Tây Âu trong cơn 'đại hồng thủy’

Nguyễn Nam 19/07/2021 06:30

Cô Cornelia Schloesser,  thợ làm bánh ở thị trấn Schuld, quận Ahrweiler, bang Rhineland-Palatinate, phía Tây nước Đức - vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại: “48 giờ qua là một cơn ác mộng. Lò nướng giờ đây chỉ còn là đống phế thải”. Mặt tiền của tiệm bánh, nơi cô vẫn làm việc giờ đây không còn dấu vết.

Trong trận mưa lớn kéo theo lũ lụt này, nhiều quốc gia Tây Âu như rơi vào một trận đại hồng thủy lớn nhất trong vòng 100 năm. Nặng nhất là Đức và Bỉ. Bắc Rhine-Westphalia và Rhineland-Palatinate là những bang chịu tàn phá nghiêm trọng nhất ở Đức trong trận lũ vừa qua. Cho đến ngày 18/7, người dân địa phương mới dần trở về nhà và kinh hãi chứng kiến cảnh tượng hủy diệt mà dòng nước để lại.

Xe quân sự Đức đến Altenahr hỗ trợ khẩn cấp người dân vùng lũ.

Xe tăng xuất hiện trên đường phố như trong thời chiến

Chính phủ Đức ghi nhận ít nhất 133 người thiệt mạng trong đợt lũ lịch sử này. Lực lượng cứu hộ nhận định vẫn còn nhiều thi thể chưa được tìm thấy trong những căn hầm ngập nước và nhà cửa bị cuốn sập. “Chúng tôi buộc phải dự đoán sẽ tìm thấy thêm nhiều nạn nhân mới”, Carolion Weitzel, Thị trưởng Erftstadt, nơi vừa xảy ra lở đất vì lũ quét, cho biết.

Rogert Lewentz, Bộ trưởng Nội vụ bang Rhineland-Palatinate, xác nhận ít nhất 60 cư dân địa phương còn mất tích, hơn 600 người bị thương. Quận Ahrweiler là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 90 ca tử vong, trong đó có 12 thành viên một trung tâm dành cho người khuyết tật.

Tại Bỉ, Chính phủ nước này cho biết ít nhất 24 người đã thiệt mạng và nhiều người còn đang mất tích. Thủ tướng Alexander de Croo gọi thiệt hại ở vùng châu thổ sông Meuse là “chưa từng có” và tuyên bố quốc tang vào ngày 20/7. Tờ Le Soir đưa tin, gần 2.000 người đã được sơ tán tại thị trấn Chaudfontaine, và đó là tình trạng “cả trăm năm mới có một lần”.

Trong khi đó, Luxembourg và Hà Lan cũng khốn đốn vì mưa to gió lớn. Mưa lớn nhấn chìm nhiều khu vực dưới nước, cô lập một số cộng đồng dân cư và buộc hàng chục nghìn người phải di tản.

Ở những vùng ngập lụt, người ta thấy quân đội đưa cả xe tăng tới nhằm dọn dẹp những núi đổ nát mà dòng nước lũ để lại trên đường. “Chưa bao giờ tôi thấy xe tăng, lần này thì thấy nhưng không phải là chiến tranh”, một người dân ở quận Heinsberg, cách Dusseldorf khoảng 65 km nói.

Chưa hết, trực thăng và binh sĩ đã được triển khai đến một số khu vực để cứu trợ người dân mắc kẹt trên mái nhà. Trường học buộc phải đóng cửa, giao thông gián đoạn.

Chính phủ các quốc gia Tây Âu cho biết, số nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ vẫn “chưa dừng lại ở những con số đã được kiểm đếm”, vì rằng trong những đống đổ nát rất có thể còn nhiều người bị chôn vùi.

Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz, bà Malu Dreyer, cho biết tình hình thảm hoạ tại bang này ngày càng diễn biến xấu hơn khi số nạn nhân xấu số liên tục tăng và dự kiến sẽ còn có thêm người thiệt mạng. Bà Dreyer nhấn mạnh, thảm họa kinh hoàng xảy ra tại bang Rheinland-Pfalz đã đe doạ sự tồn tại của con người khi những ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn, hệ thống giao thông cầu đường bị sạt lở hoặc bị cây đổ, đồ đạc trôi và rác phủ kín khắp nơi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng phải mất vài ngày nữa mới xác định được mức độ thiệt hại của đợt mưa lũ này, trong khi dự báo của Cơ quan khí tượng Đức, mưa lớn tiếp tục có nguy cơ làm nước tràn bờ tại 2 con sông Rhein và Mosel ở phía Tây nước này, đồng thời đe dọa gây ngập lụt trên diện rộng trong những ngày tới.

Một khu phố ở Verviers (Bỉ) sau trận lũ. Ảnh: AP.

Đi tìm nguyên nhân

Vì sao Tây Âu lại chịu đợt lũ lụt kinh hoàng như vậy, trong khi đây vẫn được coi là vùng đất bình yên? Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Tờ Guardian (Anh) cho biết sau đợt nắng nóng với nhiệt độ lên tới 49 độ C tại Mỹ và Canada vào tháng 6, lũ lụt gây nhiều thiệt hại tại Tây Âu trong tháng 7 này đã dấy lên lo ngại rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra cực đoan hơn so với dự đoán. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng khí thải do con người tạo ra sẽ dẫn đến lũ lụt, hạn hán, bão và nắng nóng.

Kênh DW (Đức) cho biết trong vài tuần qua nước này đã ghi nhận tình trạng nhiệt độ cao và khô hạn, sau đó là mưa dữ dội trong 2 ngày 14 và 15/7 đã dẫn đến lũ lụt. Trong khi đó, mưa vẫn có thể còn tút xuống cho tới cuối tháng. Cơ quan Khí tượng quốc gia Đức cho biết, lượng mưa ghi nhận được trong 24 giờ tại những vùng chịu ảnh hưởng nhất của nước này tương đương với lượng mưa trung bình 2 tháng ở khu vực.

Đáng ngại khi giới chuyên gia cho rằng thời tiết cực đoan có thể xuất hiện với tần suất nhiều hơn trong tương lai và có nguy cơ nghiêm trọng hơn. Quan chức phụ trách môi trường tại bang North Rhine-Westphalia (Đức), ông Bernd Mehlig nói: “Thông thường chúng ta chỉ thấy thời tiết như vậy vào mùa Đông. Điều này hoàn toàn bất thường trong mùa Hè”.

Còn nhà khí tượng học Johannes Quaas tại Đại học Leipzig ở Tây Đức phân tích: “Biến đổi khí hậu đang thay đổi định nghĩa về thời tiết thông thường. Chúng ta đang dần tiếp cận tình trạng bình thường kiểu mới với hình thức mưa khác biệt”.

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ tăng 1 độ C đồng thời tăng lượng ẩm không khí lưu giữ thêm 7%. Do vậy, nhiệt độ toàn cầu tăng cũng khiến nước bốc hơi nhanh hơn trên đất và biển nguy cơ kèm theo bão cường độ mạnh hơn. Ông Friederike Otto tại Viện Biến đổi môi trường Đại học Oxford (Anh) cho biết, tháng 6 vừa qua một nhóm nhà khoa học tại Anh thực hiện nghiên cứu và nhận thấy nhiệt độ tăng toàn cầu có khả năng gây mưa lớn khắp châu Âu. Mưa lớn nhiều hơn 20% so với thế kỷ 20 và hơn 10% so với 4 thập niên trước đây.

“Nếu chúng ta tiếp thục thải CO2, sẽ tiếp tục có mưa lớn”, ông Otto cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Âu trong cơn 'đại hồng thủy’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO