Tăng cường hiệu quả công tác giám sát

H.Vũ 28/09/2022 06:32

Ngày 27/9, chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Nguồn: Quochoi.vn

Chất vấn đã “trúng” những vấn đề “nóng”

Ông Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đó là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.

Theo ông Phương, trong năm 2022, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kết luận có ý nghĩa nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã ban hành 3 Nghị quyết quan trọng góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát.

Trình bày Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong năm 2022, Quốc hội, UBTVQH kiên trì thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, trong đó đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế; đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH và đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Theo ông Cường, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH tiếp tục có nhiều đổi mới, để lại dấu ấn trong hoạt động giám sát. Việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đều là những nội dung vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Về hoạt động giám sát chuyên đề ông Cường cho biết, năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại kỳ họp thứ 5; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” tại kỳ họp thứ 6.

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng tiến hành giám sát 2 chuyên đề về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp tháng 8/2023; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp tháng 9/2023.

Mặt trận phối hợp với Quốc hội giám sát từ sớm, từ xa

Tham dự hội nghị tại đầu cầu Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: Công tác phối hợp giám sát của MTTQ Việt Nam với Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới, tham gia từ sớm, từ xa; kết hợp giữa giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp và giám sát của nhân dân với hoạt động giám sát của Quốc hội, tạo hiệu quả tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cấp trong thực hiện ngay trong quá trình tổ chức giám sát và sau giám sát.

Liên quan đến các giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH những tháng cuối năm 2022; tham gia ý kiến vào các báo cáo giám sát và Nghị quyết sau giám sát 4 chuyên đề giám sát năm 2022. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tham gia giám sát với Quốc hội năm 2023.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết, sẽ tiếp tục đổi mới, tăng cường sự phối hợp thường xuyên trong việc xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi các kỳ họp thứ 4, thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XV; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri và nhân dân; phối hợp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Giám sát dựa trên “xây” và “chống”

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo hướng triển khai các hoạt động giám sát chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri.

Theo đó, Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các ban chỉ đạo cấp tỉnh, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng đất nước. Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường hiệu quả công tác giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO