Tăng trưởng GDP 2015: 6,5% là khả thi

Ngọc Quang 09/08/2015 08:25

Tại Báo cáo kinh tế 7 tháng năm 2015 mới phát đi, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo: Tăng trưởng GDP có khả năng đạt 6,5% trong năm 2015. Đây là con số lạc quan so với mục tiêu đề ra là 6,2%. Thực tế cho thấy, nền kinh tế đã và đang tiếp tục có cơ sở tăng trưởng, cho dù áp lực không nhỏ.

Tăng trưởng GDP 2015: 6,5% là khả thi

Nền kinh tế đang phát ra những tín hiệu lạc quan

Ảnh:Hoàng Long

Chỉ số niềm tin thường được cho là “hàn thử biểu” đo sức khỏe nền kinh tế. Theo khảo sát của NFSC, hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại. 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm phần trăm so với quý I/2014. Cũng theo khảo sát này, 51% số người được hỏi có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, giảm khoảng 11% so với khảo sát trước đó vào quý III/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012.

1. Cũng tại báo cáo kinh tế 7 tháng năm 2015, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2015 ở mức 6,4%, cao hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2015 là 6,28%.

Những con số thống kê cho thấy bức tranh kinh tế đã sáng lên rõ rệt. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt; nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu giảm so với 6 tháng đầu năm. Biểu hiện ở con số 7 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 92,3 tỉ USD, tăng 16,4%; nhập siêu ước 3,4 tỉ USD, bằng 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về quy mô, khu vực doanh nghiệp (DN) tăng trưởng nhất kể từ năm 2009. Nhóm DN vừa và nhỏ tiếp tục đà phục hồi, kể từ cuối năm 2014.

Vẫn theo NFSC, tăng trưởng phục hồi khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Tiêu dùng tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ước tăng 9,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 6,3%) - mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây.

Đáng chú ý, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) do ANZ công bố, tại tháng 7 ở mức 138,6 điểm, giảm 4,5 điểm so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2014 là 7,6 điểm, và cao hơn mức trung bình của năm 2014 (trung bình năm 2014 là 133 điểm).

Niềm tin của người tiêu dùng đã quay trở lại và được củng cố- điều đó minh chứng rõ ràng của sự tăng trưởng. Chỉ số niềm tin thường được cho là “hàn thử biểu” đo sức khỏe nền kinh tế.

Theo khảo sát của NFSC, hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại. 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm phần trăm so với quý I/2014.

Cũng theo khảo sát này, 51% số người được hỏi có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, giảm khoảng 11% so với khảo sát trước đó vào quý III-2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Điều này một lần nữa cho thấy các hộ gia đình đã tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Tăng trưởng GDP 2015: 6,5% là khả thi - 1

Sự phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp góp phần quan trọng
vào tăng trưởng GDP năm 2015.

2. Thực tế thì ngay tại thời điểm hết quý I/2015, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều dự báo lạc quan về chỉ số GDP năm nay. Với việc nền kinh tế hội nhập sâu rộng, bên cạnh thách thức thì cũng sẽ tạo đà thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tại thời điểm đó, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cho rằng: “Trong năm nay, có khả năng GDP sẽ vượt trên 6,2% hoặc có thể sẽ là 6,5%, cao hơn kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2016-2020, mức tăng GDP khoảng 6,5-7%, lạm phát khoảng 5-6%”.

Ông Lịch nhận xét như vậy một phần dựa trên có số hơn 15.500 DN ở nhiều ngành nghề “sống lại” trong năm 2014, sẽ là tiền đề tốt cho nền kinh tế phát triển trong năm 2015.

Tăng trưởng GDP còn phụ thuộc khá nhiều vào mức độ lạm phát. Con số lạm phát đưa ra cho cả năm là từ 3% đến 3,3%. Lạm phát cơ bản (dựa trên CPI so với cùng kỳ loại trừ giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công) đã giảm xuống 2,6% sau 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12/2014) ổn định quanh mức 3%.

Kết quả này cùng với việc lạm phát cơ bản bình quân các năm qua giảm mạnh, Uỷ ban Giám sát tài chính nhận định lạm phát cơ bản năm 2015 sẽ ở mức khoảng 3%.

Như vậy, khả năng GDP năm nay đạt 6,5% là rất khả thi, tuy nhiên những thách thức từ nay tới hết năm cũng không nhỏ. Theo TS Nguyễn Viết Sinh - chuyên gia tài chính, thì việc các DN Việt Nam vẫn “chấp chới” trước sự hội nhập sâu rộng với thế giới là điều đáng quan ngại hàng đầu.

Hiệp định thương mại VN-EU coi như đã xong, sắp tới sẽ là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu không chuẩn bị sẵn lực lẫn tâm thế thì sẽ thua thiệt. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới chỉ số GDP. Vẫn theo ông Sinh, việc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chỉ trong một thời gian ngắn vừa âm thầm vừa rầm rộ giành thị phần tại các thành phố lớn là điều rất đáng quan tâm, rút ra bài học cần thiết.

Bởi, nói như ông Sinh, DN nội không thể dễ dàng “chịu thua” như vậy được. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận vào túi nhà đầu tư nước ngoài chứ không phải là “nằm” lại trong nước.

Với lĩnh vực bất động sản- nơi “ngốn” nhiều tiền và cũng tác động nhiều tới chỉ số GDP, giới chuyên gia cũng cảnh báo: Không vội vui mừng khi thị trường này rục rịch chuyển động. Cần phải quan sát kĩ bất động sản chuyển động ở phân khúc nào và tính ổn định đến đâu.

Việc từ 1/7, mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được coi là một cú hích, tuy nhiên xét cho cùng thì thị trường này cuối cùng vẫn do người trong nước quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng trưởng GDP 2015: 6,5% là khả thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO