‘Tết này tôi sẽ có nhà mới’

Dạ Yến - Hữu Chính 07/12/2020 17:13

Đó là niềm vui được bà Phan Thị Hoà ở xóm 1, thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình chia sẻ khi nhận hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết từ ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vào chiều ngày 7/12.

Cùng đi với đoàn có ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Bình.

Đã 2 tháng trôi qua sau trận “đại hồng thủy” xảy ra trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

Cơn lũ lịch sử đi qua để lại nỗi đau xé lòng của những gia đình mất đi người thân; cảnh tượng tan hoang với những ngôi nhà đổ nát, những hàng cây trơ trọi, vương vãi đủ thứ rác và bùn khô… có lẽ sẽ còn ám ảnh trong ký ức của nhiều người.

Sau bão lũ, nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, kiệt quệ. Khó khăn lại càng khó khăn hơn như gia đình bà Phan Thị Hoà khi vừa là hộ nghèo, có căn nhà lại bị sập hoàn toàn trong bão lũ.

Nhưng với sự sẻ chia kịp thời của bà con làng xóm và chính quyền địa phương, sự chung tay đồng lòng của các nhà hảo tâm thông qua Mặt trận, gia đình bà Hoà đã bắt đầu tái thiết lại cuộc sống bằng việc đào móng, xây một căn nhà vượt lũ.

“Tết này, tôi sẽ có nhà mới. Cảm ơn bà con, cảm ơn Mặt trận và người dân cả nước đã giúp gia đình tôi trong lúc khó khăn”, bà Hoà xúc động chia sẻ.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và các đại biểu.

Lộc Thủy cũng như nhiều xã của huyện Lệ Thuỷ đã trải qua đợt lũ lịch sử chưa từng có trong vài chục năm trở lại đây. Nói như lãnh đạo xã thì đây là trận lũ khác biệt hoàn toàn, khác với dự báo và khác với quy luật hàng năm.

Nếu Lệ Thuỷ được xem là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình thì chỉ tính riêng trong trận lũ lụt tháng 10 vừa qua ở xã Lộc Thủy nhà nào cũng ngập. Thống kê thiệt hại ước tính 91 tỷ đồng.

Các xã khác như An Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy, Sơn Thủy, Hồng Thủy, Thanh Thủy, thị trấn Kiến Giang… đều bị ngập sâu từ 1,5 đến hơn 3 m.

Theo bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, trận lũ vừa qua đã xô đổ mọi kỷ lục về lũ lụt ở Quảng Bình. 29 người chết; 195 người bị thương.

Trong đó, số nhà ở bị thiệt hại hoàn toàn là 101 căn nhà; 123 căn nhà bị thiệt hại rất nặng (từ 50-70%); 226 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng nặng; hơn 1 triệu con gia súc, gia cầm bị chết; hơn 9 nghìn ha hoa màu bị thiệt hại… và nhiều cơ sở y tế, trường học, nhà văn hóa, công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 1.800 tỷ đồng.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao tiền hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết trị giá 40 triệu đồng cho hộ gia đình bà Phan Thị Hòa bị sập hoàn toàn do lũ.

Gần 2 tháng qua, không chỉ riêng Quảng Bình mà người dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng đều phải trải qua giai đoạn khó khăn chồng chất khi liên tiếp phải hứng chịu những cơn bão liên tiếp. Bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ đã gây ra những thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân.

249 người tử vong, hơn 30 người mất tích, 516 người bị thương cùng hơn 2.000 ngôi nhà sập hoàn toàn, khoảng 10.500 nhà bị hư hỏng nặng từ 50 đến 70%. Đó là những con số vô cùng đau xót.

Trước những mất mát đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã kêu gọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” chung tay hỗ trợ người dân miền Trung và Tây Nguyên có thêm nguồn lực để tái thiết lại cuộc sống.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao số tiền 5 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả lũ lụt.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao tiền hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết trị giá 40 triệu đồng cho các hộ gia đình bị sập hoàn toàn do lũ.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Chính phủ cũng đã cứu trợ 2 đợt và khoảng 15 ngàn tấn gạo cho các tỉnh miền Trung. Ngoài ra các ngành ở Trung ương, các địa phương, các nhà hảo tâm đã trực tiếp tới các tỉnh bị thiệt hại để cứu trợ, giúp đỡ người dân.

Cũng trong những ngày qua đã có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương để cùng sẻ chia, hỗ trợ nhân dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Chia sẻ với bà con xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, đến nay, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền và hiện vật quy ra tiền được trên 350 tỷ đồng.

Trong đó, Mặt trận đã phân bổ hơn 325 tỷ đồng gồm tiền và hiện vật đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị thiệt hại do bão, lũ.

Đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Bình đã gồng mình chống thiên tai với nhiều biện pháp sáng tạo nhưng nhìn về giai đoạn tái thiết phía trước, người đứng đầu MTTQ Việt Nam bày tỏ trăn trở về một quy hoạch dài hơi và thiết thực hơn nữa trong công tác ứng phó với thiên tai, nhất là với cộng đồng ở những khu vực thường xuyên bị bão lũ.

Đặc biệt, cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương, địa phương cần huy động thêm nhiều nguồn lực và sự chung tay của các nhà hảo tâm giúp bà con có căn nhà kiên cố, vững vàng để ứng phó với sự biến đổi của khí hậu, sự tàn phá của bão lũ.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hiện nay, có nhiều vấn đề cần phải được giải quyết, nhất là khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Trong đó công tác hỗ trợ phải xác định rõ những việc nào cần làm ngay như tập trung ổn định đời sống của người dân, khôi phục sản xuất và sửa chữa nhà cửa.

“Tiền hỗ trợ bão lũ phải được chi đúng mục đích theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Không dùng tiền hỗ trợ bão lũ để chi sang những việc khác”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, nếu trong bão lũ, đội ngũ cán bộ ở Quảng Bình, nhất là những cán bộ Mặt trận vừa lo chống lũ vừa lo cứu nạn, cứu trợ giúp bà con thì sau bão càng cần nâng cao vai trò của mình, phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền tiếp tục đi đến từng hộ dân để tìm hiểu những hộ bị thiệt hại chưa có tiền xây sửa nhà.

Trên cơ sở đó, lên kế hoạch giúp bà con sửa sang nhà cửa; đồng thời tạo sinh kế để người dân có nguồn lực tái thiết lại cuộc sống, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo chăm lo cho người dân, nhất là người nghèo, các hộ gia đình chính sách một cái Tết đầm ấm.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm gia đình Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu IV hy sinh trên đường đi cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở tại công trường thủy điện Rào Trăng 3.

Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã trao hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho 3 hộ gia đình có nhà bị hư hỏng nặng tại xã Lộc Thuỷ; trao 100 suất quà cho bà con bị thiệt hại do bão lũ trên địa bàn xã Lộc Thuỷ từ Nguồn cứu trợ Trung ương.

Cùng ngày, Đoàn công tác đã tới thăm và dâng hương Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy; đến thăm và chia sẻ với gia đình có liệt sĩ là người Quảng Bình đã hy sinh trong khi tham gia cứu nạn tại khu vực Thuỷ điện Rào Trăng 3.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà bà con nhân dân xã Lộc Thủy.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn dâng hương, viết lưu niệm tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Lộc Thủy).
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Tết này tôi sẽ có nhà mới’