Tây Nguyên hai mùa mưa nắng...

Trường Giang 17/01/2021 08:00

Cơn mưa rừng đến vội vã khiến ai cũng bất ngờ. Tây Nguyên xưa nay vẫn thế, rõ rệt hai mùa mưa nắng.

Mùa mưa Tây Nguyên. Ảnh minh họa.

Anh Minh còn nhớ không?

Năm 2010, anh em mình vào công tác tại Đắk Lắk, sau cả ngày lặn lội, chiều muộn, khi núi rừng Tây Nguyên ngả màu, thật may nhận được lời mời của anh bạn người địa phương. Tôi còn nhớ, mình cứ líu ríu đi theo cái món cá lăng nướng với vò rượu cần anh chủ nhà bảo đã chuẩn bị sẵn từ chiều…

Đêm ấy, trong không gian khoáng đạt của núi rừng Tây Nguyên, bếp lửa bập bùng, những miếng cá nướng xèo xèo tỏa một mùi thơm quyến rũ đến tê người. Rượu mềm môi, anh hỏi: - Các chú biết cá lăng ở đâu ngon nhất không? Rồi cũng chẳng đợi ai trả lời, anh nói luôn, phải là cá bắt ở dòng Sêrêpôk thịt mới rắn chắc, vị mới ngọt thơm, đậm đà và béo ngậy như này. Loài này lạ lắm, chỉ thích sống ở các khúc sông cuộn sóng, nước chảy xiết và lắm thác ghềnh.

Hôm mình về Hà Nội, anh cứ với theo dặn, cá ở Sêrêpôk còn nhiều lắm, các chú vào Tây Nguyên thì lên đây với anh!

Chẳng biết có phải vì món cá lăng của dòng Sêrêpôk vẫn vẹn nguyên trong dư vị hay vì trót yêu mảnh đất bazan này, nên tôi lại xách ba lô đi. Tháng mười một, dã quỳ như dát vàng bên những triền đồi Tây Nguyên. Từ Lâm Đồng qua những con đèo đến Gia Lai, ngược lên Kon Tum và vào đến Biển Hồ… đâu cũng thấy một màu vàng tươi trong nắng.

Cơn mưa rừng đến vội vã khiến ai cũng bất ngờ. Tây Nguyên xưa nay vẫn thế, rõ rệt hai mùa mưa nắng. Mùa nắng kéo dài tới nửa năm làm ruộng nương bạc phếch, hoang hoải. Mùa mưa nước lại dồn dập không ngớt. Có trận mưa kéo đến cả tuần trời không dứt. Thế nhưng, mưa nắng cũng phóng khoáng như tình người đất đỏ. Bởi ngay sau cơn mưa, trời trong vắt, xanh đến nao lòng.

Nông thôn mới đã mang sức sống mới về trên buôn làng.

Những cung đường trải nhựa thênh thang khiến mùa mưa nơi đây không còn là nỗi ám ảnh. Đưng K’Nơh - vùng đất được ví như ốc đảo, cũng là xã vùng 3 khó khăn nhất của Lâm Đồng giờ đã lùi vào dĩ vãng từ khi có cung đường Trường Sơn Ðông vắt qua. Buôn làng đã đổi thay, gần hơn với phố, với ấm no, đủ đầy. Những trục đường bê tông hóa đã chấm dứt cảnh mưa lầy nắng bụi…

Cả buôn Cư Dluê, buôn Nui hay buôn Adrơng…bây giờ đều mang diện mạo khác anh ạ. Nhà nào cũng tường rào xây gọn gàng. Mọi ngả đường đều trải bê tông thẳng tắp. Không hiếm nhà hai tầng, càng không hiếm xe máy, ôtô. Đời sống của bà con đổi thay rất nhiều từ làn gió mát lành nông thôn mới. Cái đói không còn quẩn chân khi bà con biết đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng với những nương rãy cà phê, tiêu, điều… bạt ngàn đầy hứa hẹn.

Nhưng, đi giữa những con đường bê tông thênh thang, trong mùi khói xe và bụi đường, tôi bỗng thấy bâng khuâng. Chợt nhớ tiếng đàn t’rưng của A Pung, tiếng đàn mà nghe như tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa…

Đồng bào Xơ Đăng nơi đây thường sử dụng đàn t’rưng để đuổi chim, chuột trên rẫy mỗi khi mùa lúa chín hay bởi âm thanh của khỏe khoắn, vui tươi. Bây giờ thì t’rưng không còn đặt ở rẫy và cũng không còn được dân làng dùng nhiều nữa. Tôi cố kiếm tìm, nhưng tiếng t’rưng cứ văng vẳng, xa xôi…

Đêm Đại ngàn, những miếng cá nướng xèo xèo trên bếp lửa nhà A Pung vẫn thơm hương vị núi rừng, nhưng anh bảo, cá không còn ngọt và rắn chắc như ngày xưa. Dòng Sêrêpôk không chịu chảy xuôi theo lẽ tự nhiên giờ cũng dần cạn đi những loài cá đặc sản.

“Người ta chặn dòng làm thuỷ điện, nước về ít, cá cũng ít đi. Nhiều người từ nơi khác về đây sinh sống không thương dòng Sêrêpôk, họ dùng đủ ngón nghề và đánh bắt với lưới dày, chích điện, thậm chí cả mìn tự chế khiến dòng sông cũng rùng mình, run sợ”, A Pung kể cho tôi nghe, miếng cá lăng quên không lật, cháy sém, đắng ngắt trên môi.

Tây Nguyên đêm nay dài quá anh Minh ạ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên hai mùa mưa nắng...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO