Tăng cường tính giám sát trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho công dân

Tiến Đạt (thực hiện) 02/07/2022 10:53

Theo Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, khi tham gia trợ giúp pháp lý cho công dân, bên cạnh tư vấn pháp luật, luật sư cần chủ động trong giám sát, phát hiện việc giải quyết các vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với pháp luật, đưa ra kiến nghị để cơ quan nhà nước có hướng giải quyết phù hợp và thỏa đáng nguyện vọng của người dân.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền.

PV:Thưa ông, nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã được các luật sư triển khai hiệu quả, mang lại nhiều kết quả thiết thực trên thực tế. Để có được thành công này, trong thời gian qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã hướng dẫn, quan tâm thế nào đối với các luật sư tham gia vào hoạt động này?

Luật sư Đào Ngọc Chuyền: Có thể nói, hoạt động trợ giúp pháp lý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian qua đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của MTTQ Việt Nam, sự phối hợp của các cơ quan thanh tra, qua đó đã đạt được kết quả tốt. Khi thực hiện tư vấn pháp lý tại trụ sở tiếp công dân, các luật sư đã thực hiện đúng bổn phận và trách nhiệm nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý một cách trung thực, khách quan, độc lập, trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động tư vấn pháp lý, người dân đã hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của họ trong các quan hệ pháp luật đang đi khiếu kiện, đặc biệt luật sư đã giải thích rõ cho người dân về trình tự, thủ tục khiếu kiện, quyền, nghĩa vụ khi khiếu kiện, từ đó giúp người dân biết việc khiếu kiện có phù hợp với pháp luật hay không.

Để có được kết quả này, việc động viên, thể hiện trách nhiệm đồng hành cùng các luật sư được phân công làm nhiệm vụ tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã được Liên đoàn Luật sư Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm, là yêu cầu thường xuyên phải thực hiện.

Hiện nay, các vụ việc khiếu kiện thường phức tạp, kéo dài, được giải quyết qua nhiều cơ quan, nhiều cấp tồn đọng, do đó việc hiểu biết đầy đủ, toàn diện vụ việc trong một thời gian ngắn là khó khăn đối với luật sư. Thêm vào đó thời gian dành cho việc cung cấp dịch vụ pháp lý, hành nghề của luật sư cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thường xuyên quan tâm, động viên các luật sư gắn với công việc cung cấp dịch vụ pháp lý thông thường tại các tổ chức hành nghề với việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân một cách hài hòa để luật sư tham gia cảm thấy vừa giải quyết được công việc chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên cũng như vừa đóng góp công sức cho hoạt động chung, hoàn thành nhiệm vụ mà MTTQ Việt Nam đã giao phó.

Tại Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các luật sư, luật gia thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức vừa qua, các luật sư cho rằng cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận và luật sư khi phát hiện sai sót trong việc xử lý khiếu kiện, khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, khi tham gia trợ giúp pháp lý cho công dân, bên cạnh tư vấn pháp luật, luật sư cần chủ động trong giám sát, phát hiện việc giải quyết các vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với pháp luật để đưa ra kiến nghị, vừa giúp cơ quan nhà nước có hướng giải quyết đúng quy định pháp luật, vừa giải quyết thỏa đáng đúng nguyện vọng của người dân.

Cùng với đó, MTTQ Việt Nam là nơi tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, do đó cần có sự phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Khi người dân am hiểu pháp luật sẽ nhanh chóng tìm ra những điểm chưa phù hợp với pháp luật trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, qua đó hạn chế được những sai phạm, tìm ra hướng khắc phục và sửa chữa.

Đồng thời, MTTQ Việt Nam cần tăng cường phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức các hội nghị tập huấn, đẩy mạnh trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội để nâng cao năng lực, kiến thức cho luật sư trong quá trình tham gia trợ giúp pháp lý cho công dân.

Trong thời gian tới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có những kiến nghị, đề xuất gì với MTTQ Việt Nam để nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, thưa ông?

- Tôi mong muốn, thời gian tới, Mặt trận sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường tập hợp thông tin, lắng nghe kiến nghị, phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, không chỉ dừng lại ở giải quyết khiếu nại, tố cáo mà ngay trong xây dựng chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đồng thời có tổng hợp, tổng kết, đánh giá từng mảng, từng vấn đề thông qua hoạt động tiếp công dân, thu thập thông tin, phản ánh từ đời sống xã hội để kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vấn đề, với mục tiêu làm cho các mâu thuẫn trong xã hội dần được sắp xếp và giải quyết trên tinh thần ngày càng ổn định hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường tính giám sát trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho công dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO