Tăng cường công tác quản lý đất đai

An Hà 09/09/2022 08:30

Ngày 7/9, UBND TP Hà Nội có Công văn về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay. Theo đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành liên quan đánh giá, rà soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.

Thời gian qua, do quản lý lỏng lẻo, nhiều diện tích đất đã bị phân lô, bán nền.

Công văn của UBND TP Hà Nội cũng chỉ rõ, các sở, ban, ngành liên quan thực hiện công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá. Đặc biệt, tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định pháp luật.

Việc công khai thông tin về các dự án đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm cần được phê duyệt đảm bảo minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận đất đai.

Lưu ý kiểm tra, đánh giá, xử lý theo quy định đối với trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng, đủ hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Công văn của UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh một số nội dung đáng chú ý khác, như giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của thành phố trong tháng 9/2022. Trong đó, cần công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ trong hệ thống quy hoạch. UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng trên địa bàn, đảm bảo tiến độ thời gian, nhất là những địa bàn có đường vành đai 4 đi qua.

Trước đó, ngày 5/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115 Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất, hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chịu trách nhiệm tổ chức công bố công khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua theo đúng quy định của pháp luật; Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho các địa phương, việc lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh bảo đảm chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương phải dựa trên khả năng bố trí, huy động nguồn lực, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và yêu cầu bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; bảo vệ môi trường đất khi triển khai dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, sử dụng đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đất, bảo đảm không làm ô nhiễm, suy giảm, thoái hóa chất lượng đất, không làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định;

Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chỉ đạo hệ thống cơ quan thanh tra các cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật.

Khánh Hòa: Cách chức nhiều lãnh đạo huyện Cam Lâm vì sai phạm quản lý đất đai

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã họp để xem xét, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và các đảng viên vi phạm.

Các lãnh đạo, cựu lãnh đạo huyện Cam Lâm bị xem xét kỷ luật gồm: ông Lương Dự - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Cam Lâm; ông Nguyễn Hữu Hảo -Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Ủy viên Đảng đoàn HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2020-2025, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021; ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021; bà Lê Phạm Thùy Ngân - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm; ông Lê Anh Tùng - Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lâm.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhận thấy: Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền, cho phép nhiều trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để làm đường, tách thửa không đúng quy định với diện tích lớn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025. Cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Trí Tuân. Cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 đối với bà Lê Phạm Thùy Ngân. Cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Lê Anh Tùng.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã họp và thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lương Dự và ông Nguyễn Hữu Hảo.

S.Tuyến

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường công tác quản lý đất đai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO