Tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực

M.Loan - H.Vũ 14/11/2018 08:00

Ngày 13/11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018. Vấn đề PCTN tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực

ĐBQH Trần Hồng Hà: “Tham nhũng vặt ngang nhiên tồn tại trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, cấp phép xây dựng, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuyển dụng, sắp xếp đề bạt cán bộ. Dù biết nhưng người dân chưa dám đấu tranh vì sợ bị trù dập”. Ảnh: Quang Vinh.

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%

Báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm 2,72% về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng. Đáng chú ý theo Bộ trưởng Tô Lâm, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công.

Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các “nhóm lợi ích” nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán tiền ảo; cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng Internet thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, năm 2018, cơ quan chức năng đã khởi tố mới hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017, trong đó đáng chú ý tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%, tội phạm về ma túy tăng 12,6%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%. Tiếp tục phát hiện khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, mặc dù tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực nhưng lại gia tăng về số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội (1.451 người chết, tăng 3,9%); một số loại tội phạm tăng như: cướp tài sản tăng 5,1%, giết người tăng 3,9%, trong đó có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.

Tham nhũng vặt vẫn gây bức xúc

Bà Lê Thị Nga cũng cho rằng, công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sỹ quan cấp cao trong lực lượng Công an. Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các “nhóm lợi ích” hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các “tổ chức bình phong” nhằm dùng ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng đánh giá: Mặc dù đã có chiều hướng thuyên giảm nhưng tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn biểu hiện diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tự kiểm tra để phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu.

Theo ĐB Trần Hồng Hà (Đoàn Vĩnh Phúc) tham nhũng vặt ngang nhiên tồn tại trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, giao thông, cấp phép xây dựng, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuyển dụng, sắp xếp đề bạt cán bộ. Dù ngang nhiên tồn tại nhưng người dân chưa dám đấu tranh vì sợ bị trù dập. Ông Hà cho rằng cần kiên quyết xử lý người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, làm mất niềm tin của nhân dân.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, tham nhũng vặt đang làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền như tình trạng đưa phong bì, lót tay, chạy điểm, chạy chức, chạy án và làm tha hóa nhiều cán bộ công chức. Cần có giải pháp để ngăn chặn tình trạng này thông qua việc công phá tư tưởng lợi ích nhóm, công khai minh bạch trong công tác cán bộ để mỗi cán bộ là những công bộc phục vụ nhân dân, đồng thời gắn với quá trình thanh lọc bộ máy và kê khai tài sản cá nhân một cách thực chất.

Tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: “Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn nhiều hạn chế, vướng mắc”. Ảnh: Quang Vinh.

Chưa kiểm soát được thực chất tài sản, thu nhập

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng cho rằng, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Về nguyên nhân, theo ông Lê Minh Khái là do một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTN. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm PCTN còn chậm được hoàn thiện; việc đánh giá công tác PCTN còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu lấy kết quả PCTN là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Về nguyên nhân khiến tham nhũng chưa được ngăn chặn, theo bà Lê Thị Nga, tình trạng nhũng nhiễu, đòi hối lộ hoặc có vi phạm, tiêu cực trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn diễn ra nhưng một số trường hợp xử lý chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù Luật PCTN đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”…

ĐB Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, tham nhũng là do những người có chức quyền cho nên cần coi xây dựng phẩm chất con người là yếu tố hàng đầu vì sửa nhiều luật nhưng vẫn có nhiều người tham thì vẫn xảy ra tham nhũng. Do đó cần xây dựng đạo đức con người và tăng chế tài xử phạt. Người có chức quyền mà vẫn lợi dụng kẽ hở để tham nhũng thì càng phải xử nặng.

* Có tình trạng cơ quan bảo vệ pháp luật tiêu cực, tham nhũng

Liên quan đến việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có tiêu cực, tham nhũng không? Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, trong năm 2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện khởi tố điều tra vụ án mới tăng 39,3%, số bị can khởi tố mới tăng 126,1%; trong đó có 3 vụ án “Dùng nhục hình” dẫn đến chết người xảy ra tại cơ sở giam giữ; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%. Đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 1 tỷ đồng. Qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 55% trên tổng số tiền phải thu hồi là 12,37 tỷ đồng.
M.Loan-H.Vũ (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO