Tăng năng lực cho nền kinh tế

M.Loan - H.Vũ 26/05/2022 07:22

Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần sớm kiểm soát giá xăng dầu để ngăn chặn lạm phát.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Vinh

Cần “kịch bản” đối phó lạm phát

Mở đầu phiên thảo luận tổ, đại biểu (ĐB) Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) đề nghị, cần đánh giá kỹ hơn về tình hình trong nước và thế giới để có những dự báo về giải pháp phát triển kinh tế-xã hội khi giá xăng những ngày qua đã lên đến mức kỷ lục, hơn 30 nghìn đồng/lít. Giá xăng lên cao khiến giá cả nhiều mặt hàng leo cao.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt lạm phát. Với tình hình giá xăng dầu hiện nay, các cơ quan cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát giá xăng dầu, không để giá xăng dầu tăng lên quá cao.

“Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng cần có những công cụ kiểm soát. Công cụ là gì, đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu” - ông Ngân nói.

Đề cập tới vấn đề phục hồi kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ với hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nỗ lực rất lớn trong 1 năm qua cũng như 4 tháng đầu năm nay mới giữ được, tạo dựng được đà tăng trưởng như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vừa rồi Bộ đã thực hiện khoảng 4 tỷ hóa đơn điện tử, tới 1/7 sẽ thực hiện được khoảng 7 tỷ hóa đơn điện tử, nghĩa là 100% doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử. Khi đã sử dụng hóa đơn điện tử thì các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, mua bán vật tư, hàng hóa xuất hóa đơn phải thể hiện trên hóa đơn, khi đó thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên.

“Năng lực về tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam còn nhiều, 4 tháng năm 2022 đạt 46,6%, tăng 15,4% so với năm 2021. Đến 22/5 thu được 758 nghìn tỷ đồng thuế, đạt 54% dự toán, vượt 16,42% so với cùng kỳ năm trước; thể hiện rằng sức sản xuất của chúng ta đang trỗi dậy, phát triển. Phải làm thế nào để tập trung cho nền sản xuất phát triển, cho doanh nghiệp phát triển, cho vấn đề thu hút đầu tư lớn, đặc biệt cho vấn đề đầu tư công để làm mồi và lôi kéo đầu tư tư. Đây là giải pháp chống lạm phát” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay chúng ta đang đối diện với nhiều thách thức. Đó là tình hình thế giới, Mỹ, các nước châu Âu, châu Á đều lo ngại lạm phát, giá cả tăng cao. Từ xung đột Nga-Ukraine, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu gặp nhiều khó khăn... Trong nước cũng đang đối diện với vấn đề lạm phát, giá cả tăng cao, vấn đề lãi suất ngân hàng.

“Đất nước mới trải qua đại dịch, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để tăng được năng lực cho nền kinh tế. Muốn vậy sẽ phải vực dậy sức sống của doanh nghiệp. Đây là động lực quan trọng nhất để phục hồi, phát triển nền kinh tế” - ông Hồ Đức Phớc nói.

Quan tâm tới nông nghiệp

ĐB Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng, hiện tỷ trọng đóng góp của các nhân tố tổng hợp TFP trong tỷ trọng tăng trưởng vẫn thấp. Điều đó phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào tài nguyên, khoáng sản và thâm dụng vốn. Trong khi đó đóng góp của năng suất lao động và khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất còn hạn chế. Cho nên Chính phủ cần quan tâm nâng cao tỷ trọng đóng góp của các nhân tố tổng hợp vào trong quá trình sản xuất bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động.

Dù rằng nông nghiệp vẫn giữ được là trụ đỡ trong thời gian qua, đảm bảo an ninh lương thực trong lúc khó khăn, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19, song trong 4 tháng đầu năm vẫn đang gặp nhiều khó khăn. “Giá vật tư, vật liệu xây dựng, xăng dầu tăng cao khiến giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giá phân bón tăng cao. Vì thế Chính phủ cần nghiên cứu để giảm thuế đầu vào cho phân bón và vật tư nông nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân” - ông Thi cho hay.

Còn ĐB Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) lưu ý, trước tình hình thế giới đang căng thẳng như hiện nay, việc phụ thuộc là vô cùng nguy hiểm. Nhất là xung đột Nga-Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, do vậy cần phải chủ động những nguồn nguyên liệu thông qua việc tăng cường dự trữ và việc nội địa hóa chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng. Chính phủ cũng cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho địa phương, doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu, góp phần vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu- ông So nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Mong Đại biểu Quốc hội hiến kế

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6 - 6,5%.

Nếu cộng cả phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 8-8,5%.

“Đây là thách thức rất lớn. Hiện chi ngân sách vô cùng khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong khi gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào” - Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn lại báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 để thấy chuyển nguồn sang năm sau hơn 600.000 tỷ đồng do không tiêu được ngân sách, chứ không phải không có tiền.

“Đây là vấn đề Chính phủ, Quốc hội băn khoăn. Có người nói cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ nhưng giải pháp mới là gì”? Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm, vướng mắc hiện giờ là không chi tiêu được ngân sách và lo nhất là gói kích thích kinh tế 347.000 tỷ đồng cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế…chưa phân bổ được đồng nào.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng tiền không tiêu được phải chăng là do khâu chuẩn bị đầu tư? Việc mua sắm có tỉnh mời cả cơ quan nội chính, thanh tra, công an vào hội đồng nhưng vẫn không mua được. Rõ ràng trong mua sắm thể chế không vướng gì, thậm chí còn cho cơ chế đặc thù, đặc cách, chỉ định thầu.

“Vậy mở hết cỡ rồi, sao không chuyển biến được? Mong các đại biểu Quốc hội góp ý, hiến kế” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam:

Cần quan tâm cải cách thủ tục hành chính

Phát biểu tại tổ sáng 25/5, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, bà Ánh bày tỏ chưa thực sự hài lòng về công tác cải cách thủ tục hành chính đối với việc nhận hàng cứu trợ.

Tháng 11/2021, MTTQ Việt Nam nhận được hai văn bản của doanh nghiệp ở Đức và bà con kiều bào ở Hồng Kông (Trung Quốc) thông báo gửi về những lô khẩu trang để hỗ trợ bà con trong nước phòng, chống dịch. Nhưng làm thủ tục hải quan mãi vẫn chưa xong. Tới bộ nọ thì lại nói phải có ý kiến của bộ kia.

Như vậy đã hơn 6 tháng, 1,5 triệu khẩu trang phục vụ cho công tác phòng, chống dịch vẫn nằm trong kho và hàng tháng MTTQ Việt Nam vẫn phải gửi, chuyển trả tiền lưu kho, lưu bãi.

“Về vấn đề này chúng tôi thấy hết sức bất cập” - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu vấn đề và nhận xét: Đây là sự chậm trễ liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ và công tác cải cách thủ tục hành chính. Do đó, cơ chế thủ tục hành chính của bộ, ngành cần phải rút kinh nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng năng lực cho nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO