Tạo thuận lợi cho người học

Vi Cầm 18/01/2023 07:00

Không phải cho đến khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 10, mà từ những năm học trước học sinh vẫn có nhu cầu đổi tổ hợp Khoa học xã hội sang Khoa học tự nhiên, hoặc ngược lại cho phù hợp với năng lực, sở trường, ngành thi và khối thi.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.

Năm nay là năm đầu tiên học sinh lớp 10 lựa chọn 4 môn trong các môn học: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Ngay từ đầu lớp 10, học sinh và phụ huynh đã được nghe tư vấn và dựa trên năng lực, sở thích của mình để chọn môn học cho cả 3 năm THPT.

Thời điểm này, học sinh các trường THPT trên cả nước đã bắt tay vào chương trình học kỳ II. Trước đó, dịp đầu năm học, ngoài 8 môn học bắt buộc, các em lựa chọn thêm 4 môn tự chọn để theo học cho đến khi tốt nghiệp, cũng là định hướng nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên sau một học kỳ, có một số học sinh cảm thấy không phù hợp và muốn thay đổi, song mọi việc không dễ dàng.

Nhằm giúp học sinh được điều chỉnh đổi môn học lựa chọn, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành công văn hướng dẫn các nhà trường. Theo hướng dẫn này, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Phân tích từ các nhà trường cho thấy, việc cho học sinh đổi môn học lựa chọn cũng sẽ khiến cả nhà trường và học sinh gặp khó. Đơn cử như nếu giáo viên bộ môn không có thời gian giảng dạy thì các em phải đi học thêm, cũng là thêm gánh nặng với những gia đình có kinh tế khó khăn. Sau khi học sinh kết thúc môn học mới, Hiệu trưởng phải thành lập hội đồng, tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh theo quy định. Học sinh phải làm nhiều bài kiểm tra trong một thời gian ngắn liệu các em có kham nổi?

Chuyển đổi môn học tự chọn là nhu cầu có thật và chính đáng của học sinh sau một thời gian học tập nhận thấy không phù hợp, tuy nhiên chuyển đổi vào thời gian nào, việc học bù kiến thức, kiểm tra bù các đầu điểm cần tiến hành ra sao là vấn đề cần được tính toán kỹ lưỡng. Từ thực tế giảng dạy chương trình mới, nhu cầu đổi môn học lựa chọn của học sinh lớp 10 đã đặt ra vấn đề rằng các trường THPT, Bộ GDĐT cần tập hợp các kiến nghị của giáo viên và học sinh về chất lượng bộ sách giáo khoa mới cũng như chương trình mới để có giải pháp kịp thời nếu cần. Hơn nữa là tư vấn cụ thể và sát hơn cho học sinh lớp 9 đang chuẩn bị dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023- 2024 tới đây.

Điều đáng lưu ý là năm 2025 sẽ là năm đầu tiên Bộ GDĐT đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT với những học sinh đang học lớp 10 chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc lựa chọn môn học sẽ quyết định rất lớn tới kết quả thi cuối cấp cũng như định hướng vào đời của người học.

Những băn khoăn từ nguyện vọng đổi môn học của học sinh không phải là vấn đề gì quá lớn. Bởi đổi mới bao giờ cũng sẽ nẩy sinh vấn đề mới, nhưng nếu giải quyết kịp thời những phát sinh này thì đổi mới, nhất là đổi mới giáo dục sẽ mang lại hiệu quả cao.

Việc Bộ GDĐT ban hành công văn hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn vào thời điểm các nhà trường phổ thông vừa kết thúc học kỳ I cho thấy ngành giáo dục đã lắng nghe tiếng nói của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Việc học sinh cảm thấy không phù hợp và muốn thay đổi dù chỉ là con số rất ít nhưng cần phải được lắng nghe và giải quyết. Bởi đó không chỉ là chuyện lựa chọn môn học hôm nay mà còn là cả một tương lai sau này của các em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo thuận lợi cho người học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO