Tạo đà cho doanh nghiệp

H.Hương 06/02/2017 08:00

Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2017, trên cả nước đã có 8.990 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Cùng với đó, thông điệp chính phủ kiến tạo, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh lại được nhấn mạnh. Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội để phát triển.

Nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ trong thời gian qua đang dần mang lại hiệu quả. Ảnh: TL.

Chính phủ kiến tạo

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, cho biết 8.990 doanh nghiệp mới thành lập này có tổng số vốn đăng ký đạt 90,3 nghìn tỷ đồng. Như vậy so với cùng thời điểm năm 2016, số lượng thành lập tăng 8,1% và tăng 52,3% về số vốn đăng ký. Trung bình một DN thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 40,9%.

Cũng theo số liệu trong tháng 1 còn có 5.564 DN quay trở lại hoạt động, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2017 năm nay lên gần 14,6 nghìn DN.

Có thể nói, những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ trong thời gian qua đang dần phát huy tác dụng và có hiệu quả nhất định. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong năm 2016 đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100 doanh nghiệp đã lai dắt sang tháng đầu của năm mới. Nhiều ý kiến lạc quan còn đưa ra: đầu xuôi đuôi lọt, năm 2017 sẽ có thêm nhiều bất ngờ từ cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục quản lý kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc trả lời báo chí chia sẻ, để giữ vững đà tăng trưởng này trong năm 2017, tôi cho rằng, về phía Chính phủ, các cơ quan Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường hoạt động cũng như rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt những giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết số 19 cũng như Nghị quyết số 35 của Chính phủ liên quan tới việc tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cũng như tạo các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hơn trong thời gian sắp tới.

Với quyết tâm đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, coi doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những chủ thể quan trọng, là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, gắn liền với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, chưa bao giờ DN được tiếp thêm nhiều động lực như hiện nay.

Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai các nhóm nhiệm vụ như: cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Năm 2017 sẽ có thêm nhiều bất ngờ từ cộng đồng doanh nghiệp.

Đón làn sóng khởi nghiệp

Mục tiêu mà nền kinh tế đặt ra đến năm 2020 có 1 triệu DN. Để đạt được mục tiêu này, giới chuyên gia cũng như nhà điều hành cho rằng, cần phát huy lợi thế đón chờ làn sóng khởi nghiệp, và cốt lõi là phải tạo môi trường để doanh nghiệp khởi nghiệp.

Giới chuyên gia cho rằng, xét trên bình diện quốc gia, năng lực cạnh tranh thấp, nguồn nhân lực nhiều bất cập, năng suất thấp lại tăng chậm, hàm lượng sáng tạo thấp, tăng trưởng không bền vững. DN Việt cần khắc phục nhược điểm này để hội nhập.

Ông Phan Chí Quân, người sáng lập ra Dịch vụ cung cấp gói thuê bao rau sức khoẻ giao tận nơi theo tuần/ tháng chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chia sẻ với Đại Đoàn Kết, thông điệp “Quốc gia khởi nghiệp” chưa bao giờ được kêu gọi, truyền tải mạnh mẽ nhiều hơn như thế trong thời gian gần đây. Và điều này cho thấy quốc gia thực sự đã đến lúc cần 1 thế hệ khởi nghiệp mạnh mẽ, hành động mạnh mẽ hơn để mang tới những giá trị, kết quả, giải pháp/ sản phẩm/ dịch vụ thiết thực.

Giới DN, doanh nhân khởi nghiệp cho rằng, họ trông đợi Chính phủ chủ động nâng cao năng lực quản trị của chính quyền, nhân tố chủ đạo để kinh tế phát triển, đồng thời cần liên tục cải thiện về nhận thức, văn hoá, chuẩn mực hành chính công, đối xử minh bạch, cởi mở với DN tư nhân, xoá bất cập, bất lợi vì DN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, tại Việt Nam chính sách hỗ trợ DN đã được Chính phủ quan tâm và cho áp dụng để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN vượt qua khó khăn, sớm ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN khởi nghiệp. Hiện đã có nhiều quy định ưu đãi thuế với các mức độ khác nhau dành cho DN khởi nghiệp mới thành lập hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên hoặc các DN nằm trong khu vực kinh tế kém phát triển, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực nghèo.

Ví dụ, áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với DN có dự án đầu tư mới tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu kinh tế hoặc thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm phần mềm và nhiều lĩnh vực ưu đãi khác.

Để tiếp tục hỗ trợ và phát triển DN, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng các giải pháp cụ thể về thuế nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của DN, trong đó bao gồm các giải pháp về thuế hỗ trợ các DNNVV, DN khởi nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo đà cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO