Tăng tốc chuỗi cung ứng nông nghiệp

Thanh Giang 21/02/2017 09:00

Chuỗi cung ứng rời rạc của ngành nông nghiệp khiến cho tốc độ ra thị trường của nông sản chậm lại. Trong khi đó tốc độ ra thị trường đặc biệt quan trọng đối với mặt hàng dễ hư hỏng như rau quả, trái cây, thủy sản.

Quản trị cung ứng được ứng dụng nhiều trong các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu dùng tại Việt Nam nhưng còn khá mới mẻ với ứng dụng cho ngành nông nghiệp.

Báo cáo mới nhất về chuỗi cung ứng nông sản của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết một vài chỉ số đáng quan tâm đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trên thang điểm 100, Việt Nam hiện đạt 55,7 điểm về hoạt động chuỗi cung ứng, 60,6 điểm về quản lý chất lượng sản phẩm và 48,4 điểm về thương mại kinh doanh nông sản.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp kém hiệu quả, rời rạc là do có quá nhiều các bên trung gian cùng tham gia chuỗi cung ứng.

Đơn cử, ở khu vục nông thôn với điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển nên thương lái chủ động thu mua và vận chuyển nông sản. Đây có thể coi là đóng góp lớn nhất của thương lái cho chuỗi giá trị với vai trò đơn vị cung cấp dịch vụ logistics. Tuy nhiên bất cập ở chỗ, thương lái dễ dàng hình thành nhiều động thái thao túng giá, nguồn cung nông sản. Điều này vô tình làm chậm dòng chảy hàng hóa, đồng thời làm tắc nghẽn, thiếu minh bạch dòng chảy thông tin.

Trong khi đó, hơn 90% nông dân lấy thông tin thị trường từ thương lái, và nông dân xem thương lái chính là đối tượng thu mua nông sản duy nhất của họ. Về phía doanh nghiệp, không có sự tương tác với nông dân nên hầu như không nắm rõ được tình hình nguồn cung. Hậu quả, bên cung không nắm được cầu, và ngược lại. Sự thiếu chặt chẽ nêu trên cho thấy, doanh nghiệp ở đầu ra thị trường không làm chủ được kế hoạch thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của toàn bộ chuỗi cung ứng về phía đầu cung.

Nhìn thực tế vào khu vực khả năng vận chuyển nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá, so với các nước láng giềng Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, và Thái Lan, Việt Nam có một tài sản vô cùng quý giá đó là mạng lưới sông ngòi dày đặc của đồng bằng sông Cửu Long. Mạng lưới sông ngòi này có tiềm năng vận chuyển nông sản rất lớn so với đường bộ.

Thế nhưng hiện nay cơ sở hạ tầng đường thủy cũng như hệ thống đường nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa được đầu tư phát triển đúng tầm. Đường thủy và đường bộ vẫn chưa kết nối chặt chẽ được với nhau để phục vụ vận tải đa phương thức. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hiện đại cũng chưa đầu tư khai thác hệ thống sông ngòi.

Ngoài đường thủy, cơ sở hạ tầng kho bãi, các trạm trung chuyển và vận tải đa phương thức cũng chưa được đầu tư đúng mức. Chính vì yếu kém trong khâu vận chuyển nên tổn thất trong quá trình thu hoạch, năng lực vận chuyển và vận hành chuỗi cung ứng, chế biến, lưu trữ trở thành bài toán khó đối với chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam. Kết quả, tỷ lệ tổn thất sản phẩm ở mức cao.

Theo báo cáo của Cục chế biến, tỷ lệ tổn thất trung bình hiện nay là 25 - 30%. Tuy nhiên, đối với trái cây và rau quả, tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức độ tổn thất có thể lên đến 45%.

Tương tự , tỷ lệ tổn thất đối với mặt hàng thủy hải sản cũng ở mức cao, 35%. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thựcvà Nông nghiệp (FAO) Liên Hiệp Quốc, 63% tổn thất đến từ quá trình thu hoạch, thu gom, vận chuyển, lưu trữ trên toàn chuỗi cung ứng.

Ông Julien Brun – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý chuỗi cung ứng, logistics CEL cho rằng để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm tiêu thụ trong nước, ngành lương thực Việt Nam cần tập trung cải thiện chuỗi cung. Các bên sản xuất nông phẩm, phân phối nông sản, chuỗi nhà hàng và siêu thị cần hợp tác một cách chặt chẽ hơn với dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tập trung vào các tiêu chí giá trị, chất lượng và mức độ xuyên suốt trên toàn chuỗi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tốc chuỗi cung ứng nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO