Tết Nguyên đán: Bữa tiệc đa văn hóa ở Singapore

Mai Nguyễn (Theo The New York Times) 02/02/2022 14:00

Sự đa dạng trong nền văn hóa nghìn đời của đảo quốc sư tử được tôn vinh rực rỡ nhất qua những mùa lễ hội trong năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Bức ảnh của Shila Das và Wendy Chua, hai người bạn thân đến từ hai quốc gia khác nhau. Ảnh: NY Times.

Trong khoảng hai thập kỷ, Shila Das luôn mang món cà ri gà và ‘nasi biryani’ (một món cơm trộn Ấn Độ) của mình cho người bạn thân nhất, Wendy Chua, để cùng nhau ăn mừng Tết Nguyên đán ở quê hương Singapore.

Những người phụ nữ 51 tuổi này đã bắt đầu cùng nhau chào đón Tết Nguyên đán từ khi mới chỉ là các cô gái trẻ, cùng xem các đoàn múa lân biểu diễn tại nhà ông bà của Chua. Gần ba thập kỷ trước, gia đình gốc Hoa của Chua đã tin tưởng giao cho cô Das, một người con lai Ấn Độ và Việt Nam, chuẩn bị lễ đón năm mới ‘lo hei’ của gia đình – một truyền thống ở Singapore gắn liền với món ‘yu sheng’, một trong những món ăn năm mới phổ biến nhất tại quốc gia này. ‘Lo hei’ có nghĩa là vận may trong tiếng Quảng Đông.

“Chỉ tưởng tượng thôi, trong ngôi nhà Trung Quốc này, năm nào cũng xuất hiện một cô gái Ấn Độ đứng trên chiếc ghế đẩu và nấu những món ăn mang lại may mắn cho năm mới”, cô Das vui vẻ. “Thức ăn của chúng tôi là các món Trung Quốc, Malaysia, Peranakan, Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Chúng tôi là một đại gia đình văn hóa lớn”.

‘Nasi biryani’ – một món cơm trộn Ấn Độ. Ảnh: NY Times.

Nền văn hóa cộng hưởng

Dịp Tết Nguyên đán năm nay rơi vào ngày 1/2/ và được tổ chức chủ yếu ở Singapore bởi các thành viên trong cộng đồng người gốc Hoa, những cư dân chiếm 3/4 dân số quốc đảo sư tử. Họ bao gồm người Phúc Kiến, Quảng Đông và Triều Châu đến từ đông nam Trung Quốc; người Hải Nam từ tỉnh đảo Hải Nam; người Hách Gia – một nhóm di cư tản ra khắp Trung Quốc; và người Peranakan, hậu duệ của người Trung Quốc từ thế kỷ 15 đến 17 nhập cư ở vùng Nam Dương. Mỗi nhóm dân tộc đều có truyền thống riêng, nhưng sau nhiều năm chung sống với nhau cùng với các dân tộc khác như người Malaysia và người Ấn Độ, họ đã cùng nhau tạo nên một nền ẩm thực phong phú và đầy màu sắc trên quốc đảo Singapore.

Không khí Tết Nguyên đán ở Singapore. Ảnh: NY Times.

Singapore là một thành phố cảng, nơi rất nhiều cư dân từ các nền văn hóa khác nhau đã du nhập vào và cùng chung sống trong nhiều thế kỷ, chính vè thế Tết Nguyên đán đã trở thành một ngày lễ đa văn hóa tại đây. Christopher Tan, 49 tuổi, một nhà văn chuyên viết sách nấu ăn về các loại bánh ngọt truyền thống Đông Nam Á cho biết, vào dịp lễ, anh thường sẽ làm ‘nian gao’ – một loại bánh nếp được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng ở Trung Quốc.

Các món tráng miệng cho ngày Tết thường được làm từ gạo trồng trong vùng. Bên cạnh đó, xuôi theo dòng lịch sử, những cuộc định cư và quá trình thực dân hóa của người Anh đã mang bột mì và bơ đến Singapore, những thứ hiện nay cũng được sử dụng khá phổ biến song song với lúa gạo.

Christopher Tan, 49 tuổi, một nhà văn chuyên viết sách nấu ăn về các loại bánh ngọt truyền thống Đông Nam Á. Ảnh: The NY Times.

Những nét đẹp truyền đời

Khi đầu bếp Shermay Lee đến thăm người dì của cô vào dịp Tết Nguyên đán, cô đã được chào đón ấm áp bằng một đĩa bánh ngọt tự làm: loại bánh quy thon dài, bánh tart dứa ngọt ngào và bánh quy mỏng bằng giấy cuộn thành điếu xì gà tinh tế. Những công thức nấu ăn gia đình đó được truyền lại từ bà của cô Lee, bà Chua Jim Neo, một người nổi tiếng về ẩm thực Peranakan và mẹ của ông Lý Quang Diệu, người cha sáng lập và là thủ tướng đầu tiên của Singapore.

‘Nian gao’ – một loại bánh nếp được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng ở Trung Quốc. Ảnh: NY Times.

Shermay Lee nhớ lại rằng, bà của cô thường phục vụ bữa tối trong dịp Tết Nguyên đán trên những món đồ sứ sơn mài màu đỏ và vàng được dùng cho lễ hội cùng với nĩa và dao thay vì đũa như thường ngày – một cách bày trí bàn ăn đặc trưng của người Peranakan. Cô Lee, người đã viết lại và gìn giữ cuốn sách dạy nấu ăn của bà nhấn mạnh: “Đó là một phần lịch sử thuộc địa của Singapore”.

Bữa tiệc Tết kéo dài 15 ngày mà Sharon Wee, một tác giả sách dạy nấu ăn người Peranakan ở thành phố New York đã từng được ăn lúc lớn luôn phải mất hàng tuần để chuẩn bị. Trước đêm giao thừa, cô thường sẽ xem mẹ mình nêm những sợi mì vàng tươi với ‘sambal belacan’ – một loại nước sốt cay nồng và món cà ri được trộn từ các loại gia vị truyền thống của Ấn Độ.

Món mì chiên vàng với tôm cùng sốt ‘sambal belacan’ – một loại nước sốt cay nồng. Ảnh: NY Times.

Đối với nhiều người Singapore ngày nay, việc phải nấu ăn trong hai tuần liên tiếp luôn là một công việc quá sức. Ngày càng nhiều các gia đình hiện đại tụ họp tại một nhà hàng khách sạn cho một bữa tiệc duy nhất, hoặc chuẩn bị các phiên bản đơn giản hơn của các món ăn truyền thống cầu kỳ.

Darren Ho, 32 tuổi, một đầu bếp kiêm huấn luyện viên múa bụng ở Singapore, cho biết: “Tôi nghĩ việc nấu các món rau trong dịp Tết Nguyên đán sẽ dễ dàng hơn”. Trong khi thịt luôn là một lựa chọn phổ biến trong các món ăn dịp lễ, bữa ăn đi kèm của anh lại là ‘chap chye’ – một món bắp cải kho có vị cay nồng của tương đậu nành. “Đôi khi chúng ta sẽ hơi lười biếng một chút và đây chính là cách khắc phục nhanh chóng và dễ dàng nhất”, anh cười lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết Nguyên đán: Bữa tiệc đa văn hóa ở Singapore

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO