Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường

Vũ Mạnh 12/01/2021 17:50

Đó là khẳng định của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020 và ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều ngày 12/1.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài và ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Phùng Khánh Tài; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các tôn giáo cùng hơn 2.300 đại biểu là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức thành viên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Nhân rộng hơn 40.000 mô hình về bảo vệ môi trường

Báo cáo kết quả chương trình phối hợp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nêu rõ, sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản đã bám sát các nội dung nhiệm vụ đề ra, chủ động trong việc phối hợp triển khai và đạt được nhiều kết quả rõ nét, cụ thể, thiết thực: tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường đã đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn về bảo vệ môi trường, tác động môi trường đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, tập quán, sản xuất, cảnh quan… từ đó giúp cộng đồng ở khu dân cư có sự quan tâm, đầu tư hơn cho công tác bảo vệ môi trường.

Quang cảnh Hội nghị.

“Trong giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ 50/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mới, duy trì, nhân rộng 344 mô hình điểm bảo vệ môi trường. Từ các mô hình điểm do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hỗ trợ đến nay theo báo cáo của 50/50 tỉnh, thành phố đã xây dựng mới, duy trì và nhân rộng được 40.626 mô hình điểm”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cũng thông tin, trong giai đoạn 2018 - 2020, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì, tổ chức giám sát về khai thác tài nguyên bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại 10 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp đã tổ chức 2.550 cuộc giám sát, thường xuyên tổ chức tập hợp ý kiến của nhân dân trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường để phản ánh tới các cơ quan Đảng, chính quyền và báo cáo tại các kỳ họp của HĐND.

Tại Hội nghị, các ý kiến tại các điểm cầu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong việc thực hiện chương trình phối hợp trong giai đoạn 2017-2020; đồng thời đề xuất những kiến nghị để chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đạt kết quả cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định trong giai đoạn 2017-2020, chương trình phối hợp giữa Bộ với UBTƯ MTTQ Việt Nam đã huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động phối hợp được chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong xây dựng, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đã giúp ngành tài nguyên và môi trường kịp thời nắm bắt được các phản hồi xã hội, dư luận xã hội về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để có hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn đời sống xã hội.

“Vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng đã giúp ngành tài nguyên và môi trường có thêm nhiều kênh thông tin phản biện để làm tốt hơn vai trò hoạch định chính sách của mình”, ông Trần Hồng Hà nêu rõ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Từ những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn trong giai đoạn 2021-2025, hai bên sẽ mở rộng phạm vi phối hợp trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong thời gian tới, hai cơ quan cần tăng cường cơ chế phối hợp giám sát trong việc thực hiện các quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược cũng như đánh giá tác động môi trường; giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của doanh nghiệp; giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Cùng với đó là sự tham gia phản biện sâu hơn nữa của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong quá trình hoạch định, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Cải thiện môi trường ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bám sát các nội dung, nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả rõ nét, thiết thực.

Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố ký Chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam với Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Các nội dung phối hợp về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được lồng ghép, thực hiện cùng với việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong các chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm của hệ thống Mặt trận các cấp.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường từng bước đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn về bảo vệ môi trường, qua đó đã hình thành được ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan “sáng-xanh-sạch-đẹp”, sống thân thiện với môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, từng bước khắc phục thói quen tiêu dùng xâm hại đến tài nguyên và môi trường.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế đó là công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Công tác sơ kết, tổng kết để nhân rộng mô hình và khen thưởng còn nhiều bất cập; tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền còn thiếu, chưa đầy đủ. Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn cho cán bộ Mặt trận trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn chưa được thường xuyên.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, sự phối hợp tổ chức các hoạt động giữa Mặt trận các tỉnh, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường có lúc chưa thật chặt chẽ, thường xuyên. Việc phối hợp chủ yếu là hoạt động bề nổi, chưa có điều kiện đi sâu nắm bắt và tháo gỡ giúp địa phương giải quyết những bức xúc về công tác bảo vệ môi trường.

Nhấn mạnh môi trường ở nhiều nơi vẫn còn ô nhiễm, trở thành vấn đề nổi cộm, một thách thức đối với phát triển bền vững, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong rằng sau khi ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề ra ngay các biện pháp và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế; đồng thời phối hợp chặt chẽ có hiệu quả hơn nữa để thực hiện thành công Chương trình.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường" cho Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, từ nội dung của Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, hai cơ quan cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm cải thiện môi trường ở các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề và giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời đề xuất, phản biện xã hội, góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong hệ thống Mặt trận và chính quyền các cấp cũng như trong nhân dân.

* Tại Hội nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” cho Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; UBTƯ MTTQ Việt Nam khen thưởng cho 10 tập thể và 20 cá nhân; Bộ Tài nguyên và Môi trường khen thưởng cho 10 tập thể và 5 tổ chức tôn giáo có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO