Thái úy Trịnh Khả: Công thần khai quốc triều Lê

Từ Khôi 23/07/2020 09:00

Triều Lê ghi đậm dấu ấn hiển hách trong lịch sử dân tộc. Vừa giải phóng đất nước thoát khỏi họa ngoại xâm, vừa kiến tạo một vương triều thịnh trị. Nhắc tới những đại công thần khai quốc triều Lê, không thể không kể đến Thái úy Trịnh Khả.

Minh họa của Dũng NT.

Thù nhà, nợ nước

Trịnh Khả (1391-1451), người làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Tổ tiên của Trịnh Khả từng làm quan triều Trần, có công trong việc bình Chiêm, phá Nguyên Mông. Mẹ ông là Trịnh Xuân Dung, cha ông là Trịnh Quyện giữ Tổng chính, sinh được 4 người con trai. Ông là con út.

Gia đình khá giả nên từ thủa nhỏ, Trịnh Khả sớm được học hành quy củ. Tương truyền, ông ham đọc sách, thường đọc sách và nằm nghỉ ở chùa Kiều Sơn (chùa Vĩnh Nghiêm, xã Vĩnh Hòa). Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có viết: “Năm ông 16 tuổi đi cày ruộng, chăn trâu. Một hôm ngồi nghỉ ở cổng chùa trên núi, có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa bèn dẫn về làm nô. Ít lâu sau, xem tướng bảo rằng: “Đức bé này hình rồng, mắt hổ, khoẻ nhất ba quân, ngày sau tất cầm cờ Mao tiết” (ý nói làm tướng). Chợt lại bảo Khả: “Ngày sau, đuổi chúng ta tất là mày! Phải giết ngay đi, nếu không sẽ để lo về sau”. Khả sợ trốn đi, người Minh bắt không được, mới bắt giam bố ông là Trịnh Quyện để cho ông phải đến, nhưng cũng không được. Chúng liền quăng người bố xuống sông. Hai ngày sau, Trịnh Khả biết tin dữ bèn men theo bờ sông tìm cha. Đến Hà Uyên (vực Tôm) bỗng thấy có 2 người đương vớt xác của thân phụ ông lên. Ông cảm tạ hai người và chọn nơi cát địa an táng.

Thù nhà, nợ nước, Trịnh Khả bèn đến Lam Sơn tụ nghĩa.

Dự hội thề Lũng Nhai

Mùa Đông năm 1416, diễn ra hội thề Lũng Nhai. Hội thề ngoài Lê Lợi có 18 người khác, trong đó có Trịnh Khả. Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa xác định một cách chắc chắn địa điểm hội thề diễn ra ở đâu. Giả thiết được đưa ra là ở: Dưới chân núi là làng Mé (nay là thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân). Hai là ở 2 xã Phúc Thịnh, Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc). Tuy không xác định được địa điểm diễn ra hội thề, nhưng lời thề Lũng nhai đã đi vào sử sách dân tộc với niềm tự hào lớn. Về nội dung, tuy các nguồn tư liệu có đôi chỗ dị bản nhưng đều chung nội dung: 19 người chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước làm cho xóm làng được ăn ở yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt. Ai trái lời thề trời tru đất diệt.

Hội thề Lũng Nhai không được “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi nhưng đến thế kỷ 18, sự kiện này đã được nhà sử học Lê Quý Đôn ghi trong Đại Việt thông sử.

Trịnh Khả được Lê Lợi rất tin dùng, giao cho làm Chỉ huy phó lực lượng thiết đột. Tức là đội quân ứng chiến nhanh nhất. Sau lễ tế cờ, bố cáo thiên hạ về danh nghĩa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngày 7/2/1418, nhiều trận đánh đã diễn ra. Trong đó nổi bật nhất là trận đánh ở Lạc Thủy, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên giặc.

Cay cú vì bị đánh, quân Minh hèn hạ bèn kéo tới Phật Hoàng đào mộ thân phụ Lê Lợi và mang đi. Chúng rêu rao rằng: Ngôi huyệt mộ phát của Lê Lợi không còn nên quân phản loạn sẽ chóng tan vỡ, ai theo Lê Lợi sẽ đổ máu vô ích.

Quân Minh để hòm hài cốt thân phụ Lê Lợi ở đầu mũi thuyền giữa sông, bên bến Dao Xá Thượng, xung quanh có quân bao vây. Chúng tuyên bố: Lê Lợi phải ra hàng thì sẽ trao lại hài cốt.

Lê Lợi chưa biết tính sao thì Trịnh Khả và Bùi Quốc Hưng xin nhận trách nhiệm sẽ đưa được hài cốt thân phụ chủ tướng về.

Đợi đến đêm, Trịnh Khả bèn dắt dao, đội cỏ, bò qua lớp bảo vệ của quân Minh rồi lặn xuống sông. Tới được thuyền để hài cốt, Trịnh Khả quan sát kỹ rồi lặng lẽ cắt dây buộc. Gần sáng, Trịnh Khả đã mang được hài cốt thân phụ Lê Lợi về đại bản doanh. Sau đó, hài cốt vẫn được an táng lại ở Phật Hoàng nhưng ngụy trang khéo.

Không thấy động tĩnh gì, lại thấy mất hài cốt nên quân giặc kinh sợ, cho là trời giúp nghĩa quân.

Võ công hiển hách

Giặc Minh bất ngờ tấn công vào Lam Sơn lần thứ hai khiến nghĩa quân tổn thất nặng nề, phải rút lên núi Chí Linh. Cảnh khó khăn đó sau này đã được nhắc lại trong Bình Ngô đại cáo: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần; Khi Khôi huyện quân không một đội”.

Trước cảnh khó khăn đó, Trịnh Khả được giao nhiệm vụ đi sang Ai Lao (Lào) tìm sự trợ giúp. Trình Khả tuy là võ tướng nhưng lại thạo văn. Ông thuộc tiếng dân tộc Ai Lao, nắm được đường đi lối lại. Hơn nữa, lại giỏi ứng biến.

Với tài ngoại giao của Trịnh Khả, triều đình Ai Lao nhất trí chi viện cho nghĩa quân Lam Sơn một số voi chiến, binh khí và lương thực. Với số chi viện tăng thêm, tin thần nghĩa quân càng thêm phấn chấn.

Tháng 10/1424, Trịnh Khả là một trong những võ tướng tiên phong tấn công vào Nghệ An để mở căn cứ.

Tháng 9/1426, Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo, Lý Triện và Đỗ Bí cầm quân tiến ra Bắc. Các đạo quân này có nhiệm vụ uy hiếp mặt Nam của Thành Đông Quan, đồng thời sẵn sàng chặn đứng đường viện binh của giặc từ Vân Nam tràn qua. Ba trận thắng oanh liệt ghi công lao của Trịnh Khả là Ninh Kiều, Nhâm Mục và Xa Lộc, trong đó ông trực tiếp chỉ huy 2 trận. Ở trận Ninh Kiều, Trịnh Khả đã có công chỉ huy phục binh bất ngờ đánh cho Trần Trí một trận tơi bời tháo chạy về Đông Quan…

Ngày 10/1/1427, Trịnh Khả tiến binh về phía bắc bờ sông Lô bao vây thành Đông Quan. Nhà Minh vội vã sai Liễu Thăng, Mộc Thạch chia đường sang cứu viện cho Vương Thông. Nghĩa quân Lam Sơn bèn tổ chức chặn đánh từ nơi biên ải. Đội quân Liễu Thăng bị tiêu diệt khi tiến quân qua ải Chi Lăng. Đội quân Mộc Thạch tiến qua biên giới Cao Bằng nghe tin mất mật. Trịnh Khả bèn bố trí mai phục và đuổi đánh ở Đan Xá và Lãnh Châu. Quân Mộc Thạch đại loạn. Quân ta chém được hơn một vạn thủ cấp, bắt được hơn nghìn người ngựa cùng nhiều khí giới, lương thảo.

Thành Xương Giang do Trần Nguyên Hãn đánh tan. Tiếp đến là Đông Quan bị hạ.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, đặt niên hiệu Thuận Thiên. Xét thưởng công lao, Trịnh Khả được ban quốc tính, hàm Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Tả lân Hộ vệ tướng quân, được ban túi Kim Ngưu và Ngân Phù. Sang năm 1429, nhà Lê cho khắc biển ghi tên tuổi của các vị khai quốc công thần trong đó có Trịnh Khả.

Vừa bình định xong giặc Minh thì triều đình Ai Lao nội loạn. Trịnh Khả vâng mệnh sang dẹp loạn theo đề nghị của vua Ai Lao. Thành công trở về, ông được ban chức Thái úy.

Năm 1433, lấy cớ thù nhà nợ nước đã trả, Trịnh Khả dâng sớ xin nghỉ vui thú điền viên. Lúc đó ông mới 42 tuổi. Vua Lê Thái Tông tuy còn nhỏ (10 tuổi) nhưng cũng biết nguyên cớ vì Lê Sát nắm quyền lớn trong triều ganh ghét nên Trịnh Khả mới xin nghỉ hưu, do đó không đồng ý. Trịnh Khả được cử lên Lạng Sơn làm quan Tuyên úy.

Oan khuất và chiêu tuyết

Với công lao lừng lẫy, trải làm quan ba triều vua, Trịnh Khả rất có uy tín với quốc dân. Năm 1442, ông được vua Lê Thái Tông giao cùng đi tuần thú phía Đông. Khi vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, Trịnh Khả với cương vị người lãn dạo cao nhất đã bí mất đưa lĩnh cữu về triều và phò tá Thái tử Bang cơ lên ngôi.

"Đại Việt Sử ký toàn thư viế"t: "Năm 1444, Trịnh Khả đem quân đánh Chiêm Thành và dựng Quý Lai làm vua nước Chiêm".

Tháng 6/1448, Trịnh Khả lại dâng sớ xin nghỉ nhưng Thái hậu Thị Anh không cho mà sai đi chỉ đạo xây dựng Thái miếu.

Lúc bấy giờ tệ nạn tham nhũng bắt đầu hoành hành. Trịnh Khả đã mạnh tay xử tội chết đối với Đàm Thảo Lư – Viên chru bạ Nam Đạo vì tội trốn 4 quan tiền thuế. Viên Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ cũng bị ghép tội chết…

Danh cao vòi vọi, trong số 22 người con của ông thì có tới mười người làm quan to trong triều, ngoài trấn. Thế nên ông không tránh khỏi ganh ghét. Tháng 9/1451, ông và con trai trưởng bị vu làm phản và bị giết.

Năm 1453, vua Lê Nhân Tông minh oan cho ông và cho con cháu và người dân lập đền thờ. Đến thời vua Lê Thánh Tông truy tặng ông chức và tước Thiếu phó, Liệt quận công rồi Thái úy, Liệt quốc công.

Đền thờ Trịnh Khả được công nhận di tích quốc sgia năm 1993. Qua nhiều năm bị hư hại xuống cấp, cuối năm 2019, đền đã được trùng tu khang trang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái úy Trịnh Khả: Công thần khai quốc triều Lê