Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, TP HCM đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm trên 21% tổng sản phẩm GDP, chiếm trên 29% tổng thu ngân sách của cả nước.
Theo quy hoạch phát triển vùng, TP HCM nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là thị trường tiêu thụ nguyên vật liệu đa dạng lớn nhất, vừa liên kết kinh tế giữa miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên, là những vùng có nguồn nguyên liệu nông nghiệp, cây công nghiệp tập trung quy mô lớn nhất cả nước, có nguồn tài nguyên giá trị kinh tế cao, đặc biệt là dầu khí.
Theo bà Vang, việc không tổ chức HĐND quận, phường nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc của người dân một cách thực chất nhanh hơn mà không thông qua các cấp trung gian; đồng thời góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền, bảo đảm sự liên thông, điều hành thống nhất, linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa bàn siêu đô thị.
Điều đó cũng đặt ra yêu cầu, tăng cường vai trò và cơ chế giám sát của cơ quan dân cử ở cấp thành phố, nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền đại diện cũng như đủ năng lực tiếp nhận và phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân trong điều kiện không tổ chức HĐND ở quận, phường.
Từ quan điểm trên bà Vang đề nghị xem lại cơ cấu đại biểu HĐND thành phố phải đủ lực. “Cần tăng thêm số lượng, chất lượng đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách, có thể bao gồm cả một số đại biểu không giữ chức vụ hoạt động chuyên trách tại các ban của HĐND thành phố để có thể bao quát được hết công việc.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới, tăng tần suất tiếp xúc cử tri và những kênh thông tin để cử tri tương tác với đại biểu HĐND thành phố”, bà Vang cho hay.
Cùng chung quan điểm, thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, TP HCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu và động lực có sức lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và xu thế triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết để đủ sức thúc đẩy, tạo chuyển biến lớn, tác động tăng trưởng kinh tế TP HCM một cách nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh việc cần quy định cụ thể hơn giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của HĐND thành phố về cơ cấu tổ chức, số lượng, nhất là đại biểu HĐND chuyên trách theo hướng tăng cường công tác giám sát, phát huy hiệu quả, bà Tuyết đề nghị cần xem xét để bổ sung những quy định mới, chính sách phù hợp đặc thù vượt trội, có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính hiện nay để thực hiện đảm bảo tính ổn định lâu dài và phát huy hiệu quả đạt kỳ vọng khi nghị quyết đã được ban hành.
Theo ĐB Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước), nếu được Quốc hội thông qua Nghị quyết này thì Quốc hội, và Hội đồng Bầu cử quốc gia tới đây trong việc cơ cấu HĐND TPHCM cần cân nhắc xem xét tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách HĐND của TP HCM để tăng cường thêm tính hiệu lực, hiệu quả cũng như nguồn lực để có thể mang tính đại diện của người dân TP HCM cao hơn. Tăng cường sự giám sát cũng như giải quyết các kiến nghị, vướng mắc về tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Đồng thời, đề nghị TP HCM trong xu thế phát triển kinh tế vùng hết sức quan tâm tới việc kết nối hạ tầng giao thông và đô thị đối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để phát huy sự phát triển kinh tế vùng một cách toàn diện.
Từng là Chủ tịch HĐND TP HCM, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi hơn và để tăng năng lực hiệu quả cho các hoạt động quyết định cũng như là các hoạt động giám sát trong thời gian tới cần phải tăng số đại biểu chuyên trách cho HĐND thành phố.
Phương án tối ưu là 19 đại biểu chuyên trách. Còn nếu không được như vậy, Quốc hội cố gắng cho TP HCM giữ như số đại biểu chuyên trách hiện nay là 16 đại biểu chuyên trách.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Khi không tổ chức HĐND quận, phường phải tăng cường dân chủ trực tiếp những vấn đề có liên quan đến lợi ích của người dân.
Sắp tới, Bộ Nội vụ trình Quốc hội Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về những nơi không có Hội đồng nhân dân sẽ thực hiện tăng cường dân chủ trực tiếp. Nếu không có dân chủ đại diện thì phải tăng cường dân chủ trực tiếp.
Cũng theo Bộ trưởng Tân, tới đây Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật và UBND TP HCM tiếp tục hoàn thiện các nội dung, các thủ tục để trình Chủ tịch Quốc hội sớm ban hành nghị quyết này. Bộ Nội vụ sẽ trình với Chính phủ ban hành một nghị định về tổ chức chính quyền đô thị cho TP HCM để có hiệu lực từ ngày 1/1/20120 và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2021.