Techcombank: Lãi trước thuế tăng trưởng 2 con số trong 9 tháng đầu năm

PV 26/10/2022 18:51

Trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh tính đến hiện nay (20/10), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) đang dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế và tỷ lệ CASA.

Nguồn: VietstockFinance, Đvt: Tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và GDP tăng trưởng tốt, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Techcombank tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, thu được 20,8 nghìn tỷ đồng, thực hiện được 77% kế hoạch đề ra cho cả năm.

Tổng thu nhập hoạt động tăng lên mức 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp chính từ thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh.

Cụ thể, thu nhập từ lãi đạt 23,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) ở mức 5,4%. Biên lãi thuần giảm do chi phí vốn tăng 58 điểm phần trăm so với quý trước đó, lên mức 2.9%.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 7 nghìn tỷ đồng.

Nhờ việc tập trung vào các chương trình hợp tác với đối tác nhằm thúc đẩy chi tiêu của chủ thẻ và các chương trình khuyến mại đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh về doanh thu phí. Thu phí từ dịch vụ thẻ (đạt 1.398,8 tỷ đồng, tăng 69,5%).

Thu phí từ dịch vụ bảo hiểm cũng tăng 50% so với cùng kỳ, đạt trên 1.066 tỷ đồng. Vào tháng 8, Techcombank đã ra mắt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới "Legacy’ do Techcombank, Techcom Capital, Manulife và Manulife Investment cung cấp. Đây là lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam, một ngân hàng tham gia đồng kiến tạo một sản phẩm bảo hiểm thông qua việc quản lý quỹ liên kết đầu tư cùng với doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mang đến cho khách hàng sự kết hợp toàn diện giữa quyền lợi bảo vệ và đầu tư. Cùng với sản phẩm mới này, Ngân hàng cũng triển khai chiến dịch truyền thông ‘Partner For Life’, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Với sự đón nhận nhiệt tình từ khách hàng cho sản phẩm mới này, ngân hàng đã ghi nhận mức phí bảo hiểm quy năm (APE) tăng mạnh 104% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm, TCB cũng tăng cường số hóa và các giải pháp đem lại giá trị gia tăng của Khối Ngân hàng Giao dịch Toàn cầu (GTS) và Khối Khách hàng Doanh nghiệp (BB). Kết quả là thu từ thư tín dụng (LC) của Ngân hàng đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi, tiền mặt và các khoản thanh toán đạt 411,9 tỷ đồng, tăng 130%.

Chi phí hoạt động tăng gần 21% so với cùng kỳ, đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức xấp xỉ 30% nhờ tiếp tục đầu tư vào số hóa, dữ liệu và nhân tài.

Nâng cao chất lượng tài sản, ổn định chất lượng tín dụng

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Techcombank đạt 671,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng.

Nhu cầu tín dụng được ghi nhận ở tất cả các lĩnh vực, theo đó Techcombank tiến hành giải ngân phù hợp với hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp.

Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, đạt 222 nghìn tỷ đồng, chiếm 49% danh mục tín dụng của Ngân hàng.

Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng gần 23% so với cuối quý 3 năm 2021, đạt 70,7 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5%, đạt 161 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 36% dư nợ tín dụng. Tỷ trọng này giảm đáng kể so với mức 48,5% tại quý 3/2021 và mức 38% của quý 2/2022.

Về nguồn vốn, tổng tiền gửi tại cuối tháng 9/2022 đạt gần 319 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn gần 171 nghìn tỷ đồng và số dư CASA đạt 148 nghìn tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ CASA giảm nhẹ xuống 46,5% so với mức 47,5% cuối quý 2/2022 phản ánh bối cảnh thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khi Ngân hàng Nhà nước và chính phủ thực hiện một loạt biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá từ đầu năm đến nay.

Trong quý 3 năm 2022, mặc dù biên lãi thuần giảm nhưng Techcombank vẫn giữ vững lợi thế cạnh tranh tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao và khả năng sinh lời vượt trội từ phí.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cao, tiếp tục ở vị thế đầu ngành, đạt 3,6%. Tỷ lệ an toàn (CAR) theo Basel II đạt 15,7%.

Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/9/2022 ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh 165%, phản ánh chất lượng tín dụng ổn định của Ngân hàng.

Techcombank được Moody’s nâng hạng tín nhiệm lên Ba2

Ngày 7/9/2022, Techcombank được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investor Service (“Moody’s”) nâng hạng đối với Xếp hạng tín nhiệm và Đánh giá tín dụng cơ bản (BCA). Cụ thể, Moody’s đã nâng Xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn của Techcombank’s từ Ba2 lên Ba1 và xếp hạng tiền gửi dài hạn từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng “Ổn định”. Moody's cũng nâng hạng đối với Đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của Ngân hàng từ mức ba3 lên ba2.

Techcombank hiện cũng là Ngân hàng duy nhất tại Việt Nam có BCA đạt mức ba2. Theo phân tích của Moody’s, Techcombank hiện tại là ngân hàng có mức độ uy tín cao nhất trong số các Ngân hàng tại Việt Nam, với các điểm mạnh nổi bật về vốn và khả năng sinh lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Techcombank: Lãi trước thuế tăng trưởng 2 con số trong 9 tháng đầu năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO