Tăng tốc vaccine Việt Nam

An Thái - Đức Trân 30/06/2021 08:30

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, vaccine là biện pháp căn bản và lâu dài, đóng vai trò quyết định thành công hay không trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Ảnh: Trọng Hải.

Gần 3,5 triệu người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã có gần 3,5 triệu người được tiêm vaccine phòng Covid-19. Cụ thể, tính đến 16 giờ ngày 28/6, tổng cộng đã thực hiện tiêm 3.497.104 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 172.994 người. Trong ngày 28/6 có thêm 112.344 người được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại 25 tỉnh/thành và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng. Một số tỉnh có số người được tiêm lớn như Hà Nội: 1.438 người, Bắc Giang: 7.953, Lạng Sơn: 2.731, Đắk Lắk: 4.278, TP HCM: 73.975 người…

PGS. TS Lê Thị Thanh Xuân- Trưởng phòng Tiêm chủng, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội cho biết, trước khi tiêm các bác sĩ khám sàng lọc đã tư vấn cho người được tiêm về việc vaccine có thể phòng bệnh cho chính bản thân người được tiêm. Tuy nhiên, không có nghĩa là đối tượng được tiêm sẽ không mắc bệnh sau tiêm, nhưng khi đã tiêm vaccine thì khả năng mắc bệnh sẽ thấp hơn. Đặc biệt, những trường hợp đã tiêm, nếu có mắc bệnh thì triệu chứng cũng rất nhẹ so với đối tượng không được tiêm. Điều quan trọng nữa là nếu toàn dân tiêm phòng vaccine Covid-19 thì sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng.

Đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng

Sáng 29/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, vaccine phòng Covid-19 COVIVAC do Việt Nam nghiên cứu đã xong giai đoạn 1, có tính an toàn tốt, sinh miễn dịch khả quan. Vaccine COVIVAC do công ty Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) nghiên cứu hiện đang được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phối hợp với Trường ĐH Y Hà Nội thử nghiệm. COVIVAC là vaccine Covid-19 thứ 2 ở Việt Nam được cấp phép thử nghiệm trên người.

“Hiện vaccine này đã hoàn thành pha 1 và đang gửi kết quả đánh giá sang Canada. Chúng tôi chắc rằng cuối tháng 6 này sẽ có kết quả và sẽ bắt đầu tiến hành pha 2 vào tháng 7 tới. Chúng tôi hy vọng trong năm 2021 sẽ xong pha 2 và đầu 2022 sẽ tiến hành pha 3”- ông Thuấn thông tin.

GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, hiện vaccine COVIVAC đã hoàn thành giai đoạn 1. Trên dữ liệu ghi nhận cho thấy vaccine này ở giai đoạn 1 có tính an toàn rất tốt, đánh giá sơ bộ bước đầu về tính sinh miễn dịch cũng rất khả quan. Hiện Viện đang đợi kết quả của Canada là một cơ quan độc lập đánh giá rất khách quan. Cuối tháng 6 này khi có kết quả, Viện sẽ báo cáo Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế và xin phép triển khai giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu từ tháng 7, được thực hiện ở Thái Bình.

GS Đặng Đức Anh thông tin thêm, theo dự kiến khi kết thúc giai đoạn 2, với hàng nghìn người tham gia, có thể đến cuối năm Viện sẽ xin phép Hội đồng đạo đức triển khai giai đoạn 3. Và cũng hy vọng vaccine này cũng sớm được sử dụng vào đầu năm 2022.

Trước đó, vaccine Nanocovax- ứng viên vaccine đầu tiên của Việt Nam đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng được thực hiện trên 13 nghìn người. Trong tuần qua, Hội đồng đạo đức đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine này. Cụ thể tới 15/7 sẽ tiêm xong mũi 1 cho 12 nghìn tình nguyện viên và tới 15/8 sẽ tiêm xong mũi 2 cho tất cả 13 nghìn tình nguyện viên.

Cũng trong ngày 29/6, liên quan tới việc nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm đề xuất WB có những dự án viện trợ không hoàn lại hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vaccine cũng như ứng phó công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia có Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Việt Nam là 1 trong 44 quốc gia có thể sản xuất được vaccine, nhưng hiện có rất ít khoản đầu tư cho lĩnh vực này. Nếu có khoản vốn vay của WB, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển vaccine và sinh phẩm y tế, xây dựng nhà máy sản xuất vaccine đáp ứng Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng như đại dịch trong tương lai (nếu có).

Bà Victoria Kwakwa- Phó Chủ tịch WB cho biết, WB mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục có những thành công trong phòng chống dịch bệnh và nhấn mạnh: Những đề xuất của GS.TS Nguyễn Thanh Long là hết sức quan trọng và cần có sự phối hợp, làm việc thống nhất giữa các bộ ngành để có thể trong thời gian ngắn huy động được các nguồn vốn trong các dự án của WB hiện chưa sử dụng hết tại Việt Nam, kết hợp thêm các nguồn viện trợ hoặc vốn vay khác để nhanh chóng thiết kế thành dự án mới cho ngành Y tế Việt Nam.

Phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19 Moderna

Được biết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine Spikevax (tên khác là Moderna) cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid. Đây là vaccine dạng hỗn dịch tiêm bắp. Mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5 ml chứa 100 mcg mRNA.

Như vậy, đến nay đã có 5 loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid gồm: vaccine Astra Zeneca; vaccine Sputnik; vaccine Pfirez; vaccine Vero Cell và vaccine Spikevax (Tên khác là: Covid vaccine Moderna).

Bộ Y tế cho biết vaccine Moderna của Mỹ nhưng có thể được sản xuất tại Tây Ban Nha, Pháp, căn cứ vào khả năng cung cấp vaccine tại thời điểm nhập khẩu nộp hồ sơ đề nghị cấp phép. Tại Việt Nam, Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối vaccine Moderna.

Quyết định được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Zuellig Pharma Việt Nam cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam tính đến ngày 23/6/2021 và cam kết của Zuellig Pharma Việt Nam về tính chính xác của các tài liệu đã cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Zuellig Pharma Việt Nam phải phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam để triển khai quản trị rủi ro đối với vaccine Moderna trong suốt quá trình lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, việc sử dụng vaccine này phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam.

Tổng hợp thành công thuốc điều trị Covid-19

Nhằm góp phần vào nỗ lực chung của các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu thuốc, vaccine và sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, mới đây, Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.

Favipiravir là thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir nhưng được sử dụng ở đường uống và lần đầu tiên được sử dụng chống SARS-CoV-2 ở Vũ Hán. Loại thuốc này cũng được chấp thuận sử dụng ở Ý, Nhật Bản, Nga và một số nước khác.

GS.TS Nguyễn Văn Tuyến- Viện trưởng Viện Hóa học cho biết, trong thời gian tới, các nhà khoa học của Viện Hóa học sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng quy mô quy trình tổng hợp thuốc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tốc vaccine Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO