp tục bị chỉ trích quanh vụ bổ nhiệm nghị sĩ Chris Pincher làm phó lãnh đạo văn phòng kỷ luật của đảng Bảo thủ, dù trước đó ông này đã bị cáo buộc quấy rối tình dục. Vụ việc nghiêm trọng nhất là vào chiều 5/7, gần 60 nghị sĩ với khoảng một nửa trong nội các của Thủ tướng Johnson đã từ chức để gây áp lực buộc ông phải bỏ cuộc.

Ông Johnson ra đi, để lại cho người kế nhiệm là bà Truss gánh nặng về một nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái, với hàng loạt cuộc biểu tình tăng lương trong lúc vật giá tăng chóng mặt. Cùng đó là việc “hoàn tất thủ tục cuộc li dị với EU” mà nước Anh vốn đã gặp nhiều phiền toái. Sau nữa, bà Truss sẽ phải xử lý “sự cố Nga - Ukraine” trong khi người tiền nhiệm của bà luôn “đứng ở tuyến đầu phe đồng minh” chống lại nước Nga.

Bà Truss, 47 tuổi, là nữ Thủ tướng thứ 3 của Anh, sau bà Thatcher, giữ chức Thủ tướng từ 1979 tới 1990 và bà Theresa May, người nắm quyền lãnh đạo Anh từ 2016 tới 2019. Bà Mary Eliza-beth Truss sinh năm 1975, là con cả trong số 4 người con. Những bạn học cũ và giáo viên của bà tại trường Roundhay cho biết, Liz Truss là một người cực kỳ thông minh, đã giành được một suất học chính trị, triết học và kinh tế tại trường Merton, thuộc đại học Oxford. Sau khi tốt nghiệp năm 1996, bà Truss làm việc tại công ty dầu khí đa quốc gia Shell, công ty viễn thông Cable & Wire-less. Sau hai lần tranh cử vào Quốc hội không thành công vào năm 2001 và 2005, Liz Truss đã được chọn vào danh sách A của ông David Cameron và trở thành Hạ nghị sĩ đại diện cho khu vực Norfolk vào 2010. Thời điểm đó, bà kết hôn với ông Hugh O’Leary, một kế toán viên và có hai con gái nhỏ.

Năm 2014, bà đảm nhiệm vị trí đầu tiên trong nội các với tư cách là Bộ trưởng Thực phẩm và Môi trường. Sau này, bà còn giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Thương mại và tới tháng 9/2021 được bổ nhiệm là Ngoại trưởng. Ngày 6/9/2022, bà Liz Truss chính thức trở thành Thủ tướng Vương quốc Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tân Thủ tướng Vương quốc Anh Liz Truss:  Chúng ta sẽ vượt qua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO