Tạo động lực thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức

Lê Anh 14/12/2020 08:00

Ngay khi được thông qua việc thành lập đơn vị hành chính mới từ việc sáp nhập 3 quận phía Đông, TP HCM đã có nhiều chủ trương để thu hút các nguồn lực cho phát triển TP Thủ Đức.

Một góc của TP Thủ Đức theo địa giới đề án vừa được Quốc hội chính thức thông qua.

8 trụ cột lớn của TP Thủ Đức

Theo kế hoạch, có 8 khu đô thị lớn đang được UBND TP HCM kêu gọi đầu tư, bao gồm Trung tâm tài chính (gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm); Trung tâm Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm Giáo dục - Đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm Công nghệ sinh thái (khu vực Tam Đa và ĐH Long Phước); Trung tâm Giao thông (kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái) và Khu đô thị cảng Trường Thọ (thuộc Q.Thủ Đức hiện nay).

Để xây dựng và phát triển 8 trụ cột lớn nêu trên, từ 22/12 TP HCM bắt đầu phát hành và nhận tiền mua trái phiếu chính quyền địa phương TP HCM, với tổng khối lượng phát hành trái phiếu của đợt này là 2.000 tỷ đồng. Văn bản khẩn của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã được gửi Bộ Tài chính để thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nêu trên. Các trái phiếu có các kỳ hạn 15 năm, 20 năm, 30 năm và được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.

Đây là một trong những chủ trương đầu tiên của TP HCM ngay sau khi Quốc hội thông qua đề án TP Thủ Đức nhằm tăng cường nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND TP thông qua. Nguồn vốn từ trái phiếu cũng tăng khả năng bổ sung nguồn chi cho đầu tư phát triển của thành phố.

Trong năm 2021, TP HCM có kế hoạch vay khoảng 16.026 tỷ đồng từ nguồn Chính phủ để triển khai cho vay lại. Trong đó, mục đích của kế hoạch này để bù đắp bội chi ngân sách của thành phố hiện nay; một phần trả nợ gốc và cũng giải quyết các vấn đề lớn về ngân sách của thành phố, bao gồm cả tăng cơ chế và phân quyền cho TP Thủ Đức vừa được Thường vụ Quốc hội đồng ý cho triển khai.

Có 20 chỉ tiêu phát triển được TP HCM dự kiến triển khai, trong đó ưu tiên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) phấn đấu đạt từ 6% trở lên. Các nguồn lực được kỳ vọng sẽ khởi sắc từ TP Thủ Đức, nơi sẽ được áp dụng các cơ chế, phân cấp đặc thù trong thời gian tới. Đặc biệt, kỳ vọng thúc đẩy tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60% và GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người và tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 91% trở lên.

Tăng phân cấp và uỷ quyền

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, TP Thủ Đức ngay trong năm đầu có hiệu lực hoạt động, sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia (2020-2025).

Bà Phan Thị Bình Thuận -Phó Giám đốc sở Tư pháp TP cho rằng, với các trụ cột quan trọng, TP Thủ Đức có đầy đủ động lực để xây dựng nền kinh tế tri thức, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế TP. Muốn vậy, thành phố cần căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và vận dụng Nghị quyết 54 để tăng phân cấp và uỷ quyền cho TP Thủ Đức, nhất là tăng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho thành phố này khi được thành lập. Dù vậy, cũng theo bà Thuận thì trước mắt phải giải quyết được những tồn tại, hạn chế kéo dài thời gian qua, như vấn đề khiếu nại, khiếu kiện về đất đai ở KCN cao (Q.9) cũng như tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).

Trong khi đó, ông Diệp Văn Sơn, Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng cơ quan đại diện phía Nam - Bộ Nội vụ nhìn nhận vai trò của TP Thủ Đức như một cú hích mới để quay lại nhịp điệu tăng trưởng cao cho TP HCM. Vấn đề là chính quyền đô thị của thành phố này phải đảm bảo một bộ máy quản lý hành chính thống nhất, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực của cả ba đơn vị cấu thành là quận 2, 9 và Thủ Đức. Nhất là, quy hoạch vùng của TP Thủ Đức phải gắn được với quy hoạch chung của TP HCM để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển dễ dẫn tới phân tán nguồn lực.

Nhiều chuyên gia đặt ra kỳ vọng rất lớn vào TP Thủ Đức, với việc hình thành một không gian đô thị đủ sức hút đối với những người tài trong và ngoài nước, đồng thời cũng đặt tiền đề cho một đô thị có các không gian vật lý, không gian kinh tế- xã hội, hành chính- quản trị và không gian quy hoạch- kiến trúc đạt chuẩn đô thị phát triển của thế giới.

TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2021. Với diện tích khiêm tốn trên 211,5km2, dân số hơn 1,5 triệu người, nhưng dự kiến đóng góp tới 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo động lực thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO