Thái Lan vào mùa tranh cử

Thanh Đức 18/04/2023 06:56

Tổng Thư ký Đảng Quốc gia Thái thống nhất Akanat Promphan cho biết đảng này khởi động một chiến dịch vận động tranh cử theo hình thức “caravan” trên khắp đất nước ngay sau dịp Tết cổ truyền Songkran kết thúc vào ngày 16/4. Đây chính là giai đoạn quan trọng nhất khi mà cuộc Tổng tuyển cử đã đến gần, diễn ra vào ngày 14/5 tới.

Đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha. Nguồn: AP news.

Đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, với tư cách là ứng cử viên Thủ tướng sẽ trực tiếp tham gia diễn thuyết tại thủ đô Bangkok và 10 địa phương khác trên nước Thái. Phó Chủ tịch Đảng Quốc gia Thái thống nhất Thanakorn Wangboonkongchana cho biết mức độ ủng hộ của cử tri đối với cá nhân Thủ tướng Prayuth và đảng của ông đang gia tăng mạnh thời gian gần đây.

Thủ tướng Prayuth: “Đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục”

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 15/4 tới, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã triển khai hơn 90.000 cảnh sát tại các khu vực bầu cử. Lực lượng này cũng sẽ vận hành một trung tâm an toàn bầu cử hoạt động từ ngày 20/4 đến ngày 17/5. Nội các Thái Lan cũng đã thông qua khoản ngân sách khoảng 175 triệu USD để tổ chức cuộc tổng tuyển cử, khoản chi cho bầu cử lớn nhất từ trước đến nay ở đất nước này.

Sau cuộc bầu cử ngày 14/5, các thành viên Hạ viện mới trúng cử sẽ cùng các Thượng nghị sỹ bầu ra Thủ tướng Chính phủ mới từ danh sách các ứng cử viên mà các đảng đề cử. Thủ tướng mới sẽ cần nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376 đại biểu, tức hơn 50% số thành viên của hai viện Quốc hội Thái Lan.

Trước đó, ngày 20/3, nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã phê duyệt sắc lệnh giải tán Hạ viện, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử. Theo Hiến pháp Thái Lan, tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong vòng từ 45 đến 60 ngày sau khi Hạ viện giải tán. Trong thời gian Hạ viện bị giải tán, chính phủ sẽ hoạt động với tư cách là chính phủ tạm quyền. Tuy nhiên, các thành viên của chính phủ tạm quyền không được phép sử dụng các nguồn lực và nhân sự của nhà nước vì lợi ích riêng, trong đó có việc vận động tranh cử.

Tranh cử tái Thủ tướng, ông Prayuth đưa ra khẩu hiệu: “Đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục”, với hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều cử tri với những lời hứa đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân và sự ổn định của đất nước, cũng như bảo vệ chế độ quân chủ. Ông Prayuth sinh năm 1954, là Đại tướng xuất ngũ. Tháng 10/2010, ông được bổ nhiệm làm tư lệnh Quân đội hoàng gia Thái Lan. Ngày 23/5/2014, ông nắm giữ vị trí Thủ tướng tạm thời và cho đến ngày 5/6/2019, ông đắc cử Thủ tướng Thái Lan; được Quốc hội thông qua ngày 21/8 cùng năm.

Ứng viên Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra. Nguồn: AP news.

Sức hút của bà Paetongtarn Shinawatra

Trong cuộc đua tới chức Thủ tướng Thái Lan lần này, cùng với đương kim Thủ tướng Prayuth, nổi bật là bà Paetongtarn Shinawatra - con gái út của tỷ phú, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Bà Paetongtarn sinh năm 1986 tại thủ đô Bangkok, đã từng theo học tại những trường hàng đầu ở Thái Lan và Anh.

Trả lời CNN, nhà khoa học chính trị Thái Lan Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn nhận định: “Bà Paetongtarn rất nổi bật và thường đi cùng cha mình. Bà ấy có bản chất chính trị của ông Thaksin và nhận được rất nhiều thứ vì là con gái út của cựu Thủ tướng. Nhiều người cho rằng dù ông Thaksin không còn giữ vai trò lớn nữa nhưng những ảnh hưởng của ông với đảng Pheu Thai và các nhà lãnh đạo của đảng này vẫn còn”.

Tuy nhiên, người cha, cựu Thủ tướng Thaksin đã không đồng tình với quan điểm này khi nói rằng “Paetongtarn đã lớn và có thể tự quyết định. Nhưng tôi tin rằng nếu Paetongtarn trở thành Thủ tướng thì sẽ làm tốt hơn tôi”.

Trong khi đó, ông Termak Chalermpalanupap - thành viên của Chương trình Nghiên cứu Thái Lan tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng việc có một người cha nổi tiếng cũng khiến bà Paetongtarn đối mặt không ít thách thức, cho dù ít nhắc đến cha mình trong những lần xuất hiện trước công chúng.

Theo tờ The Guardian, nếu giành chiến thắng trong đợt bầu cử sắp tới, bà Paetongtarn sẽ là thành viên thứ tư của gia đình Shinawatra trở thành Thủ tướng. Sau ông Thaksin, ông Somchai Wongsawat - em rể ông Thaksin, cũng từng giữ chức Thủ tướng một thời gian ngắn trong năm 2008. Ngoài ra, em gái ông Thaksin - bà Yingluck Shinawatra, giữ chức Thủ tướng từ năm 2011 đến năm 2014.

Mới đây, khi vận động tranh cử, bà Paetongtarn khẳng định với Blooomberg: “Chúng tôi sẽ mang lại nền dân chủ và sự thịnh vượng cho quốc gia”. Đồng thời, bà Paetongtarn cũng đưa ra cam kết tăng gấp đôi mức lương tối thiểu cho người lao động, mở rộng chăm sóc sức khỏe và cắt giảm giá vé giao thông công cộng. Theo chuyên gia Thitinan Pongsudhirak (Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan - NIDA) thì “thật ngạc nhiên khi thấy bà Paetongtarn thu hút được rất nhiều cử tri, nhất là nhóm cử tri trẻ tuổi”.

Tuy nhiên, theo bà Aim Sinpeng - Giảng viên cao cấp tại Đại học Sydney (Australia) thì “gia đình bà ấy nổi tiếng. Bà Paetongtarn có thể có được ưu thế này. Nhưng tôi không biết điều này có đủ để giúp bà ấy chiến thắng không”.

Ngày 17/4, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) thông báo, đã loại 9 ứng cử viên nghị sĩ trong danh sách đảng và 1 ứng cử viên Thủ tướng khỏi cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 tới, với lý do những người này không đủ tư cách tranh cử. Theo EC, tất cả 10 ứng cử viên bị loại có 1 tuần để nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Thái Lan. Trong một diễn biến liên quan, tới nay có hơn 2,1 triệu cử tri Thái Lan đủ điều kiện, bao gồm 111.069 người sống ở nước ngoài đã đăng ký bỏ phiếu trước vào ngày 7/5, một tuần trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra.

Tính tới ngày 14/4/2023, dân số Thái Lan là 70 triệu 160 nghìn người (số liệu từ Liên hợp quốc), chiếm 0,88% dân số thế giới. Thái Lan đang đứng thứ 20 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số của Thái Lan là 137 người/km2; 52,87% dân số sống ở thành thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Lan vào mùa tranh cử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO