Tăng tuổi nghỉ hưu vì lo vỡ quỹ?

Cẩm Anh 27/04/2018 09:00

Thảo luận của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về các phương án tăng tuổi nghỉ hưu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra đang gây sự chú ý của dư luận. Trong đó, một lý do của việc tăng tuổi nghỉ hưu được lý giải là để tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.

Tăng tuổi nghỉ hưu vì lo vỡ quỹ?

Quyền được nghỉ ngơi trong tình trạng vẫn khỏe mạnh sau mấy chục năm lao động, cống hiến và đóng bảo hiểm xã hội đều đặn là quyền chính đáng.

Cụ thể, có hai phương án được trình ra. Phương án 1 là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng. Nội dung này sẽ được đưa ra để Hội nghị Trung ương 7 cho ý kiến vào tháng 5 tới.

Giải trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại buổi thảo luận của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa mới đây cũng không có gì mới so với các cách giải thích trước đó. Có nhiều lý do được đưa ra, như: Đã mấy chục năm chúng ta chưa thay đổi độ tuổi nghỉ hưu trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên, quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bị vỡ nếu số người hưởng lương hưu quá nhiều….

Tuy nhiên, những ý kiến giải trình này đã vấp phải nhiều phản ứng khác nhau từ dư luận xã hội. Và câu chuyện nên hay không nên tăng tuổi nghỉ hưu vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi khi còn nhiều cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề này. Có thể nói rằng trên thế giới hiện nay, tuổi nghỉ hưu của các nước là khác nhau và có lẽ là mỗi quốc gia có một lý lẽ riêng về vấn đề này.

Ở Mỹ và Anh tuổi hưu trí là 65, trong khi đó nước Pháp và Nhật vẫn là 60 tuổi. Năm 2010, khi Chính phủ Pháp dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu lên 62 tuổi, hàng trăm ngàn người Pháp đã xuống đường tuần hành phản đối. Ở một số nước gần chúng ta hơn có độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn hoặc bằng Việt Nam. Ví dụ: Trung Quốc (60 - 55 tuổi), Indonesia (55 tuổi), Malaysia (55 tuổi), Thái Lan (55 tuổi)…

Một chính sách chỉ đảm bảo là đúng đắn nếu được xây dựng vì lợi ích của số đông người lao động. Cho nên, việc xây dựng chính sách hiện nay, đặc biệt là trong việc qui định tuổi nghỉ hưu cần phải được tính đến từ mọi góc độ khác nhau.

Ví dụ đã đành rằng tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên trong vài chục năm gần đây. Nhưng tuổi thọ và tuổi lao động có lẽ là khác nhau. Nếu chúng ta tăng tuổi lao động lên thêm nữa thì đồng nghĩa với việc xã hội người già (được hiểu là những người đã nghỉ hưu) sẽ chỉ bao gồm toàn những người đã ốm đau, bệnh tật hoặc sức khỏe yếu.

Do thời gian lao động của họ kéo dài hơn, sức khỏe sẽ đi xuống nhanh hơn. Hơn nữa về mặt sinh học, đến một ngưỡng nào đó con người không thể cưỡng được sự sa sút về sức khỏe. Như vậy, chẳng hạn 60 tuổi được nghỉ hưu (với nam giới) thì người ta có thể có được 5 năm hoặc 10 năm tiếp theo vẫn khỏe mạnh và được quyền nghỉ ngơi trong sự khỏe mạnh sau mấy chục năm làm việc. Nhưng nếu đến 65 tuổi mới nghỉ hưu, thì điều này rất có khả năng đồng nghĩa với việc đến tận khi sức khỏe đã sa sút mới được nghỉ hưu, nghĩa là sau một đời lao động vất vả, thì chỉ được quyền nghỉ ngơi khi sức khỏe đã yếu hoặc đã có bệnh tật…

Chúng ta đã nói nhiều đến các khu vực lao động khác nhau. Có thể với một số công chức nào đó làm việc trong điều kiện an nhàn (từng có dư luận 30% công chức ngồi chơi xơi nước mà vẫn lĩnh lương) thì mong muốn kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu. Nhưng với đại đa số những người lao động khác, quyền được nghỉ ngơi trong tình trạng vẫn khỏe mạnh sau mấy chục năm lao động, cống hiến và đóng bảo hiểm xã hội đều đặn là quyền chính đáng.

Cũng như phải phân biệt khu vực lao động đơn thuần với trình độ của các chuyên gia. Đúng là đối với nhiều lĩnh vực, các chuyên gia giỏi phải nhiều năm mới đào tạo được thì việc áp dụng đại trà để họ về hưu đúng tuổi giống với những người khác là không hợp lý. Nhưng chính vì thế cần xây dựng khu vực chính sách riêng cho họ, thay cho việc vì tiếc họ mà bắt đông đảo người lao động vẫn phải làm việc cật lực khi sức khỏe họ không còn cho phép.

Như chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến, lấy lý do vỡ quỹ bảo hiểm xã hội để tăng tuổi nghỉ hưu là đi ngược với tính nhân văn của chính sách an sinh. Chúng ta có thể quản lý quỹ bảo hiểm, đảm bảo tính bền vững của nó bằng cách quy định mức đóng và mức hưởng bảo hiểm, cũng như việc đảm bảo rằng nó được vận hành một cách minh bạch, tránh lãng phí, thất thoát chứ không phải bằng cách bắt người lao động phải làm việc nhiều hơn nữa, đóng nhiều tiền hơn nữa rồi mới được hưởng bảo hiểm… Đây là cách tư duy thiếu công bằng.

Tính đến cuối năm 2017 có 13,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Có khoảng 230 000 doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, trong khi đó số liệu cơ quan thuế cung cấp thì cả nước có tới 600 000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, còn trên 300.000 doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và theo ước đoán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì có khoảng 3 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy ở đây còn tồn tại một vấn đề rất lớn là khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà không tham gia bảo hiểm xã hội. Nói như đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì vấn đề xử lý nợ đối với doanh nghiệp bỏ trốn đóng bảo hiểm xã hội là vấn đề được Quốc hội yêu cầu nhưng Bộ đã không thực hiện, đến nay lại kiến nghị cho sử dụng ngân sách để đóng mà không hề có tổng kết, đánh giá tác động. Chưa kể cũng theo đại biểu này “số tiền chi cho đại lý và bộ máy bảo hiểm xã hội quá nhiều mà không giải trình được”.

Rõ ràng trong khi còn có những vấn đề trong điều hành, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, việc đưa ra lý do vỡ quỹ để tăng tuổi nghỉ hưu thật khó để chấp nhận. Vấn đề nhãn tiền là nếu người già lâu nghỉ hưu thì người trẻ thất nghiệp. Và nghỉ ở tuổi nào là việc quan trọng liên quan đến quyền lợi của đông đảo người lao động. Chính sách phải được xây dựng phù hợp với từng điều kiện lao động khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tuổi nghỉ hưu vì lo vỡ quỹ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO