Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng hiệu quả, đi vào nề nếp, giúp cơ quan Nhà nước thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Sáng ngày 23/6, ông Phạm Thái Hanh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên chủ trì Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (viết tắt là Nghị quyết liên tịch số 403).
Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.
Trong các hình thức giám sát theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh Thái Nguyên chủ yếu hình thức giám sát: tổ chức đoàn giám sát; giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Từ năm 2018-2022, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh đã chủ trì, tổ chức giám sát 1.289 chuyên đề bằng hình thức thành lập đoàn giám sát.
Trong đó, riêng cấp tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã chủ trì 16 cuộc giám sát chuyên đề, đã tiến hành khảo sát, giám sát trực tiếp tại 45 cơ quan, đơn vị. Giám sát gián tiếp thông qua báo cáo 106 cơ quan, đơn vị. Các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh chủ trì giám sát 35 chuyên đề, đã giám sát trực tiếp tại 128 cơ quan, đơn vị và giám sát gián tiếp thông qua báo cáo 99 cơ quan, đơn vị.
Trong 5 năm qua, các Ban thanh tra nhân dân của các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 2.470 cuộc giám sát, kiến nghị giải quyết 209 vụ việc. Các nội dung kiến nghị được cấp có thẩm quyền tiếp thu, chỉ đạo giải quyết. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng của các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 3.632 cuộc giám sát, kiến nghị giải quyết 367 vụ việc.
Trong lĩnh vực tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, thực hiện quy chế phối hợp với cơ quan, tổ chức, Ban Thường vụ Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp phối hợp, cử đại diện lãnh đạo, công chức tham gia các cuộc giám sát của Đoàn Đại biểu quốc hội (đối với cấp tỉnh), các cuộc giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện Nghị quyết của HĐND cùng cấp.
Tham gia giám sát với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về thực hiện quy định của pháp luật đối với công tác tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù, việc tổ chức thi hành án dân sự...
Trong 5 năm qua, Uỷ ban MTTQ phối hợp tham gia 144 cuộc giám sát, các đoàn thể chính trị- xã hội cấp tỉnh tham gia 234 cuộc giám sát, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cấp huyện, cấp xã phối hợp tham gia 2.525 cuộc giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Hằng năm, căn cứ vào chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cùng cấp, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp chủ động phối hợp với các đoàn thể chính trị- xã hội chủ động lựa chọn, đăng ký phản biện xã hội đối với những dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước cùng cấp có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của Uỷ ban MTTQ Việt Nam, đoàn thể chính trị-xã hội. Thống nhất với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp trước khi trình cấp ủy cùng cấp phê duyệt.
Trong 5 năm qua, Uỷ ban MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội đã tổ chức phản biện xã hội 320 dự thảo văn bản.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giám sát đã tiếp thu, chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội. Nhiều kiến nghị đã được giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập đã được chỉ ra. Tiếp thu, giải trình các ý kiến phản biện xã hội bằng văn bản.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đóng góp nhiều ý kiến, phân tích một số khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục nhằm thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng hiệu quả, đi vào nề nếp, giúp cơ quan Nhà nước thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ông Đặng Xuân Trường đề nghị trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện cũng như góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách và thi hành pháp luật tại địa phương.
Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh đề nghị trong thời gian tới Uỷ ban MTTQ các cấp cần quan tâm bố trí cán bộ có năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ cấp huyện đề xuất sau giám sát phải thực tế, có tính khả thi cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh đã Quyết định tặng bằng khen của Uỷ ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho 32 tập thể, 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, giai đoạn 2018-2022.