‘Thân phận nàng Kiều’ tiếp tục chinh phục  khán giả

Thái Anh 19/10/2020 07:30

Vở diễn xuất sắc của sân khấu nước nhà trong năm 2019 “Thân phận nàng Kiều” đang tiếp tục được công diễn từ 18 - 20/10, tại rạp Hồng Hà, Hà Nội.

Cảnh trong vở Thân phận nàng Kiều.

Đây thực sự là món quà đặc biệt mà các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam dành tặng khán giả nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và kỷ niệm 200 năm Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du.

Được khởi nguồn từ kịch bản văn học do nhà văn Nguyễn Hiếu và NSƯT Lê Chức cùng chắp bút, “Thân phận nàng Kiều” là một vở kịch thơ kể bằng ngôn ngữ đặc sắc của nghệ thuật múa rối cạn do đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chuyển thể và dàn dựng. Khi đó, dù diễn biến tâm lý các nhân vật vẫn triển khai theo những xung đột chính của nguyên tác “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) song trong “Thân phận nàng Kiều” có nhiều tình tiết thay đổi để phù hợp với sân khấu múa rối.

Thật thú vị khi thưởng thức vở diễn, khán giả được bước vào không gian sân khấu lung linh, huyền ảo của ánh sáng cùng sự cộng hưởng của hình tượng dải lụa trắng. Dải lụa trắng này đã chi phối từ cách tạo hình con rối đến việc lựa chọn sân khấu rối đen. Đồng thời, cách thiết kế sân khấu không phải chỉ có 6 dải lụa mà thể hiện được đường đi thân phận nàng Kiều. Từ không gian sân khấu ấy, khán giả đã được “gặp” nàng Kiều, thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải… không phải được thể hiện bởi những diễn viên bằng xương bằng thịt mà là bằng những… con rối. Những nhân vật ấy được tạo hình có khi chỉ là một thanh tre, có khi chỉ là một mảnh lụa hay một tấm bìa… tưởng như vô tri, vô giác ấy thế mà lại biết khóc cười, biết khao khát ước mơ, biết tức giận, biết hờn ghen…

Thế nên, dù bằng hình thức múa rối cạn tưởng khô khan, tưởng chỉ là những trò diễn nho nhỏ dành cho thiếu nhi ấy thế mà “Thân phận nàng Kiều” đã được bồi đắp thành một vở kịch đủ sức làm nức lòng khán giả vừa có đủ tình huống, diễn tiến kịch vừa được thêm một lần đắm chìm trong không gian nghệ thuật mới lạ mà hấp dẫn.

Từ đây, mỗi người không chỉ thêm một lần thổn thức về cái phận hồng nhan bạc phận của nàng Kiều năm xưa mà còn hả hê trước những thói đời, những tính cách nhân vật rất điển hình cho hôm qua và hôm nay cùng hiển hiện. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng hình tượng thằng bán tơ không phải chỉ được xuất hiện trong một câu thơ “Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ” như trong nguyên tác mà xuất hiện xuyên suốt vở diễn - cái thằng tạo “nghiệp” cho nàng Kiều.

Hay như, khán giả đã vừa phải bật cười để rồi không khỏi gật gù trước lớp diễn dí dỏm và nóng hổi tính thời sự. Đặc biệt, sau bao phen trầm luân, nàng Kiều ở kết vở còn mang tinh thần của người phụ nữ hôm nay khi dám đứng lên và cắt đi chữ “nghiệp” của số mệnh “hồng nhan”…

Còn nhớ, trước khi được ra mắt, “Thân phận nàng Kiều” đã phải chịu một áp lực vì sự hồ nghi từ dư luận, nhất là giới nghiên cứu rằng: “Con rối mà cũng có thể diễn Kiều sao?”. Thế nhưng, ngay từ suất diễn đầu tiên, vở diễn đã thuyết phục và quyến rũ được người xem bởi cách xử lý sân khấu thông minh, sắc sảo của đạo diễn.

Chính vì thế, không quá ngạc nhiên khi tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2019, vở diễn đã xuất sắc chinh phục không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế khi giành giải vàng vở diễn cùng một giải vàng, 5 giải bạc diễn viên; giải đạo diễn xuất sắc…

Nối tiếp đó, trong Ngày Giỗ tổ ngành sân khấu mới đây, cái tên “Thân phận nàng Kiều” tiếp tục được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xướng lên để báo công với tổ nghề khi giành giải Vở diễn xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc nhất năm 2019.

Nói về thành công này, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: Đây là niềm hạnh phúc của một người nghệ sĩ đã từng ấp ủ, trăn trở và không ngừng cố gắng để có một nàng Kiều của sân khấu rối cạn trong suốt hơn 10 năm qua. Và, người đạo diễn này vẫn nhớ như in khoảng thời gian anh như thể người “lên đồng” trên sân khấu khi gần như mọi cách xử lý tình huống kịch đều được ứng tác ngay trên sàn diễn.

Niềm mừng vui này càng lớn hơn khi vở diễn không phải chỉ để vui liên hoan mà còn có riêng đời sống của mình khi tổ chức được khá nhiều đêm diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, rạp Hồng Hà và luôn được khán giả yêu mến đón nhận. Có lẽ, đây là vở diễn hiếm hoi của múa rối cạn mà khán giả thưởng thức không phải là thiếu nhi.

Thật mừng vui khi sau những nàng Kiều của chèo, cải lương, kịch nói, kịch hình thể… sân khấu múa rối cạn đã có một nàng Kiều của riêng mình. Dù rằng, công việc sáng tạo này gặp nhiều thách thức không chỉ từ khán giả mà còn từ cả giới nghiên cứu, song chúng tôi đã vượt qua và được ghi nhận, tôn vinh”.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Thân phận nàng Kiều’ tiếp tục chinh phục  khán giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO