Tặng cô một nhánh lan rừng!

Tấn Thành – Thái Bình 19/11/2017 12:57

Với các thầy, cô giáo ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, ngày 20-11 họ có thể không được nhận những món quà đắt tiền, xa xỉ, nhưng ở đó có những tình cảm chân thành, mộc mạc khó có thể diễn tả thành lời của những cô cậu học trò người dân tộc thiểu số dành cho cô thầy miền xuôi lên đây công tác.

Ngày 20-11, em tặng cô một nhánh lan rừng.

Tặng cô một nhánh lan rừng!

Tuy là ngày cuối tuần nhưng khu tập thể giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Trà Don, huyện Nam Trà My tràn ngập tiếng cười, tiếng nói vui vẻ của cô và trò.

Nét mặt hiền từ vui vẻ, em Hồ Thị Thiệt, lớp 8/2 Trường PTDTBT-THCS Trà Don, huyện Nam Trà My chân tình: “Ngày 20-11 tụi em không biết lấy gì làm quà, chỉ có hoa rừng tặng thầy cô mà thôi”.

Nói xong em chân thành dâng lên cô nhánh lan rừng trong tiếng vỗ tay và những nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Cô Đoàn Thị Hoàng Thảo cùng vô cùng xúc động.

Em Thiệt nói tiếp: “Chúng em kính chúc cô và tất cả thầy, cô ở trường mình mạnh khỏe, hạnh phúc để dạy bảo chúng em nên người!”.

Thật khó nói hết được những cảm xúc của thầy, cô và học sinh nơi đây, trong lúc này.

Ở đây, ngày 20-11, các em không có những món quà lụa là hay các mỹ phẩm đắt tiền hoặc các kỷ vật có giá trị về vật chất, nhưng tình cảm thì tràn đầy và không thiếu những món quà ý nghĩa, cảm động.

Như tặng những nhành lan rừng hay những đóa hoa của núi rừng tự nhiên, có em còn viết thư, vẽ tranh,… thậm chí viết thơ tặng thầy cô.

Cô Đoàn Thị Hoàng Thảo cho biết, cô lên dạy học ở điểm trường này đã được 5 năm.

Những ngày đầu nhớ nhà và đường về quê xa thăm thẳm, những ngày mưa gió lắm khi buồn, nhớ nhà đến khóc.

Nhưng chính những khuôn mặt thánh thiện, chăm ngoan, muốn có được cái chữ đã làm cho cô quen dần và yêu cuộc sống, tâm huyết gắn bó với nghề. Cô đã gắn bó với học sinh của mình chừng ấy năm.

“Thật vô cùng cảm động, khi những ngày thường các em đã chăm ngoan hiếu học, ngày 20-11 lại đến thăm cô. Tình cảm của các em trong ngày tôn vinh các thầy, cô được thể hiện đa dạng như tự tay vẽ những bức tranh, hái những chùm hoa rừng mang đến tặng các cô, các thầy. Những ngày 20-11 mãi mãi ghi dấu ấn trong lòng của tôi. Tôi yêu các em học sinh Ca Dong nơi đây”- cô Thảo nói.

Hạnh phúc khi các em yêu con chữ

Cuộc sống nơi vùng cao vốn dĩ đã khó khăn, nên những giá trị vật chất thường ít được nhắc đến, chỉ có những niềm động viên về tinh thần luôn là động lực để các thầy, cô giáo cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp trồng người trên những dãy núi cao.

Sự chăm ngoan, hiếu học của các em vùng cao là niềm vui lớn của thầy cô.

Thầy Lê Nguyễn Chí Thạch từ vùng xuôi lên đây công tác đã 10 năm chia sẻ: “Mình nhiều lúc rớt nước mắt khi nhìn các em cầm hoa rừng nhiều màu sắc lên tặng thầy cô. Nếu chúng ta hiểu được nơi đây vào mùa mưa bão thầy và trò đối diện với bao hiểm nguy mới hiểu được những tình cảm sâu lắng này. Càng đáng quý và hạnh phúc khi các em yêu con chữ, bám trường và biết vầng lời thầy, cô. Đó là niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi”.

Còn cô Đoàn Thị Hoàng Thảo, giáo viên Trường PTDTBT-THCS Trà Don, Nam Trà My tâm sự: “Ở đây các em đều có hoàn cảnh khó khăn, đi học xa nên đa số các em đều ở nội trú tại trường. Mỗi năm đến ngày 20-11, các em đều chọn cho mình những bông hoa rừng đẹp nhất, có em thì mang chè đến tặng, thậm chí là một bó… rau rừng, măng rừng. Đơn giản vậy thôi nhưng đó là tình cảm không thể diễn tả và so sánh được. Nhìn các em học tập và thay đổi mỗi ngày đó là niềm vui, niềm hạnh phúc rất lớn đối với thầy cô nơi vùng núi xa xôi này”.

Không chỉ học sinh mà chính quyền nơi đây cũng rất quan tâm đến sự nghiệp trồng người và luôn tôn vinh thầy cô.

Tuy còn đó nhiều khó khăn, nhưng mỗi năm đến ngày 20/11, UBND xã Trà Don luôn dành thời gian tổ chức bữa tiệc nhỏ, có thầy cô và đông đảo học sinh của trường cùng nhau ôn lại ngày truyền thống 20-11.

Bà La Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don cho hay: “Ở miền núi không có hoa hồng hay các quà tặng chi giá trị. Học sinh ở đây dành tình cảm, quý trọng các thầy cô bằng sự mộc mạc như chính tâm hồn các em. Xã thì tổ chức một buổi tọa đàm để cho tất cả các giáo viên của 3 bậc học, gặp gỡ, giao lưu với nhau và chỉ có một bữa cơm đạm bạc như một lời tri ân, động viên với những khó khăn của các thầy, các cô đang công tác, dạy học trên này”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để cả xã hội tôn vinh những người thầy, người cô.

Tuy nhiên, với các huyện miền núi Quảng Nam, khi vừa trải qua những thiệt hại nặng nề do lũ dữ hồi đầu tháng 11, nên các thầy cô giáo ở những điểm trường xa xôi nhất, đã và đang tạm gác đi niềm vui trong ngày Tết của mình để đến những thôn, nóc vận động học sinh đến trường, tu sửa lại trường lớp, nơi ăn, chốn ở, để đàn em nhỏ no cái bụng, yêu con chữ.

Có nơi không quà, không hoa hồng, món quà mà nhiều giáo viên ở miền núi nhận được trong ngày mà cả xã hội tôn vinh thầy cô, đó là những nhánh hoa rừng ngát hương chứa chan tình cảm của học sinh đồng bào dân tộc miền núi.

Với họ, ngày tôn vinh những nhà giáo chính những lớp học luôn đầy ắp tiếng ê a học bài của các em học sinh thân yêu, đó thật sự là hạnh phúc lớn lao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tặng cô một nhánh lan rừng!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO