Thắc thỏm mùa Rươi

Việt Cường 19/11/2016 09:05

“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm (âm lịch)” là câu nói về thời điểm rươi nổi, lịch để khai thác con rươi đạt năng suất cao nhất. Nhưng năm nay, bà con nông dân các vùng rươi nổi tiếng một thời về sản lượng và chất lượng rươi ở Hải Dương như Từ Kỳ, Thanh Hà đang lo lắng bởi rươi nổi rất ít. Nhiều người không khỏi thắc thỏm lo mất vụ rươi.

Năm nay các hộ thu hoạch được ít hơn nhiều so với mọi năm.

Sản lượng sụt giảm

Chúng tôi về vùng rươi An Định, nằm ngoài bãi ven sông Thái Bình thuộc (An Thanh, Tứ Kỳ) để xem người dân khai thác rươi. Cả một vùng bãi rộng 80 – 90 mẫu được những hộ dân ở đây khoanh vùng, đắp bờ; trên trồng chuối, dưới là ruộng để khai thác rươi. Tâm trạng của nhiều người dân không được phấn khởi như mọi năm. Vì từ đầu vụ rươi đến giờ, họ mới khai thác thu hoạch được khá ít.

Hộ anh Phan Văn Thắng có gần 6 mẫu đất bãi, trong đó có 5 mẫu để khai thác rươi, hằng năm, trừ chi phí anh thu lãi từ 500 – 600 triệu đồng. Nhưng năm nay, đến thời điểm này anh mới thu được không đáng kể. Anh Thắng cho biết: “Riêng năm ngoái được mùa, 1 sào đã cho thu hoạch khoảng 45kg đến 50kg rươi. Nhưng năm nay, đã 2 con nước rồi nhưng gia đình mới thu hoạch được hơn 1 tạ rươi”.

Việc các hộ thu hoạch rươi được ít cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những người thu mua. Chị Đoàn Thị Tâm, người chuyên đi thu mua rươi cho biết: “Những năm trước, trung bình mỗi năm tôi thu mua được từ 2 đến 3 tấn rươi nhưng năm nay lượng rươi ít hơn mọi năm nên từ đầu mùa đến nay, tôi mới chỉ mua được khoảng 5 tạ.

Ông Phạm Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: Xã An Thanh có hơn 80ha đất cho khai thác rươi, tập trung ở 2 bãi ngoài đê An Định (thôn An Định), An Lao (thôn An Lao). Hàng năm, diện tích đất này luôn cho thu hoạch trên 30 tấn rươi, doanh thu khoảng 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, vụ rươi năm nay dù đã khai thác qua 2 lần khai thác (2 con nước) nhưng sản lượng sụt giảm mạnh.

Tứ Kỳ là huyện có diện tích khai thác rươi lớn nhất tỉnh với diện tích 145,3 ha. Ông Nguyễn Đình Tính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết: “Mọi năm, mỗi sào đất cho thu hoạch khoảng từ 15 đến 17kg rươi, nơi cao đạt từ 40 – 50 kg. Trung bình mỗi năm, các vùng rươi của Tứ Kỳ cho thu hoạch khoảng 43 đến 45 tấn. Tuy nhiên, năm nay vào thời điểm đúng vụ nhưng lượng rươi nổi rất ít”.

Ở Hải Dương còn có huyện Thanh Hà, cũng là địa phương có diện tích đất có rươi nhiều đứng thứ hai sau huyện Tứ Kỳ; tập trung ở các xã Vĩnh Lập, Thanh Xuân, Thanh Hồng. 3 xã này hiện có hơn 50 ha, trong đó xã Vĩnh Lập có 40 ha. Qua tìm hiểu ở các vùng khai thác rươi này được biết, người dân thu hoạch cũng được rất ít.

Cần giải pháp bền vững

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện trạng năng suất, sản lượng sụt giảm, ông Phạm Xuân Nhuận, Chủ tịch xã An Thanh cho rằng: Có thể là do thời tiết nắng nóng kéo dài hơn và con nước cũng kém hơn so với mọi năm. Cùng với đó, do bà con khai thác quá nhiều rươi ở vụ chiêm (khoảng từ tháng 1 đến tháng 5) nên vụ mùa này lượng rươi giảm sút và rươi nổi muộn và ít hơn so với hàng năm.

Còn ông Nguyễn Đình Tính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết: Qua nhận xét chủ quan cho thấy có 2 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sản lượng rươi sụt giảm. Đó là sự ô nhiễm nguồn nước sông. Nếu như cách đây khoảng 3 đến 4 năm, lượng thủy sinh vật ở các cửa sông của Hải Dương có vào khoảng 200 loài thì nay chỉ còn có 28 loài.

Theo ông Ngô Đức Vính, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, ngoài những nguyên nhân do môi trường, thời tiết, nguồn nước ô nhiễm độc hại, theo chúng tôi đánh giá có thể còn do tình trạng xâm nhập mặn diễn ra nhanh dẫn đến nguồn nước bị mặn quá đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con rươi nên sản lượng sụt giảm .

Vụ rươi năm nay có thể sụt giảm, mất mùa nhưng các địa phương vẫn xác định con rươi vẫn là nguồn lợi lớn cho phát triển kinh tế. Vì vậy các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà đều có kế hoạch, hướng đi để phát triển, khai thác nguồn lợi thủy đặc sản bền vững.

Riêng huyện Tứ Kỳ đã lập dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phát triển và khai thác nguồn lợi thuỷ đặc sản con rươi, cáy ở xã An Thanh. Hiện đơn vị tư vấn đã đi khảo sát, vẽ quy hoạch và lập dự án trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt với mức kinh phí đầu tư cho dự án khoảng 25 tỷ đồng.

Còn huyện Thanh Hà cũng đã có kế hoạch phát triển vùng khai thác rươi, cáy với tổng diện tích khoảng 70 ha. UBND huyện khuyến khích người dân chuyển đổi những vùng bãi, ngoài đê ven sông để tận dụng được thủy triều để người dân phát triển con rươi, cáy. Huyện có cơ chế hỗ trợ phát triển hệ thống thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc bảo tồn, khai thác rươi đạt năng suất cao hơn.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền ở Hải Dương, hi vọng sẽ giúp cho người nông dân phát triển, khai thác con rươi được hiệu quả, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thắc thỏm mùa Rươi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO